Khái quát về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội? Quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội?
Công tác đấu tranh phòng ngừa và chống những hành vi xâm hại đến sức mạnh quân đội luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để thực hiện được nhiệm vụ đó và với tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, trong quân đội cần phải tổ chức hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật riêng biệt. Chính vì điều đó, sự ra đời của cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội là hoàn toàn cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng trong cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra cả nước. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội?
Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội là là cơ quan điều tra được tổ chức trong quân đội nhân dân, là chủ thể
tiến hành tố tụng hình sự, có chức năng điều tra đối với những vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật hình sự khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của
Trong nhiều năm vừa qua, cơ quan điều tra hình sự quân đội đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Luôn gắn nghiệp vụ điều tra hình sự với nhiệm vụ chính trị, quân sự của quân đội trong từng thời kỳ, lấy mục tiêu nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội và của lực lượng vũ trang nhân dân làm nhiệm vụ chính trị của mình. Có thể khẳng định, ở đâu có hoạt động của quân đội ta ở đó có công tác điều tra hình sự. Cơ quan điều tra hình sự quân đội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, trưởng thành và chiến thắng của quân đội.
Tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội là hoạt động thiết lập các cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội theo một trình tự nhất định, trao quyền, nhiệm vụ cho từng cơ quan và thể hiện được mối quan hệ giữa các cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội.
2. Quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong Quân đội?
Quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong quân đội được quy định tại Điều 25 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, cụ thể:
“1. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng gồm có các phòng Điều tra, phòng nghiệp vụ và bộ máy giúp việc.
2. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương gồm có Ban Điều tra và bộ máy giúp việc.
3. Tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự khu vực gồm có bộ phận Điều tra và bộ máy giúp việc.
4. Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan Điều tra hình sự khu vực.“
Theo quy định này, cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân bao gồm: Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương và Cơ quan Điều tra hình sự khu vực. Nội dung này được giữ theo đúng quy định trước đây tại Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Về thực chất, nội dung quy định về cơ cấu tổ chức là hợp lý, việc thay đổi chỉ diễn ra đối với số lượng cơ quan sao cho phù hợp với thực tế và điều kiện về tinh giảm bộ máy biên chế trong bối cảnh hệ thống cơ quan quá cồng kềnh.
Theo Quyết định số 139/2004/QĐ-BQP ngày 08/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về tổ chức và nhiệm vụ của Cơ quan điều tra hình sự trong quân đội nhân dân”, hiện này có 99 Cơ quan điều tra hình sự các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Vào ngày 18/8/2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét việc việc thông qua Nghị quyết về việc thành lập, sáp nhập, giải thể Cơ quan Điều tra hình sự quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra hình sự khu vực, theo đó dự kiến là giảm từ 99 xuống còn 86 cơ quan điều tra hình sự thuộc Quân đội nhân dân.
Qua quá trình tìm hiểu quy định của pháp luật, thực tế, các quy định về tổ chức bộ máy của Cơ quan Điều tra hình sự trong quân đội không được công khai quá nhiều, việc tìm kiểm khá khó khăn.
Mô hình hệ thống tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội được tổ chức theo đơn vị hành chính quân đội, không tổ chức theo địa giới hành chính nhà nước như các cơ quan điều tra khác ngạch hoặc Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự, đã dẫn đến một số tình trạng chủ yếu sau đây:
– Bộ máy cồng kềnh, nhưng phân bố trên các vùng lãnh thổ trong cả nước bị mất cân đối nghiêm trọng.
– Hoạt động điều tra ban đầu của các Cơ quan điều tra hình sự của quân khu quản lý địa bàn và Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền chồng chéo, phức tạp.
– Khả năng điều tra khám phá những vụ án chưa rõ đối tượng kém, bị động, phụ thuộc vào Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân.
– Dễ xảy ra tình trạng lạm quyền của các cơ quan nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân; tình trạng bỏ lọt tội phạm.
– Lực lượng cán bộ điều tra của toàn ngành bị dàn trải, phân tán có trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự khu vực (cấp dưới) phân công điều tra vụ án hình sự cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự cấp quân khu (cấp trên).
– Hệ thống tổ chức Cơ quan điều tra hình sự không phù hợp với hệ thống tổ chức của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự.
– Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra hình sự phải cơ động với quãng đường quá xa, để điều tra vụ án thuộc thẩm quyền gây lãng phí, tốn kém sức người và vật chất bảo đảm.
Mục tiêu đổi mới tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội là phải phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của nhà nước, đặc thù của quân đội và theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, cần đạt được những yêu cầu sau:
– Một là, phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Quân ủy Trung ương đối với Cơ quan điều tra hình sự.
– Hai là, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội phải được tổ chức theo ngành dọc. Đảm bảo sự chỉ đạo trực tiếp, thống nhất về nghiệp vụ của Thủ trưởng Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.
– Ba là, Cơ quan điều tra hình sự quân đội phải tiếp tục thu gọn đầu mối.
– Bốn là, đổi mới hệ thống tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội phải có lộ trình và bước đi phù hợp.
– Năm là, mô hình tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội phải phù hợp với hệ thống tổ chức Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự.
Cơ quan điều tra hình sự quân đội, bộ phận cấu thành tổ chức cơ quan điều tra của nước ta. Có chức năng, nhiệm vụ điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXV của Bộ luật Hình sự, mà đối tượng phạm tội là người do quân đội quản lý hoặc người không do quân đội quản lý phạm tội liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội (trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương). Trong hệ thống các cơ quan tư pháp của quân đội, Cơ quan điều tra hình sự có một vị trí đặc biệt, hết sức quan trọng, kết quả điều tra là cơ sở để truy tố, xét xử, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến quân đội.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức hệ thống Cơ quan điều tra hình sự quân đội hiện nay được tổ chức theo đơn vị hành chính quân đội, không phù hợp với hệ thống tổ chức cơ quan của Nhà nước, hệ thống Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự và quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Do đó, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.
Từ những phân tích trên, tác giả nhận định: trước yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng quân đội chính qui hiện đại, tổ chức Cơ quan điều tra hình sự quân đội còn cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, cũng như còn hạn chế trong việc giải quyết mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong quân đội, sự phối kết hợp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ngoài quân đội; Hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra hình sự quân đội còn thấp, vẫn còn hiện tượng bỏ lọt tội phạm, còn hiện tượng sai sót trong quá trình điều tra của điều tra viên và cơ quan điều tra.