Tố cáo công an xã có hành vi đánh người? Tội cố ý gây thương tích theo quy định của pháp luật? Hành vi đánh người của công an? Bảo vệ công ty đánh người?
Mục lục bài viết
- 1 1. Công an xã đánh người khi lấy lời khai xử lý như thế nào?
- 2 2. Làm gì khi bị công an xã đánh người và ép cung?
- 3 3. Bảo vệ đánh người có bị xử phạt không?
- 4 4. Công an có được tự ý bắt và đánh người không?
- 5 5. Tố cáo công an đánh người ở đâu?
- 6 6. Hành vi đánh người của công an xã xử lý thế nào?
1. Công an xã đánh người khi lấy lời khai xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một việc cần hỏi Luật sư. Tôi và anh trai tôi ra UBND xã để giải Quyết vụ việc đánh nhau tại nhà anh tôi, khi tôi vào phòng công an xã để lấy lời khai thì công an xã đã dùng chân phải đạp vào ngực trái tôi trong khi đang lấy lời khai tôi muống hỏi luật sư là hành vi của công an xã vi phạm vào tội gì ? và phương thức sử phạt hành vi đó như thế nào ?
Luật sư tư vấn:
Theo như thông tin anh cung cấp: anh và anh trai của anh ra Ủy ban nhân dân xã để giải quyết vụ việc đánh nhau tại nhà anh. Khi anh vào phòng công an xã để lấy lời khai thì công an xã đã dùng chân phải đạp vào ngực trái của anh trong khi đang lấy lời khai. Nhưng ở đây, anh chưa nêu rõ hành vi của công an xã đạp vào ngực anh có gây ra thương tích hay hậu quả gì không ?
Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định…”.
Như vậy, trong trường hợp này việc công an xã dùng chân phải đạp vào ngực trái của anh là hoàn toàn “sai”. Công an xã không có quyền được làm như vậy, việc làm đó đã vi phạm pháp luật. Nhưng ở đây, chúng ta cần xét đến hậu quả xảy ra:
Trường hợp 1: Nếu như hành vi của công an xã không gây ra ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe của anh, thì trong trường này anh có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp về hành vi đánh người của công an xã. Công an xã có thể bị xử phạt hành chính, bị khiển trách hoặc sẽ bị kỷ luật.
Trường hợp 2: Nếu như hành vi của công an xã mà gây ra thương tích cho anh thì căn cứ vào mức độ thương tích và kết quả giám định thương tật, có thể công an xã sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134
Căn cứ theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
Như vậy, nếu như hành vi của công an xã gây ra thương tích cho anh thì sẽ căn cứ vào kết quả giám định tỷ lệ thương tật để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Mức hình phạt sẽ căn cứ vào mức độ thương tật theo như quy định trên.
Căn cứ theo Điều 373 về tội dùng nhục hình, Điều 374 về tội bức cung Bộ luật hình sự 2015. Nếu trong quá trình lấy lời khai phía bên cơ quan công an bức cung, dùng nhục hình thì bạn có thể viết đơn tố cáo lên cơ quan công an cấp trên.
2. Làm gì khi bị công an xã đánh người và ép cung?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi nếu chưa làm rõ sự việc thì công an xã có quyền đánh người và ép cung không?
Luật sư tư vấn:
Tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã quy định:
“ 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định...”
Như vậy, việc công an xã khi bắt người để tạm giữ trong quá trình điều tra, kể cả phạm tội quả tang cũng không có quyền đánh người và ép cung, cho dù người đó là người đang thụ án tại các trại giam, mọi vi phạm trong quá trình thụ án đều phải được thực thi theo các nội quy cụ thể của trại giam. Huống chi là những người bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra cũng như việc người đó bị bắt vì có chứng cứ liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật. Khi chưa có phán quyết của Tòa án, kết luận người đó là có tội, thì mọi hồ sơ của công an chỉ là công cụ kiểm chứng để hành luật. Nói cách khác, hồ sơ điều tra, xét hỏi chỉ là căn cứ để Tòa án luận tội nên người có tên trong hồ sơ chưa phải là tội phạm, vì vậy việc đánh người trong trường hợp bị tạm giữ, bị bắt để thẩm vấn (hỏi cung), ép buộc người khác nhận tội (ép cung) là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, người bị ép cung nên khéo léo trả lời quá trình thẩm vấn, bên cạnh đó ghi nhớ cụ thể địa điểm, thời gian, những người có mặt, quá trình thẩm vấn và bạo lực trong việc ép cung, từ đó thông qua ai đó nhờ người thân tố cáo với tất cả những nơi sau: Thành ủy, Công an thành phố, Báo chí (kêu gọi báo chí vào cuộc là rất tốt). Nếu không được, tại tòa án người đó phải phản cung và nêu cụ thể những quá trình bị ép cung, đòi hỏi trước đó là những người thân đã phải chủ động liên hệ với một vài phóng viên đến dự cùng gia đình, kèm theo đó sử dụng máy ghi âm một cách tế nhị trong phòng xử án .
3. Bảo vệ đánh người có bị xử phạt không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em gửi xe ở nhà xe. Lúc lấy xe về thì trễ 5 phút so với giờ quy định. Em vào lấy xe và đi ra như bình thường có quét thẻ nhà xe. Khi ra thì bị anh nhân viên nhà xe cố ý nhốt lại đùa giỡn. Sau đó em kêu mấy anh nhân viên mở cửa nhưng không được, em phá cửa ra. Ngay lúc này, hai anh nhân viên nhà xe xuất hiện và dùng hung khí đánh em nhiều phát vào đầu. Xin hỏi, em có thể khởi kiện hành vi của hai anh nhân viên này được không? Hai nhân viên đó sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, theo như trường hợp của bạn thì hành vi của hai nhân viên nhà xe là hành vi có tính chất làm tổn hại đến sức khỏe của bạn, tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134
Căn cứ vào những gì bạn nêu thì hai nhân viên đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng hoặc có thể tuyên phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thứ hai, bạn có thể đến cơ quan công an cấp huyện ở nơi xảy ra sự việc để trình báo. Cơ quan công an sẽ tiến hành xác minh nếu có dấu hiệu của tội phạm thì sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự. Nếu không có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan công an sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Công an có được tự ý bắt và đánh người không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Vào lúc 10h30, em cùng một người đi trên xe, anh ta mắc vệ sinh và đi vào hẻm, trong lúc đó, công an tới hỏi thì em nói đang cho ông anh đi vệ sinh. Công an thấy cây ná em treo trên xe và nói em đi bắn chim, công an kêu em về trụ sở,còng tay em và đánh em nói là em đi trộm chó, trong khi người và xe không có những dụng cụ bằng chứng có thể quy tội cho em. Mong Luật sư trả lời!
Luật sư tư vấn:
Đối với việc đi trộm chó. Tùy theo tính chất mức độ của hành vi mà hành vi đi trộm chó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, dù xử lý hình sự hay xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan công an có thẩm quyền đều phải chứng minh được bạn và người đi cùng có hành vi vi phạm hoặc chuẩn bị phạm tội (đối với trường hợp nếu đủ yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu không đủ căn cứ chứng minh mà bắt giam bạn và người đi cùng là vi phạm pháp luật.
Về việc công an đánh bạn:
Hành vi đánh người khác của công an, nếu không được xác định là phòng vệ chính đáng hay trong tình thế cấp thiết thì sẽ bị xác định là hành vi cố ý gây thương ích cho người khác, đây là trái quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.
5. Tố cáo công an đánh người ở đâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Chị kia là con của ông làm công an, cho bạn em ở thuê cùng chị đó. Nhưng qua hôm sau thì ba của chị đó về, thấy bạn em ở trong phòng, đánh và đá bạn em (bạn em là con gái), tưởng bạn em là ăn trộm, tuy bạn em đã giải thích mà ba của chị này không chịu nghe vẫn tiếp tục đánh bạn em, trong tình trạng say rượu. Vậy trong trường hợp này thì ba của chị đó có vi phạm không, nếu có bị xử lý thế nào (người đó làm công an).
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Theo thông tin bạn cung cấp, người công an có hành vi đánh đập bạn của bạn, trong tình trạng say rượu, nếu gây ra tỷ lệ thương tật cho bạn của bạn từ 11% trở lên hoặc dưới 11% thuộc vào các Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người công an này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e) Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Ngoài ra, do người đó là công an nên ngoài bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật chung thì còn phải chịu hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của nội bộ ngành công an.
Để đảm bảo quyền lợi cho bạn của bạn, bạn của bạn nên làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp huyện nơi người công an này đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
6. Hành vi đánh người của công an xã xử lý thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có trường hợp như sau: Tôi cùng bố mình có xảy ra tranh cãi, và có một vài lời nói không tốt về chính quyền địa phương. Khi đó người hàng xóm là phó thôn đội trưởng liên tiếp nói mình là công an và đe dọa cũng như gạ gẫm đánh nhau khiến tôi cũng có lời qua tiếng lại.
Sau đó người đó gọi cho một ông công an viên tới khi vừa tới nơi tôi ngồi vào bàn và quay ra lấy chiếc điện thoại thì bị 2 người đó giật lấy nói là tôi dùng để quay và túm cổ áo tôi ấn xuống ghế tôi cố bám lấy để lấy lại chiếc điện thoại thì bị đấm vào mặt làm chảy máu mũi sau đó 2 người đó nói tôi lấy dao ở đầu giường để dọa đâm họ khi không thấy con dao nào ở đầu giường thì họ nhặt con dao trên bàn ăn cơm nhà tôi để ở đó từ trước, mặc dù tôi chưa hề chạm tới bất kỳ con dao nào hay dọa đâm bất kỳ ai.
Tiếp theo 1 người bỏ ra đường còn 1 người tiếp tục kéo tôi ra sân và đấm tiếp 1 nhát vào bụng đồng thời tiếp tục có lời lẽ đe dọa và dọa đập chiếc điện thoại của tôi . Tôi xin hỏi trong sự việc trên cách giải quyết của 2 người công an xóm là đúng hay sai. Rất mong nhận được sự phản hồi của phía luật sư, xin chân thành cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, có thể thấy, khi bạn và bố của bạn xảy ra tranh cãi đã có những lời nói không hay về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, người hàng xóm của bạn hiện đang là phó thôn đội trưởng liên tiếp nói mình là công an, và gọi một người là công an đến cùng dọa dẫm, đánh bạn và phá hoại tài sản của bạn. Họ còn có hành vi vu khống bạn.
Xem xét trường hợp của bạn, hành vi của hai người công an này đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của bạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 33
Trường hợp này, hai người công an này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích cho người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự 2015
Trong trường hợp của bạn, mặc dù người hàng xóm là thôn đội trưởng và người kia đều là công an viên cấp xã, tuy nhiên, việc những người này đến nhà bạn hoàn toàn không phải là để thực hiện công việc, thi hành công vụ. Do vậy, khi họ có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì họ đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự 2015. Mức hình phạt cụ thể của họ phụ thuộc vào tỷ lệ thương tích của bạn, tuy nhiên, việc họ tự xưng là công an viên, để uy hiếp, dọa dẫm bạn và phối hợp với nhau để đánh bạn đã cho thấy tình tiết về việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, và tính chất có tổ chức ở đây. Và việc họ sử dụng con dao để trên bàn ăn cơm để gây thương tích cho bạn cho thấy việc sử dụng hung khí nguy hiểm trong việc gây thương tích cho người khác/
Trường hợp chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ – CP về hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, hai người tự xưng là công an này còn có hành vi cướp chiếc điện thoại của bạn và có hành vi dọa sẽ đập phá chiếc điện thoại của bạn. Nếu chiếc điện thoại của bạn bị đập nát, phá hỏng thì trong trường hợp này, hai người công an viên này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự 2015.
Căn cứ theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Hình sự 2015 được trích dẫn ở trên, nếu tài sản của bạn có trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì hai người công an có hành vi đập phá tài sản của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. Trường hợp họ chỉ đe dọa mà không có hành vi đập phá tài sản của bạn thì họ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên, hai người tự xưng là công an viên đang có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của bạn. Họ còn tự xưng là công an viên, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để dọa dẫm, uy hiếp bạn. Đây được xác định là hành vi trái pháp luật cần được xử lý nghiêm theo pháp luật.