Bất kỳ một chương trình giáo dục nào cũng phải đạt chất lượng đã đề ra, chương trình giáo dục mầm non cũng vậy. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể về những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non. Cùng tìm hiểu ngay bên dưới:
Mục lục bài viết
1. Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục mầm non là gì?
Trước khi tìm hiểu về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non, thì chúng ta sẽ tìm hiểu trước về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục mầm non.
Chất lượng được coi là thuộc tính khách quan của sự vật, hiện tượng. Chất lượng của sự vật, hiện tượng luôn được biểu hiện ra bên ngoài qua các thuộc tính vốn có của nó. Nó là cái liên kết các thuộc tính của sự vật, hiện tượng lại làm một, gắn bó với sự vật như một tổng thể, bao quát toàn bộ sự vật và không tách rời khỏi sự vật.
Chất lượng giáo dục: là sự phù hợp với các mục tiêu giáo dục. Mục tiêu giáo dục thể hiện những đòi hỏi của xã hội đối với con người, đối với chất lượng nguồn nhân lực. Đánh giá chất lượng giáo dục: Đánh giá chất lượng bằng “ đầu ra”. Theo cách đánh giá này, điều cốt lõi nhất là nhà trường phải tạo ra được các sản phẩm có chất lượng đáp ứng được với kỳ vọng, với chuẩn đề ra. Theo quan niệm này, kết quả đầu ra quan trọng hơn rất nhiều so với yếu tố đầu vào, mặc dù yếu tố đầu vào có những ảnh hưởng nhất định tới kết quả đầu ra.
Chất lượng giáo dục mầm non: Giáo dục mầm non nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, có nhiệm vụ, chức năng và mục tiêu của riêng mình Xét về toàn hệ thống thì giáo dục mầm non là giai đoạn khởi đầu của quá trình giáo dục, là bậc học nền tảng đầu tiên giữ vai trò vô cùng quan trọng. Chất lượng giáo dục của hệ thống cần phải bắt đầu ngay từ bậc học này. Hiện nay, người ta thường đánh giá chất lượng giáo dục dựa vào các thành tố: ngữ cảnh,
đầu vào, quản lý hệ thống, đầu ra.
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non là các yêu cầu đối với trường mầm non để đảm bảo chất lượng giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục được kí hiệu bằng các chữ số Ả-rập. Tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non là các yêu cầu đối với trường mầm non ở từng nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn.
Mỗi tiêu chí có các chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục được kí hiệu bằng các chữ cái a, b, c. Chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non là các yêu cầu đối với trường mầm non ở từng nội dung cụ thể của mỗi tiêu chí.
2. Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non:
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ giáo dục và Đào tạo quy định đối với các cơ sở giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu thiết yếu trong công tác quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục, là phương thức xác định mức độ đáp ứng của đơn vị đối với các mục tiêu và chuẩn mực chất lượng giáo dục , từ đó đề ra những giải pháp phù hợp nhằm phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của cơ sở giáo dục. Muốn tồn tại và phát triển, các cơ sở giáo dục phải không ngừng vận động, sáng tạo, nghiên cứu, tìm ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.
Mục đích kiểm định chất lượng giáo dục: Giúp cơ sở giáo dục xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục;
Vai trò của kiểm định chất lượng giáo dục: Giúp các nhà quản lý giáo dục nhìn lại toàn bộ hoạt động của nhà trường một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh hoạt động giáo dục của nhà trường theo một chuẩn mực nhất định. Giúp nhà trường định hướng và xác định chuẩn chất lượng nhất định. Kiểm định chất lượng giáo dục tạo ra cơ chế đảm
bảo chất lượng vừa linh hoạt vừa chặt chẽ bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài.
Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non là hoạt động đánh giá ( bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ trường mầm non đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận trường mầm non đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của cơ quan quản lý nhà nước.
Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non chính là những tiêu chí được đặt ra làm cơ sở cho việc kiểm định chất lượng giáo dục mầm non. Tổ chức thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục mầm non sẽ dựa vào những tiêu chí này để thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non.
3. Các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non:
Tại Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non được ban hành kèm theo Thông tư 19/2018/TT–BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 thì các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng bao gồm:
– Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường
– Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
– Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học
– Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội
– Tiêu chuẩn 5: Hoạt động và kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ
Trong mỗi tiêu chuẩn nêu trên thì được chia nhỏ thành các tiêu chí nhỏ hơn.
Ví dụ đối với tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường, thì bao gồm các tiêu chí như: Phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường; Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các hội đồng khác; Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường; Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng; Tổ chức nhóm trẻ và lớp mẫu giáo; Quản lý hành chính, tài chính và tài sản; Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên; Quản lý các hoạt động giáo dục; Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học. (Điều 7Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non )
Dựa trên những tiêu chí chi tiết đó, bên kiểm định chất lượng giáo dục mầm non sẽ thực hiện đánh giá, xem cơ sở giáo dụng mầm non có đáp ứng được tiêu chí đã đặt ra không. Khi các trường mầm non đạt được những mức độ khác nhau đối với từng tiêu chuẩn thì trường mầm non đó sẽ được sắp xếp vào các mức khác nhau theo quy định tại Thông tư.
Có thể thấy, nhóm các tiêu chí trên được thiết kế dựa trên những điều kiện thực tế của một ngôi trường, đó chính là ngữ cảnh, đầu vào, quản lý hệ thống, đầu ra, con người làm việc trong ngôi trường đó. Một ngôi trường đạt chuẩn sẽ có một tổ chức rõ ràng, quản lý vững chắc; có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ, đạo đức cũng như tận tâm với nghề; đạt được điều kiện về cơ sở vật chất cho học sinh theo học; có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường- gia đình – xã hội trong giáo dục con trẻ và các học sinh theo học phát triển theo đúng độ tuổi, đủ điều kiện để chuyển lên cấp học trên.
Trong quá trình kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non, nội dung để áp dụng những tiêu chuẩn được thiết kế đó chính là những minh chứng đánh giá. Minh chứng là những văn bản, hồ sơ, sổ sách, băng, đĩa hình, hiện vật đã và đang có của cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu của các chỉ số trong từng tiêu chí. Minh chứng được sử dụng để chứng minh cho các phân tích, giải thích từ đó đưa ra các nhận định, kết luận trong báo cáo tự đánh giá.
Minh chứng được thu thập từ các nguồn: Hồ sơ lưu trữ của cơ sở giáo dục, các cơ quan có liên quan, khảo sát, điều tra, phỏng vấn và quan sát các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục…Minh chứng phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm tính chính xác.
Minh chứng đã thu thập cần được xử lý, phân tích trước khi dùng làm căn cứ hoặc minh họa cho các nhận định, kết luận trong báo cáo tự đánh giá. Cần lựa chọn và sắp xếp minh chứng phù hợp với yêu cầu của từng chỉ số. Minh chứng phù hợp được sử dụng trong mục mô tả hiện trạng của báo cáo tự đánh giá. Mỗi minh chứng chỉ cần một bản ( kể cả những minh chứng được dùng cho nhiều chỉ số, tiêu chí và tiêu chuẩn), không nhân thêm bản để tránh lãng phí. Trong trường hợp có nhiều minh chứng thì chỉ cần một bản có giá trị pháp lý cao nhất, phù hợp nhất.
Minh chứng để trong các hộp (cặp) theo thứ tự mã hóa để thuận tiện cho việc tra cứu. Minh chứng hết giá trị được thay thế bằng minh chứng đang còn hiệu lực và phù hợp. Minh chứng thay thế được ghi kí hiệu của minh chứng bị thay thế và ghi rõ ngày, tháng, năm thay thế. Chỉ khi đảm bảo được những yếu tố trên của minh chứng thì việc áp dụng những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mầm non mới đạt được mục đích chính.
Các văn bản pháp lý liên quan đến bài viết:
Thông tư 19/2018/TT–BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ban hành Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non.