Việc thành lập Ban thanh tra nhân dân có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng chống tranh, bảo vệ lợi ích của công dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy tiêu chuẩn, điều kiện là thành viên Ban thanh tra nhân dân như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành thành viên Ban thanh tra nhân dân:
- 2 2. Số lượng thành viên Ban thanh tra là bao nhiêu?
- 3 3. Quy định về bầu thành viên của Ban thanh tra nhân dân:
- 4 4. Quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân và bầu thành viên thay thế:
- 5 5. Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn nào?
1. Tiêu chuẩn, điều kiện trở thành thành viên Ban thanh tra nhân dân:
Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở xã, phường, thị trấn, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước để giám sát việc thực hiện các quy định của chính sách, pháp luật, góp phần phát huy tính dân chủ, việc giải quyết tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 159/2016/NĐ-CP thì tiêu chuẩn để trở thành thành viên Ban thanh tra nhân dân như sau:
Thứ nhất, để trở thành thành viên của Ban thanh tra nhân dân thì người đó phải là người trung thực, có uy tín, công tâm, có hiểu biết về chính sách, pháp luật, tự nguyện tham gia Ban thanh tra nhân dân.
Thứ hai, đối với thành viên Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước phải là người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và người đó không phải là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị này. Với những người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị này mà còn thời gian công tác ít nhất bằng thời gian của nhiệm kỳ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân thì người đó được bầu làm thành viên Ban thanh tra nhân dân.
Thứ ba, thành viên Ban thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn phải là người có địa chỉ thường trú tại xã, phường, thị trấn và không phải là người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, Ban thanh tra nhân dân còn hoạt động dựa trên nguyên tắc công khai, khách quan, minh bạch, dân chủ và kịp thời; làm việc dựa trên quyết định theo đa số và theo chế độ tập thể.
Đối với thành viên Ban thanh tra nhân dân thì nghiêm cấm các hành vi đe dọa, trả thù, trù dập; lợi dụng quyền hạn, nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân để dụ dỗ, kích động, lôi kéo người khác tố cáo, khiếu nại sai sự thật và thực hiện các hành vi trái pháp luật.
2. Số lượng thành viên Ban thanh tra là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 156/2016/NĐ-CP quy định về số lượng thành viên của Ban thanh tra nhân dân như sau:
– Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 5 đến 11 thành viên. Cụ thể:
+ Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân dưới 5 nghìn người thì ban thanh tra nhân dân được bầu 5 hoặc 7 thành viên;
+ Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân từ 5 nghìn người đến dưới 9 nghìn người thì ban thanh tra nhân dân được bầu 7 hoặc 9 thành viên;
+ Đối với những xã, phường, thị trấn ở đồng bằng có số dân từ 9 nghìn người trở lên thì được bầu 9 hoặc 11 thành viên.
* Lưu ý: Ban thanh tra nhân dân được bầu ở những xã, phường, thị trấn ở miền núi, trung du và hải đảo, mỗi thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu 1 thành viên, nhưng tổng số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân không quá 11 người.
– Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn sẽ căn cứ vào địa bàn, số lượng dân cư để quyết định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
3. Quy định về bầu thành viên của Ban thanh tra nhân dân:
Căn cứ theo quy định của Điều 8 Nghị định 156/2016/NĐ-CP, việc bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn xác định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân mà thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu khi căn cứ vào số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Để bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân thì Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố.
Thành viên Ban thanh tra nhân dân được bầu bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do Hội nghị quyết định theo sự giới thiệu của Ban công tác Mặt trận và theo đề cử của đại biểu tham dự Hội nghị.
Khi có trên 50% số đại biểu được triệu tập có mặt thì Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân được tiến hành, người có trên 50% số đại biểu tham dự Hội nghị tín nhiệm và được lựa chọn theo thứ tự số phiếu từ cao xuống thấp là người được trúng cử làm thành viên Ban thanh tra nhân dân.
Sau khi có kết quả bầu cử thì Trưởng Ban công tác Mặt trận có trách nhiệm báo cáo kết quả bầu cử này với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn.
Kể từ ngày bầu xong thành viên Ban thanh tra nhân dân, chậm nhất là 05 ngày thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn tổ chức cuộc họp với các thành viên Ban thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban, tiến hành trình Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ra Nghị quyết công nhận Ban thanh tra nhân dân và ra
4. Quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân và bầu thành viên thay thế:
Căn cứ theo quy định của Điều 10 Nghị định 156/2016/NĐ-CP, nếu thành viên Ban thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được nhân dân tín nhiệm trong nhiệm kỳ của mình thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn đề nghị Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.
Trong trường hợp thành viên Ban thanh tra nhân dân có đơn xin thôi tham gia Ban thanh tra nhân dân hoặc thành viên Ban thanh tra nhân dân trở thành người đương nhiệm trong Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc thay đổi nơi thường trú đến địa phương khác vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc lý do khác thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn báo cáo Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tạm thời cho thôi nhiệm vụ và báo cáo Hội nghị nhân dân hoặc hội nghị đại biểu nhân dân gần nhất quyết định việc miễn nhiệm thành viên đó và bầu người khác thay thế.
Ban thanh tra nhân dân vẫn hoạt động bình thường nếu thành viên Ban thanh tra nhân dân bị bãi nhiệm hoặc được miễn nhiệm mà vẫn còn từ 2/3 thành viên trở lên.
Việc bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân thay thế những người bị bãi nhiệm hoặc được miễn nhiệm thì Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn sẽ căn cứ vào số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn để xác định số lượng thành viên Ban thanh tra nhân dân mà thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố được bầu hoặc Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức Hội nghị nhân dân hoặc Hội nghị đại biểu nhân dân ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố để bầu thành viên Ban thanh tra nhân dân.
5. Ban thanh tra nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn nào?
Căn cứ theo quy định của Khoản 1 Điều 11 Nghị định 156/2016/NĐ-CP, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân cụ thể như sau:
– Giám sát cá nhân, tổ chức, cơ quan có trách nhiệm ở xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
– Tiến hành thực hiện việc xác minh những vụ việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giao;
– Tham gia việc thanh tra, kiểm tra tại xã, phường, thị trấn theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp những thông tin, tài liệu, cử người tham gia khi được cơ quan yêu cầu;
– Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xử lý vi phạm theo thẩm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan tổ chức, đơn vị và khắc phục sơ hở, thiếu sót được phát hiện qua hoạt động giám sát;
– Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể khi có thành tích trong công tác và cách thức xử lý khi có phát hiện sai phạm;
– Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của cá nhân, đơn vị, cơ quan, tổ chức có liên quan đến phạm vi giám sát của Ban thanh tra nhân dân;
– Được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Nghị định 159/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.