Thực trạng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng? Giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng? Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước
Như chúng ta đã biết mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng với thời đại công nghệ như hiện nay thì nó giúp ích rất nhiều cho con người chúng ta. Tuy nhiên nó cũng tồn tại rất nhiều bất cập một trong số các bất cập và một vấn đề cũng đang rất được quan tâm đó là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vậy để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần phải hiểu rõ thực trạng và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cụ thể như thế nào. Từ đó để thực hiện trên thực tế.
Mục lục bài viết
1. Thực trạng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:
Như chúng ta đã biết hiện nay đối với người lớn tiếp nhận thế giới công nghệ số internet giống như một phần của cuộc sống, họ nhìn nhận và phát triển internet giống như công cụ mang lại những tiện ích xã hội cho họ. Đối với trẻ em thì ta thấy rằng với sự phát triển và những công cụ kết nối do internet mang lại, trẻ em sử dụng và tiếp nhận internet giống như môi trường giao tiếp cuộc sống của mình, đó là cách thức trẻ tiếp xúc với thế giới, liên lạc với bạn bè, học tập, các trò chơi giải trí và thậm chí với các thành viên trong gia đình.
Từ trên thực tế ta thấy nếu đối với thế giới số đây được coi chính là môi trường giao tiếp mà bất kỳ một trẻ em nào cũng cần được tiếp xúc và đó là quyền để giao lưu, trao đổi, học hỏi, tận dụng những lợi ích mà internet mang đến cho xã hội. Trong đó đối tượng sử dụng là trẻ em chiếm đến 1/3 số người sử dụng internet trên toàn thế giới, những chủ nhân tương lai đang hình thành nhân cách và học hỏi những kinh nghiệm cả từ cuộc sống ngoài đời thực cũng như cuộc sống trên mạng. Những rủi ro ngoài đời thực cũng như những rủi ro trên mạng có nhiều điểm khá tương đồng nhưng vẫn có những điểm khác biệt do sự khác biệt về tính chất vật lý giữa hai môi trường.
Căn cứ dựa trên một số nguồn như thông tin sô liệu theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), thế giới có khoảng 2,2 tỷ người ở độ tuổi dưới 18, biến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ tổn thương có dân số lớn nhất trong xã hội. Những rủi ro tiềm ẩn trẻ em phải đối diện trên internet bao gồm có sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em và bắt nạt trực tuyến; trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng quá mức và nghiện.
Trẻ em trên thế giới nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng đã được tiếp cận với internet từ rất sớm, thực tế đã tồn tại song song cùng với sự hình thành của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Theo đó ta thấy thế giới quan của trẻ không còn bị thu hẹp trong khoảng không gia đình, trường học mà thông qua các ứng dụng của công nghệ và tiếp xúc qua mạng internet đã vươn đến các mối quan hệ vượt biên giới quốc gia bởi việc trẻ có thể truy cập các nguồn thông tin đa chiều, ngập tràn trên internet về giáo dục, thông tin y tế, điều này giúp trẻ tăng khả năng nghiên cứu về mọi chủ đề quan tâm và giúp các em bày tỏ ý kiến của mình đối với bạn bè, gia đình và xã hội.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt nam có đến 96,9% trẻ có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau như học hành, giải trí, tìm kiếm thông tin và chơi game. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.
Theo các số liệu thống kê chúng tôi thu thập được thì trẻ tiêp xúc qua các kênh như tiếp cận từ điện thoại di động của cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán internet (13,5%). Riêng nhóm học sinh trong nhà trường có một số trẻ trả lời được tiếp cận internet qua máy tính ở trường học (23,6%).
Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/trực tuyến (58,7%).
Các con số trên cho thấy, tại Việt Nam số lượng trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet khá cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học hành nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Số tỷ lệ phần trăm cho cả hai mục đích này khá tương đương. Trong những rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, xâm hại tình dục trẻ em là một trong những rủi ro có thể dẫn đến tổn thương tâm lý và cơ thể suốt đời.
2. Giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Chính phủ và doanh nghiệp cần đặt mục tiêu tạo lập Hệ sinh thái sản phẩm ứng dụng Việt đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng, trong đó khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ em. Để tạo được hệ sinh thái này, các doanh nghiệp số sẽ được hỗ trợ, khuyến khích phát triển sáng kiến, cung cấp các giải pháp kỹ thuật an toàn, thông tin bảo vệ trẻ em tương tác an toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này.
Cụ thể, những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng: Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; Bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt; Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; Che/tắt webcam khi không sử dụng.
Tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn: Khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh; Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân; Tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học); Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).
Dành thời gian với trẻ trên mạng: Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng; Nói chuyện với trẻ đặc biệt trẻ lứa tuổi “teen” về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.
Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn: Nói với con rằng nếu con có trải nghiệm trên mạng khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi… thì có thể nói chuyện với bố mẹ; Chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ, đặc biệt các biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến; Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên, khích lệ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, vì vậy cần điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm riêng của con mình.
3. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước:
Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã khuyến cáo một số nội dung đối với lứa tuổi thanh thiếu niên khi tham gia mạng xã hội như:
– Ở lứa tuổi thiếu nhi, các cháu không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội mà chỉ nên sử dụng internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống. Trước khi tham gia mạng xã hội, cần nghiên cứu kỹ các điều khoản của mạng xã hội đó đưa ra, tìm hiểu các kỹ năng về sử dụng mạng xã hội, nhất là các kỹ năng về xử lý thông tin xấu độc (báo xấu,
– Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, các cháu cần nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không nên tò mò truy cập vào những trang mạng có nội dung xấu, tiêu cực. Bên cạnh đó, cần lưu ý: không kết bạn với những đối tượng lạ; không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình; biết cách báo xấu khi nhận thấy thông tin không chính xác, tránh tham gia bình luận (khi bình luận nếu có xúy cho hành động xấu thì tiếp tục lan truyền, nếu đưa ra ý kiến trái chiều nảy sinh tranh cãi trên mạng, trong khi đó, nếu có nhiều người báo xấu thì Facebook sẽ tự động ngăn chặn thông tin đó), đồng thời thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại…
Đối với các cơ quan chức năng: Trong trường hợp xác định được đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ – CP ngày 3/2/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản để đảm bảo chế tài xử phạt tương ứng với các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm; trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền và nếu vi phạm nghiêm trọng ngành công an sẽ khởi tố xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm thì đề xuất Bộ TT và TT gửi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ như Google, YouTube, Facebook… thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT