Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lừa tiền mua hàng qua mạng? Các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản? Đòi lại số tiền mua bán hàng hóa qua mạng không đúng yêu cầu?
Mục lục bài viết
1. Phải tố cáo hành vi lừa đảo qua mạng ở đâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, anh trai tôi có đặt mua 1 lô hàng cụ thể là 1 lô dép từ trong Sài Gòn và đã chuyển khoản cho anh B số tiền là 26 triệu đồng nhưng từ hôm đó tới nay là gần 1 tuần mà anh B chưa chuyển hàng, số điện thoại và mọi liên lạc đều không liên lạc được với anh B. Tôi cần làm gì và có thể khiếu kiện anh ta không? Cám ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Anh B có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174
– Khách thể: Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản
– Chủ thể: có năng lực trách nhiệm hình sự. Cần phải xác định, bên B đã đủ tuổi chịu trách nhiệm theo quy định của Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 chưa, và có bị hạn chế về năng lực hành vi hay nhận thức hay không?
– Mặt khách quan:
+ Hành vi khách quan: là hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Ở đây anh trai bạn và anh B đã trao đổi về lô hàng, giá trị, số lượng, thời gian chuyển hàng, và các thông tin khác của hàng hóa, anh trai bạn có chuyển khoản tiền thì anh B không gửi tiền và chặn mọi liên lạc. Tại thời điểm anh B nhận được tiền là thời điểm hoàn thành tội phạm.
+ Giá trị tài sản: trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Trong trường hợp này, giá trị tài sản là 26 triệu đồng, đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm về giá trị tài sản chiếm đoạt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
– Mặt chủ quan: được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Anh B nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Ý thức chiếm đoạt có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, anh B đã có hành vi gian dối như bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc (nói dối, trái sự thật, nói không thành có, nói ít thành nhiều, tẩy xóa con số để được nhiều hơn) để anh trai bạn nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật đó nên đã tự nguyện chuyển tiền cho anh B đã thỏa mãn hai yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu đáp ứng các yếu tố cấu thành còn lại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, anh trai bạn cần làm đơn tố cáo toàn bộ sự việc trên với cơ quan công an có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Anh bạn cần kèm theo các chứng từ đã chuyển khoản cũng như các thông tin trao đổi qua lại giữa bạn và người kia trong những lần giao dịch trước và sau khi chuyển tiền. Sau khi nhận được đơn tố cáo của anh bạn, cơ quan điều tra sẽ có trách nhiệm xác minh, điều tra các tài liệu liên quan và quyết định xem có khởi tố hình sự hay không?
2. Lừa mua hàng qua mạng không đảm bảo chất lượng:
Tóm tắt câu hỏi:
Em có mua một cái điện thoại Lumia 920 bằng hình thức online trên Facebook. Người bán hàng cam đoan là máy tốt, nếu máy có trục trặc thì có thể 1 đổi 1, bảo hành 12 tháng hoặc em có thể được hoàn trả 100% số tiền nếu không ưng máy. Nhưng đến khi em nhận được máy rồi thì chất lượng khác xa so với quảng cáo của người bán. Em có gọi điện thoại thì người bán chỉ nói ậm ừ, và không chịu hoàn trả lại cho em, bên cạnh đó còn chặn Facebook em, và xóa luôn cả cuộc trò chuyện trên Facebook của em và người đó. Giờ em muốn lấy lại số tiền mình đã bỏ ra, vậy giờ em có thể làm được gì?
Luật sư tư vấn:
Theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 thì: Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định hình thức của hợp đồng mua bán tài sản, như vậy hợp đồng mua bán tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Như vậy, đối với trường hợp của bạn, hợp đồng mua bán tài sản được hình thành và có hiệu lực pháp luật.
Nếu bạn cho rằng quyền và lợi ích của bạn bị xâm hại, bạn có thể khởi kiện lên tòa án để giải quyết. Tuy nhiên, khi khởi kiện, bạn phải có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của bạn là hợp pháp và có căn cứ.
Như vậy, nếu bạn khởi kiện, bạn cần phải đưa ra các bằng chứng, giấy tờ khác chứng minh có việc mua bán giữa hai bên. Tuy nhiên, như bạn nói, hiện tại, người bán hàng đã chặn facebook của bạn cũng như đã xóa hết cuộc trò chuyện của hai bạn. Bạn có thể nhờ bạn bè khôi phục lại các tin nhắn đã bị xóa để làm bằng chứng, cũng như bạn phải xuất trình biên bản giao nhận hàng, giao nhận tiền (nếu có) và chứng minh được các thiệt hại.
Việc khởi kiện sẽ được nộp tại TAND cấp huyện, nơi người bán hàng đang cư trú. Nếu bạn không biết người bán hàng hiện đang cư trú ở đâu, bạn có thể nhờ bạn bè vào facebook của người bán hàng kia và hỏi. Nếu không bạn có thể yêu cầu tòa án nơi bạn cư trú để giải quyết. Tuy nhiên, việc bạn không nắm được bất cứ thông tin gì của người bán hàng sẽ gây ra khó khăn rất lớn trong quá trình khởi kiện.
Ngoài ra, Nếu bạn không thể chứng minh được thì bạn cũng sẽ không thể khởi kiện được.
3. Xử lý hành vi mua hàng qua mạng không giao đúng mẫu:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có mua 1 sản phẩm trên mạng nhưng khi nhận được lại không phải mặt hàng quảng cáo và nhiều người cũng bị lừa như tôi. Kính mong luật sư cho biết làm thế nào để ngăn chặn trang đó lại không nhiều người sẽ bị lừa tiếp?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 17 Nghị định 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định:
“- Khi giao kết hợp đồng từ xa, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin sau:
+ Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có);
+ Chất lượng của hàng hóa, dịch vụ;
+ Chi phí giao hàng (nếu có);
+ Phương thức thanh toán, phương thức giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Thời gian có hiệu lực của đề nghị giao kết và mức giá đề nghị giao kết;
+ Chi phí sử dụng phương tiện thông tin liên lạc cho việc giao kết hợp đồng nếu chi phí này chưa được tính vào giá của hàng hóa, dịch vụ;
+ Chi tiết về tính năng, công dụng, cách thức sử dụng của hàng hóa, dịch vụ là đối tượng hợp đồng.
– Trường hợp việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua điện thoại, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải nói rõ ngay từ đầu về tên, địa chỉ của mình và mục đích của cuộc đàm thoại.
– Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.”
Như vậy, khi thực hiện việc giao kết hợp đồng trong trường hợp là mua hàng qua mạng, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết trong thời hạn mười ngày, nếu sản phẩm nhận được không đúng như thông tin và doanh nghiệp cung cấp (trừ trường hợp các bên đã có thỏa thuận khác).
Trong trường hợp này, người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, khi người tiêu dùng yêu cầu trả lại hàng hóa và hoàn lại tiền khi gặp những vấn đề như sản phẩm không đúng như quảng cáo, nguồn gốc không rõ ràng, bị lừa đảo…, thì doanh nghiệp thường trốn tránh trách nhiệm và không giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng.
Trong trường hợp này, để ngăn chặn trang web đó không để nhiều người bị lừa thì bạn có thể khiếu nại hoặc phản ánh tới Sở Công Thương hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố. Cùng với đó là bạn cũng như người tiêu dùng khác cần lưu ý những vấn đề sau đây:
– Xác minh lại các thông tin quảng cáo trước khi đưa ra quyết định mua sắm qua kênh truyền hình;
– Thận trọng với những sản phẩm sử dụng hàng ngày nhưng giá quá cao (dầu gội, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da, đồ gia dụng…);
– Luôn đặt câu hỏi với những sản phẩm được quảng cáo “rất tốt”, “ưu việt”, “số 1 thị trường”…;
– Cảnh giác với những sản phẩm không có thương hiệu/thương hiệu không nổi tiếng/rất ít người biết đến;
4. Bị lừa tiền khi mua hàng qua mạng làm cách nào lấy lại?
Tóm tắt câu hỏi:
Con chỉ 15 tuổi,cách đây 1 tháng con có mua hàng qua mạng và bị lừa 550.000đ, với con số tiền đó thì lớn, con chỉ có số tài khoản của họ, có cách nào để con lấy được số tiền đã mất không ạ?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như vậy, với số tiền 550.000 đồng chiếm đoạt được từ bạn, nếu trước đây người bán hàng trên mạng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích thì họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự trên. Nếu người đó chưa từng bị xử phạt hành chính hay bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc bị xử phạt hành chính nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản nhưng đã được xóa án tích thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15
Ngoài việc bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho bạn. Do đó, bạn cần làm đơn tố cáo gửi tới công an cấp xã nơi bạn đang cư trú để cơ quan công an xác minh và xử lý người bán hàng trên mạng. Vì bạn chỉ có thông tin về tài khoản và trang mạng bán hàng nên việc tìm và xử lý người bán hàng có thể sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
5. Luật kiện đòi lại tiền lừa đảo mua hàng qua mạng:
Tóm tắt câu hỏi:
Xin Luật Dương Gia tư vấn cho tôi cách giải quyết vụ việc như sau: Ngày 10.2.2020 tôi mua một chiếc điện thoại trên cửa hàng online. Theo thỏa thuận, cửa hàng bán cho tôi chiếc samsung note 5. Giá thỏa thuận là 16 triệu. Do đặt hàng qua mạng nên tôi đã thanh toán chuyển khoản cho cửa hàng đầy đủ số tiền đó. Ngày 12.2.2020, cửa hàng cho người giao hàng đến cho tôi, trong giấy có ghi là kiểm tra hàng kĩ, sau khi tôi nhận họ sẽ không chịu trách nhiệm. Do tôi không rành về điện thoại nên tôi đã lấy hàng và kí giấy tờ đầy đủ. Ngày hôm sau, tôi khoe với bạn tôi nhưng bạn tôi đã nói là điện thoại này là samsung note 3, giá chỉ tầm 6 triệu. Biết tôi bị lừa nên tôi gọi điện đến cửa hàng yêu cầu họ phải trả lại số tiền đó cho tôi và tôi sẽ trả lại hàng cho họ. Nhưng họ từ chối vì cho rằng tôi đã kiểm tra kĩ khi nhận hàng. Xin luật sư cho tôi hỏi bây giờ tôi có thể kiện họ lên tòa được không? Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, ngày 10/2/2020 bạn đặt mua một chiếc điện thoại Samsung note 5 qua mạng với số tiền là 16 triệu đồng và bạn đã thanh toán chuyển khoản cho cửa hàng đầy đủ số tiền đó. Ngày 12/2/2020 bạn nhận được điện thoại, tuy nhiên do bạn không biết về điện thoại nên đã lấy hàng và ký giấy nhận. Trong giấy nhận có nội dung ghi là kiểm tra kỹ hàng, sau khi nhận hàng họ sẽ không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đó lại không phải là điện thoại bạn đặt mua, mà lại là một điện thoại Samsung note 3 có giá trị rẻ hơn khoảng 10 triệu (theo bạn trình bày).
Trong trường hợp này vì giao dịch giữa bạn và cửa hàng là 16 triệu đồng nên người bán có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi vi phạm phải đáp ứng các yếu tố “dùng thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản của người khác”. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật. Hành vi đó có thể bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động, bằng nhiều hình thức khác nhau như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch một cách trái phép tài sản của người khác thành của mình. Giá trị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Đặc biệt việc chiếm đoạt này gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối. Thời điểm hoàn thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được xác định từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho người phạm tội.
Từ đó có thể thấy, trường hợp của bạn vì bạn mua hàng qua mạng qua hình thức thanh toán trước qua tài khoản nên chủ cửa hàng điện thoại có thể dùng thủ đoạn gian dối để giao hàng không đúng như thỏa thuận nhằm chiếm đoạt giá trị chênh lệch giữa hai sản phẩm (điện thoại Samsung note 5 giá 16 triệu còn điện thoại Samsung note 3 giá khoảng 6 triệu). Vì chủ cửa hàng đã nhận tiền trước sau đó mới giao hàng nên có thể hiểu thời điểm bạn nhận hàng không đúng như thỏa thuận là thời điểm cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó,bạn có thể trình báo ra cơ quan công an để họ giải quyết quyền lợi cho mình. Tuy nhiên, bạn phải có đủ bằng chứng chứng minh việc mua bán giữa hai bên qua: hóa đơn chuyển khoản qua ngân hàng, liên lạc qua điện thoại, tin nhắn qua mạng, qua điện thoại,…và bạn phải chứng minh được hành vi giao hàng không đúng theo thỏa thuận nhằm chiếm đoạt tài sản: dựa vào thỏa thuận mua điện thoại Samsung note 5, hóa đơn chuyển khoản với chiếc điện thoại note 3 nếu có gắn tem của của hàng đó trên bin điện thoại hoặc ở mặt sau, phía trong của điện thoại…
Ngoài ra, bản chất của hành vi mua hàng qua mạng là giao dịch dân sự. Cụ thể giữa bạn và cửa hàng đã xác lập quan hệ dân sự thông qua hợp đồng mua bán tài sản theo Điều 430 Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”
Trường hợp của bạn có thể thấy, bạn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo đúng thỏa thuận nhưng bên bán không thực hiện nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Cụ thể là giao vật không đúng chủng loại theo quy định tại Điều 439 Bộ luật dân sự 2015.
Trong trường hợp của bạn, có thể tại thời điểm bên bán giao hàng bạn đã ký và nhận hàng nhưng bạn không hề biết chiếc điện thoại đó không phải là chiếc điện thoại như đã thỏa thuận và sau đó phát hiện điện thoại đó không phải là loại điện thoại mua như đã thỏa thuận nên bạn có thể gọi điện hoặc trực tiếp thương lương với bên bán để hai bên tìm cách giải quyết, Nếu bên bán không đồng ý thương lượng thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì bạn sẽ nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp quận, huyện nơi cửa hàng đang hoạt động.
Do đó, khi gửi đơn khởi kiện bạn phải kèm theo những chứng cứ chứng minh theo khoản 5 Điều 189
Trong trường hợp bạn không đưa ra được bất cứ căn cứ chứng minh việc bên bán giao không đúng hàng cho bạn thì bạn rất khó lấy lại được số tiền.