Nhà văn Nam Cao là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, thể hiện tình yêu nước tha thiết, sâu nặng. Mời bạn đọc tìm hiểu cụ thể hơn qua bài viết Thuyết minh về nhà văn Nam Cao chọn lọc siêu hay dưới dây.
Mục lục bài viết
1. Thuyết minh về nhà văn Nam Cao chọn lọc siêu hay:
Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn 1930 – 1945, là một cây bút viết về người nông dân hết sức chân thực, có đóng góp nhiều cho sự thành công của dòng văn học hiện thực Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.
Tên khai sinh của ông là Trần Hữu Tri, sinh năm 1917, mất năm 1951, quê ông ở làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nam Cao là cây bút luôn suy nghĩ, tìm tòi để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Vì thế, đề tài của ông tuy không mới nhưng tác phẩm vẫn có những đặc sắc tâm lý. Tác phẩm của Nam Cao chủ yếu xoay quanh hai đề tài chính: Người nông dân và người trí thức tiểu tư sản nghèo như Trăng sáng, Đời thừa, Mua nhà, Nước mắt,… và những truyện đáng chú ý khi ông viết về người nông dân như: Lão Hạc, Chí Phèo, Một bữa no, Lang Rận,… Có thể nói dù viết về trí thức nghèo hay về người nông dân cùng khổ thì Nam Cao vẫn luôn day dứt, đau đớn trước tình trạng con người bị xói mòn về nhân phẩm, thậm chí huỷ diệt cả nhân tính trong cái xã hội phi nhân đạo đương thời. Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm về ngòi bút của mình, suốt cuộc đời lao động văn học, nhà văn luôn suy nghĩ về sống và viết.
Trong nền văn xuôi hiện đại nước ta, Nam Cao là nhà văn có tài năng xuất sắc và một phong cách độc đáo. Ngòi bút của Nam Cao vừa tỉnh táo, sắc lạnh, vừa nặng trĩu suy nghĩ và đằm thắm yêu thương. Văn Nam Cao hết sức chân thực, ông coi sự thực là trên hết, không gì ngăn được nhà văn đến với sự thực, vừa thấm đượm ý vị triết lí và trữ tình. Ông có sở trường diễn tả, phân tích tâm lý con người. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông sống động, uyển chuyển, tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Với một tài năng lớn và giàu sức sáng tạo, Nam Cao đã góp phần quan trọng vào việc cách tân nền văn xuôi Việt Nam theo hướng hiện đại hoá.
Tác phẩm Nam Cao để lại chủ yếu là truyện ngắn, trong số những truyện ngắn viết về người nông dân, thì “Lão Hạc” là một truyện ngắn xuất sắc và tiêu biểu.
Truyện ngắn “Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Truyện kể về nhân vật chính – lão Hạc, một lão nông dân nghèo khổ, có phẩm chất trong sạch, vợ lão Hạc mất sớm, để lại lão và cậu con trai sống với nhu. Trong nhà tài sản duy nhất của hai cha con lão là một mảnh vườn và “cậu vàng” – con chó do con trai lão mua. Do không đủ tiền cưới vợ, con trai lão chán nản mà làm đơn xin đi mộ phu đồn điền cao su, để lão ở nhà một mình với cậu vàng. Lão Hạc hết sức thương con, lão chăm vườn, làm ăn dành dụm để khi con trai lão về thì cưới vợ cho nó. Thế nhưng, sau một trận ốm nặng, bao nhiêu tiền dành dụm cũng hết, sức khoẻ lão ngày một yếu đi, vườn không có gì để bán, lão Hạc trở nên đói kém hơn, phải lo từng bữa ăn. Lão ăn năn day dứt khi quyết định bán cậu vàng – người bạn thân thiết của lão. Lão gửi số tiền và mảnh vườn cho ông giáo và xin bả chó của Binh Tư để kết thúc cuộc sống túng quẫn của mình. Lão chết một cách đau đớn nhưng cái chết làm sáng ngời phẩm chất trong sạch của lão Hạc.
Thông qua số phận và cái chết của lão Hạc, Nam Cao đã thể hiện một thái độ trân trọng và cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung – những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch, thà chết chứ không chịu mang tiếng nhục, làm những điều trái với lương tâm cao cả của mình. Nam Cao cũng đã nêu lên một triết lý nhân sinh rằng: Con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết trân trọng và chia sẻ, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương ở con người. Đồng cảm với những số phận đáng thương, Nam Cao đã lên tiếng thông qua tác phẩm là tiếng nói lên án xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão được sống. Tác phẩm “Lão Hạc” cũng mang một giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện được phong cách độc đáo của nhà văn Nam Cao.
Tóm lại, nhà văn Nam Cao đã có những đóng góp không nhỏ trong nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
2. Thuyết minh về nhà văn Nam Cao siêu hay:
Nam Cao (1915 – 1951) là nhà văn Việt Nam, người đại diện tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực phê phán trong thời kì phát triển cuối cùng (1940 – 1945). Nam Cao là một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp.
Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông được coi là một nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8 với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao chân thành, tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường vào công tác vùng sau lưng địch, để lại một tấm gương cao đẹp của một nhà văn – chiến sĩ.
Quan niệm nghệ thuật của Nam Cao là: “Nghệ thuật vị nhân sinh” (tức là nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những điều tốt đẹp của con người); ông phê phán quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhà văn đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên quá trình hiện đại hóa ở nửa đầu thế kỉ XX. Ông luôn suy nghĩ về vấn đề và rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình.
Về phong cách nghệ thuật, Nam Cao đề cao con người tư tưởng, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hoạt động bên ngoài – đây là phong cách rất độc đáo của Nam Cao. Ông quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá “con người trong con người”. Tâm lí nhân vật trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp của ngòi bút Nam Cao. Ông thường viết về những cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh. Từ cái sự tầm thường quen thuộc trong đời sống hàng ngày của “Những truyện không muốn viết”, tác phẩm của Nam Cao làm nổi bật vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn triết lý sâu sắc về con người, cuộc sống và nghệ thuật. Giọng điệu riêng, thường có sắc thái buồn thương, chua chát, ông có phong cách nghệ thuật triết lý trữ tình sắc lạnh.
Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao được chia làm hai giai đoạn: Trước Cách mạng và sau Cách mạng. Một số tác phẩm trước cách mạng như Chí Phèo, Trăng sáng, Đời thừa, Sống mòn. Một số tác phẩm sau Cách mạng như truyện ngắn Đôi mắt , tập nhật kí Ở rừng,…
Trong số đó nổi bật là truyện ngắn Lão Hạc. Đây là một trong những truyện ngắn viết về người nông dân của Nam Cao, đăng báo lần đầu năm 1943. Tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn khá tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Câu chuyện kể về lão Hạc có một người con trai, một mảnh vườn và một con chó vàng. Con trai lão Hạc đi phu đồn điền cao su, lão chỉ còn lại “cậu Vàng”. Vì muốn để lại mảnh vườn cho con, lão phải bán con chó mặc dù hết sức buồn bã và đau xót. Lão mang tiền dành dụm được gửi ông giáo và nhờ trông coi mảnh vườn. Cuộc sống mỗi ngày một khó khăn, lão kiếm được gì ăn nấy và bị cảm một trận khủng khiếp. Lão từ chối tất cả những gì ông giáo giúp. Một hôm lão xin Binh Tư ít bả chó nói là để giết con chó hay đến vườn, làm thịt và rủ Binh Tư cùng uống rượu. Lão bỗng nhiên chết. Cả làng không hiểu vì sao lão chết, trừ Binh Tư và ông giáo. Cái chết của lão đau đớn và dữ dội đã gây cho người đọc nhiều sự xúc động, xót xa. Truyện được thể hiện qua lời kể của nhân vật tôi – ông giáo và dường như đâu đó trong nhân vật này ta thấy hiện lên giọng kể của tác giả. Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao có những đặc sắc, độc đáo mà đa dạng.
Tác phẩm của Nam Cao vừa rất mực chân thật vừa có một ý vị triết lý, một ý nghĩa khái quát sâu xa. Ngòi bút hiện thực vừa tỉnh táo, vừa sắc lạnh, gân guốc lại vừa thắm thiết trữ tình. Nhà văn tỏ ra có sở trường miêu tả tâm lí con người, nhất là khi đi vào những diễn biến tâm lý tinh tế, phức tạp. Có thể nói, về nhiều mặt, tác phẩm Nam Cao đánh dấu một bước phát triển mới của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam mới hình thành hơn nửa thế kỉ nhưng đang hiện đại hoá với một tốc độ thật nhanh chóng. Có thể khẳng định được rằng, nhà văn Nam Cao đã để lại trong lòng độc giả yêu văn học hiện thực những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Các tác phẩm của ông vẫn sẽ còn sống mãi với thời gian.
3. Thuyết minh về nhà văn Nam Cao chi tiết:
Nam Cao (1917 – 1951) là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Tên khai sinh của nhà văn là Trần Hữu Tri, sông sinh ra trong một gia đình nông dân. Nam Cao quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Sau khi học hết bậc Thành trung, Nam Cao vào Sài Gòn kiếm sống và bắt đầu sáng tác. Sau hơn ba năm đau ốm, ông phải trở về quê hương. Sau đó, ông dạy học cho một trường tư thục ở ngoại ô Hà Nội. Nhưng cuộc đời của một ông giáo trường tư cũng không được yên ổn: Nhật kéo vào Đông Dương, trường học phải đóng cửa, ông sống chật vật, vất vả bằng nghề viết văn và làm gia sư. Đầu năm 1943, Nam Cao tham gia nhóm Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội nhưng bị địch khủng bố gắt gao, ông phải lánh về quê, tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa (8 – 1945) ở Lý Nhân. Năm 1946, ông có mặt trong đoàn quân Nam tiến với tư cách là một phóng viên. Năm 1947, ông lên
Con người Nam Cao nhìn bề ngoài có vẻ lạnh lùng, vụng về, ít nói nhưng đời sống nội tâm lại rất phong phú. Ông là người có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương, gắn bó sâu nặng giàu ân tình với quê hương, những người nghèo khổ bị áp bức, khinh miệt trong xã hội cũ. Nam Cao quan niệm rằng không có tình yêu thương đồng loại thì không đáng gọi là con người (Đời thừa).
Trong suốt cuộc đời cầm bút, Nam Cao luôn suy nghĩ về vấn đề “sống và viết”, rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình. Khi mới cầm bút, Nam Cao còn chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Nhưng ông dần nhận ra thứ văn chương đó rất xa lạ với đời sống lầm than của nhân dân lao động, ông quyết định đoạn tuyệt với nó để tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao được thể hiện ngay trong các tác phẩm của ông. Với Nam Cao, “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được một cái gì đó lớn lao, mạnh mẽ, đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình,… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa, 1943). Ông cũng luôn đòi hỏi rất cao sự tìm tòi sáng tạo trong nghề viết văn: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa, 1943). Sau Cách mạng, ông vẫn tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến, sẵn sàng hy sinh thứ nghệ thuật cao siêu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông quan niệm rằng: “Sống đã rồi hãy viết”, “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn” (Nhật kí ở rừng, 1948).
Các sáng tác của nhà văn Nam Cao xoay quanh hai mảng đề tài chính, đó là người nông dân nghèo đói bị vùi dập với các tác phẩm nổi tiếng như Lão Hạc, Chí Phèo, Dì Hảo, Một bữa no, Một đám cưới, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua danh,… Và người trí thức nghèo, sống mòn mỏi bế tắc trong xã hội xưa cũ: Đời thừa, Giăng sáng, Những truyện không muốn viết, Mua nhà, Quên điều độ, Cười,… Dù viết về người nông dân hay người trí thức, các sáng tác của Nam Cao vẫn chứa đựng một nội dung triết lý sâu sắc. Ông luôn trăn trở về vấn đề nhân phẩm, thái độ trọng khinh đối với con người. Thậm chí ông luôn day dứt tới mức đau đớn trước tình trạng xã hội vô nhân đạo đã đày đọa con người trong sự nghèo đói, vùi dập ước mơ, lẽ sống cao đẹp của họ. Các sáng tác sau cách mạng của Nam Cao chủ yếu phục vị cuộc kháng chiến với các tác phẩm như: Nhật ký ở rừng (1948), truyện ngắn Đôi mắt (1948), tập kí sự Chuyện biên giới (1950),…
Mỗi nhà văn đều có phong cách sáng tác riêng. Đó là thứ “vân tay” để phân biệt dấu ấn của các tác giả. Nam Cao cũng vậy – ông là nhà văn có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật. Nam Cao tỏ ra sắc sảo trong việc phân tích, diễn tả những trạng thái, quá trình tâm lý phức tạp, hiện tượng lưỡng tính dở say dở tỉnh, dở khóc dở cười,… Ngoài ra, ông còn tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động. Nam Cao quả là một nhà văn xuất sắc của nền văn học hiện thực Việt Nam. Bạn đọc yêu văn Nam Cao sẽ còn mãi nhớ đến những giá trị sâu sắc trong các sáng tác của ông.
THAM KHẢO THÊM: