Tố cáo hành vi xúc phạm danh dự và đe dọa tính mạng. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xúc phạm người khác.
Tố cáo hành vi xúc phạm danh dự và đe dọa tính mạng. Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xúc phạm người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi. Một người em biết nhắn tin cố ý kiếm chuyện xúc phạm danh dự em và bạn bè em dùng những lời lẻ văng tục thậm chí còn hăm dọa về tính mạng. vậy cho em hỏi có thể đi kiện được không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Trong trường hợp này, hành vi nhắn tin xúc phạm danh dự bạn và bạn bè của bạn thì tùy vào mức độ và hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Thứ nhất, trách nhiệm dân sự:
Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự 2005 có quy định:
“Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.”
Và theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Từ đó thì khi thấy danh dự, nhân phẩm của mình bị xúc phạm, xâm phạm thì bạn có quyền khởi kiện dân sự có kèm nghĩa vụ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích của mìn, đồng thời yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường.
Thứ hai, trách nhiệm hành chính.
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm trật tự công cộng:
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng."
Nếu hành vi xúc phạm diễn ra nhiều lần, ảnh hưởng đến nhân phẩm danh dự của bạn và bạn bè bạn thì có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để tố cáo hành vi vi phạm này.
>>> Luật sư tư vấn tố cáo hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm: 1900.6568
Thứ ba, trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác ở mức độ nghiêm trọng và đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 về tội làm nhục người khác:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tuy nhiên, còn phải tùy thuộc vào mức độ xúc phạm có nghiêm trọng hay không phải có căn cứ vào thái độ nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm, ảnh hưởng đến vị trí vai trò của người bị hại trong gia đình, tổ chức hoặc ngoài xã hội….
Hơn nữa, theo bạn trình bày bạn còn bị đe dọa về tính mạng nên căn cứ theo Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội đe dọa giết người như sau:
''1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.''
Các dấu hiệu pháp lý của tội đe dọa giết người:
– Khách thể: Quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người. Đối tượng tác động là con người.
– Khách quan: là hành vi đe dọa giết người ( hành vi đe dọa tước đoạt tính mạng của người khác trái pháp luật).
+ Thông tin đe dọa giết người có thể chuyển đến nạn nhân bằng bất kỳ hình thức nào như bằng lời nói trực tiếp, qua thư, điện thoại, băng hành động…
+ Sự lo sợ được coi là căn cứ khi cách thức và nội dung đe dọa thể hiện rõ ý định giết người đồng thời làm cho nạn nhân hiểu rằng chủ thể hoàn toàn có đủ điều kiện, động cơ để thực hiện hành vi đó.
– Chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp.
– Chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên.
Nếu hành vi đe dọa giết người thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đe dọa giết người.
Do vậy, bạn có thể làm đơn gửi ra cơ quan công an, nếu có đủ cơ sở chứng minh, mức độ của hành vi thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.