Thực tiễn thi hành pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Những thành công đạt được, những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế.
Kể từ khi
Mục lục bài viết
1. Thành công trong quản lý lao động nước ngoài tại VN:
– Theo báo cáo của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tính đến tháng năm 2019, cả nước có tổng số 117,8 nghìn người lao động nước ngoài đang làm việc. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, LĐNN tập trung đông nhất ở vùng Đông Nam bộ là 54,6 nghìn người, trong đó thành phố Hồ Chí Minh 16,1 nghìn người và cao nhất cả nước là Bình Dương 21,6 nghìn người. Tiếp đó, ở khu vực Đồng bằng sông Hồng 35,4 nghìn người, trong đó cao nhất là Hà Nội là 10,7 nghìn người. LĐNN ở vùng Tây Nguyên là thấp nhất, chỉ có 425 người và tỉnh Kon Tum cũng chỉ có 12 LĐNN đến làm việc. Tỷ lệ nam giới trong lao động nước ngoài vào Việt Nam chiếm đại đa số 83,1% và tuổi của lao động chủ yếu trên 30 tuổi chiếm 86,6%.
Tương ứng với tổng số vốn đầu tư hoặc số lượng giấy phép đầu tư nước ngoài được cấp vào Việt Nam là số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc. Cuối năm 2019, tỷ lệ LĐNN đến Việt Nam làm việc như sau: LĐNN có quốc tịch Trung Quốc chiếm 19,4%, Hàn Quốc là 18,3%, Đài Loan (Trung Quốc) là 12,9%, Nhật Bản là 9,5% và lao động đến từ các quốc gia khác là 39,9%. Những năm gần đây lao động phổ thông, không nghề đến Việt Nam làm việc càng ngày càng nhiều theo các dự án trúng thầu tại Việt Nam, trong đó điển hình là Trung Quốc.
Về tình trạng cấp phép hoạt động: Năm 2015, 93% LĐNN vào Việt Nam làm việc được cấp giấy phép lao động, chỉ có 7% lao động chưa được cấp giấy phép do chưa đủ điều kiện của pháp luật Việt Nam quy định (bao gồm lao động phổ thông và lưu trú quá hạn); Năm 2019 tỷ lệ này thay đổi chút, với 93,6% được cấp giấy phép lao động.
Về trình độ chuyên môn của lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì đa phần lao động nước ngoài ở nhóm tuổi trung niên từ 25-44 tuổi (70%); nhóm 45-54 tuổi chiếm gần 18%; nhóm tuổi trẻ nhất từ 17-24 chỉ có 2,2% và nhóm từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm 6,3%. Điều này phản ánh thực tế việc cấp phép cho lao động nước ngoài đã mang lại lợi ích khi “nhập khẩu” được một số lượng lớn lao động trong lứa tuổi có hiệu quả lao động và chuyên môn kỹ thuật cao, vì số lượng lao động nước ngoài ở nhóm tuổi trẻ nhất và nhóm cao tuổi chỉ chiếm tỷ trọng thấp.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của những người lao động nước ngoài được cấp phép có gần 70% là chuyên gia trong các lĩnh vực; nghệ nhân trong các ngành nghề truyền thống chiếm 1,05%. Năm 2019, tỷ lệ về chuyên môn là: 12,0% giữ vị trí quản lý; 9,0% giám đốc điều hành; 56,0% chuyên gia kỹ thuật; 21,7% công việc khác. Như vậy, sau gần 5 năm (từ 2015- 2019), tỷ lệ vị trí việc làm quản lý giảm từ 35,5% xuống chỉ còn 12%. Các vị trí quản lý này đã được người Việt Nam thay thế dần. Còn tỷ lệ chuyên gia kỹ thuật thì ngược lại, tăng từ 46% lên 56%.
Thường chuyên gia kỹ thuật là người được đào tạo theo hướng chuyên sâu, có kinh nghiệm, có kỹ năng thực hành công việc. Đồng thời, họ có hiểu biết và kỹ năng vượt trội đồng nghiệp nên đã và đang có tác động tích cực trong chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý, phong cách lao động của nền sản xuất lớn và hiện đại cho lao động nội địa.
Về chất lượng, LĐNN vào Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng và nhiều chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý hàng đầu thế giới hoặc châu lục đến Việt Nam.
Nhìn chung theo số liệu thống kê nêu trên thì cơ bản lao động nước ngoài đã đáp ứng được nhu cầu lao động chất lượng cao của thị trường lao động Việt Nam.
Tuy nhiên tại bản báo cáo giải trình tình trạng khó kiểm soát người lao động nước ngoài làm việc không phép tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, cùng với sự tăng lên của tỷ lệ thất nghiệp của lao động Việt Nam là sự tăng lên của lực lượng lao động Trung Quốc dù không có chuyên môn nhưng lại “núp bóng” các chuyên gia, kỹ sư và nhận mức lương cao hơn lao động người Việt Nam. Qua đó chúng ta có thể thấy được sự bất lực của cơ quan nhà nước khi không thể thẩm định được những chuyên gia hay kỹ sư nước ngoài này. Trên đây chỉ là số liệu đối với trường hợp lao động nước ngoài đã được cấp phép, còn trên thực tế số lao động nước ngoài đang làm việc “chui” tại Việt Nam là rất lớn và chủ yếu là lao động phổ thông, đây mới là mối lo ngại đáng kể đối với thị trường lao động trong nước. Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý lao động, cơ quan công an, các Sở ban ngành có liên quan thông qua cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin đã hỗ trợ công tác quản lý lao động là người nước ngoài hiệu quả hơn, cụ thể:
Thực hiện quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức, chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn cả nước. Trong thời gian qua, cơ quan lao động – cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh được tăng cường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản pháp luật, tuân thủ pháp luật lao động trong tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài, tạo sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, Cơ quan Công an để trao đổi nghiệp vụ và thông tin các trường hợp nghi vấn liên quan đến lao động nước ngoài để công tác quản lý nhà nước về lao động nước ngoài giữa các ngành liên quan thống nhất, hiệu quả.
– Cung cấp thông tin về tình hình lao động nước ngoài để cơ quan công an (Tổng cục an ninh, Cục quản lý xuất nhập cảnh…), Ủy ban nhân dân quận, huyện, tòa án các cấp cùng phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn Thành phố. Việc thực hiện công tác phối hợp đã mang lại những hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn cả nước. Việc hỗ trợ, cung cấp số liệu định kỳ hàng quý cho cơ quan công an, các đơn vị cơ sở quản lý lao động ở quận huyện về tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp sẽ giúp việc quản lý lao động được chặt chẽ cũng như kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến lao động nước ngoài. Việc thường xuyên phối hợp tham gia công tác tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, công tác thanh tra theo các chuyên đề về pháp luật lao động, công tác khảo sát tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động là người nước ngoài đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp được nhiều cơ quan chức năng có liên quan trao đổi, giải đáp trực tiếp những nội dung khó khăn, vướng mắc, từ đó doanh nghiệp giải quyết được nhiều vướng mắc, tiết kiệm được thời gian cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác phối hợp còn giúp cơ quan quản lý lao động đánh giá đúng thực trạng hiện tại về lao động nước ngoài.
2. Hạn chế quản lý lao động nước ngoài tại VN:
Trong số hơn 117.800 người lao động nước ngoài thuộc diện cấp phép thì có 93,6% người đã được cấp giấy phép lao động. Số lượng lao động chưa được cấp phép đã được thống kê chính thức này vẫn đang làm việc “chui” cùng với một lượng lớn lao động nước ngoài khác nhập cảnh vào Việt Nam bằng các hình thức khác nhau mà hiện không thể thống kê chính xác được. Trên thực tế số lao động là người nước ngoài làm việc “chui” tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với thống kê có được. Bởi hiện nay vẫn chưa có một cơ quan nào có thể thống kê hay báo cáo được một cách chi tiết và đầy đủ số lượng lao động nước ngoài làm việc trong cả nước. Những số liệu trên có được cũng được tổng hợp từ các tổ chức nhà thầu, doanh nghiệp đưa ra, còn các cơ quan chức năng của ta chưa thể kiểm tra, rà soát hết được. Lượng lao động chui này hầu như đều là lao động phổ thông làm việc chủ yếu tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu tại nhiều tỉnh như nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, xi măng Ninh Bình.
Về người lao động nước ngoài ở khu vực biên giới Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Quốc phòng từ năm 2012 đến năm 2017 có khoảng 8 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và có khoảng 8,1 triệu lượt người xuất cảnh qua tuyến biên giới đất liền, tuyến cửa khẩu cảng biển. Trong đó, qua kiểm tra có 10.508 người thuộc diện cấm xuất, nhập cảnh; số bị bắt, xử lý trong 30 vụ thì có 31 người chủ yếu là đối tượng bị truy nã; xuất – nhập cảnh trái phép là 157 vụ 721 người; có 898 người bị xử phạt vi phạm hành chính. Thống kê từ năm 2013 đến năm 2017 có 25.400 người nước ngoài thuộc 37 quốc tịch hoạt động ở khu vực biên giới. Trong đó, nhiều nhất là Trung Quốc (5.202 người), sau đó là Hàn Quốc (3.541 người), Philipin (3.479 người), Nhật Bản (2.972 người), Ấn Độ (1.982 người). Có nhiều người nước ngoài đã kết hôn với người Việt Nam, trong đó 70% kết hôn không có giá thú.
Thực tế trên cho thấy, bên cạnh số lao động được cấp phép, tình trạng lao động nước ngoài bất hợp pháp vào nước ta đang rộ lên, cho thấy việc quản lý còn nhiều bất cập. Do đó, trong phạm vi quan hệ lao động: từ khi có nhu cầu sử dụng, đến tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài cần được quản lý.
Tại Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước tại Việt Nam quy định 20 loại ký hiệu thị thực khác nhau mà người nước ngoài có thể nhập cảnh vào Việt Nam. Trong đó, để người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có thể dùng một trong các loại thị thực có ký hiệu như: “LĐ” – cấp cho người vào lao động; “DN” – cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam; “LV” – cấp cho người vào làm việc; “ĐT” – cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tại Điều 10 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú nêu trên về điều kiện cấp thị thực quy định chỉ có thị thực ký hiệu LĐ mới yêu cầu điều kiện phải có giấy phép lao động trước khi cấp thị thực, các loại thị thực khác như “DN”, “LV”, “ĐT” thì không yêu cầu điều kiện này.
Trong thời gian qua, người lao động nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp thường được các cơ quan xuất nhập cảnh cấp visa ký hiệu “DN” có thời hạn tới 3 tháng mà chưa có giấy phép lao động. Trong 3 tháng làm việc, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các hồ sơ để xin giấy phép lao động để được cấp visa ký hiệu “LĐ”, trong khi tại Khoản 1 Điều 7 của Luật này không cho phép chuyển đổi mục đích khi nhập cảnh. Điều này tiềm ẩn số lượng lao động nước ngoài vào làm việc ngắn ngày mà không được cấp giấy phép lao động gây khó khăn trong công tác quản lý, cấp giấy phép lao động đối với lao động vào làm việc mà không thực hiện cấp giấy phép lao động.
Hiện nay, cơ quan công an mới chỉ cung cấp lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo các loại thị thực (DN”, “LV” và “ĐT”) mà chưa cung cấp số lượng người nước ngoài được cấp các loại thị thực này khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Quy định tại Bộ luật Lao động 2019 yêu cầu người lao động là công dân nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi làm thủ tục liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền. Điều này có nghĩa khi đến Việt Nam làm việc, người lao động chỉ được cấp các giấy tờ liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh khi có giấy phép lao động. Nhưng theo quy định về quản lý xuất nhập cảnh hiện hành, thì người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều lý do khác nhau và có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu mà pháp luật không cấm. Chỉ khi nào muốn hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mới phải xin giấy phép. Do đó, người nước ngoài hoàn toàn có thể được cấp thị thực nhập cảnh rồi mới tiến hành xin giấy phép lao động, thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn thị thực và cấp thẻ tạm trú. Điều này khiến nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích như thăm thân nhân, du lịch sau đó mới tìm việc làm và xin giấy phép lao động. Đồng thời do không đủ tiêu chuẩn về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, nhiều người đã không được cấp phép dẫn đến tình trạng lao động “chui” hiện nay rất phổ biến.
Việc các dự án đầu tư nước ngoài tăng nhanh tại Việt Nam bên cạnh những lợi ích đạt được cũng kéo theo vấn đề là sự gia tăng của lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động phổ thông, không đáp ứng được các điều kiện của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài, do chủ đầu tư không nhận biết được quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng lao động nước ngoài, hoặc dù biết là không được sử dụng lao động phổ thông nước ngoài nhưng lại không quy định trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng các điều khoản ràng buộc về việc sử dụng lao động nước ngoài theo quy định pháp luật, nên khi nhà thầu sử dụng lao động nước ngoài thì không có chế tài xử phạt trong hợp đồng. Có trường hợp chủ đầu tư cũng để nhà thầu tìm cách sử dụng nguồn lao động phổ thông giá rẻ của các nước khác để giảm chi phí và giữ mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chưa hiệu quả do chế tài chưa đủ sức răn đe, còn có hiện tượng doanh nghiệp vi phạm sẵn sàng chấp nhận đóng phạt rồi vẫn tiếp tục vi phạm.
Về vấn đề thực hiện công tác thanh tra kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế tồn tại, như việc số lượng thanh tra viên còn ít trong khi số lượng lao động nước ngoài lại khá lớn nên việc thanh tra chưa thực sự sâu sát và toàn diện trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Một số cán bộ làm công tác thanh tra tại địa phương vẫn chưa được đào tạo năng lực đủ đáp ứng nhu cầu thanh tra. Do chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn hiện tượng tổ chức, cá nhân sau khi thanh tra phát hiện sai phạm và xử lý vẫn tái phạm. Việc giám sát, theo dõi, đôn đốc và xử lý sau thanh tra chưa được các đoàn thanh tra thực hiện triệt để, quyết liệt, dẫn đến việc thực thi các kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra còn nhiều bỏ ngỏ, mang tính hình thức, ảnh hưởng đến hiệu lực của kết luận thanh tra. Quy định về trình tự tiến hành một cuộc thanh tra bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đối với công tác thanh tra. Các trình tự trong việc thanh tra tại các doanh nghiệp, đơn vị còn chưa được tinh giản, rút gọn, vẫn tốn nhiều thời gian cho cả đoàn thanh tra lẫn doanh nghiệp, đơn vị là đối tượng thanh tra.
Ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu, doanh nghiệp, tổ chức và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng và thực hiện cấp giấy phép lao động; xuất nhập cảnh và cư trú còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp, tổ chức sau khi đã được cấp giấy phép lao động vẫn chưa gửi bản sao
Vẫn còn trường hợp chưa tuân thủ các điều kiện thủ tục để ký kết hợp đồng với người lao động nước ngoài đúng pháp luật, chưa thực hiện các thủ tục cần thiết để cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, dẫn tới việc tranh chấp phát sinh.
Có thể thấy được vẫn còn trường hợp chưa chấp hành quy định pháp luật về lao động nước ngoài từ phía người sử dụng lao động, chưa hoàn thành thủ tục cấp Giấy phép lao động trước khi ký kết hợp đồng lao động với người lao động nước ngoài. Bản thân người lao động nước ngoài do chưa nắm vững được quy định pháp luật Việt Nam nên chưa chủ động được trong việc thực hiện đúng các quy định pháp luật, dẫn tới việc quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng và khó có căn cứ để được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.
3. Nguyên nhân của hạn chế quản lý lao động nước ngoài tại VN:
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong tình trạng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau đây:
Một là, việc quản lý lao động lao động nước ngoài còn lỏng lẻo và yếu kém: Về vấn đề quản lý lao động nước ngoài hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và tỏ ra yếu kém. Thể hiện ở việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nắm được chính xác số lượng người nước ngoài hiện đang làm việc tại Việt Nam. Số lượng được các cơ quan nêu ra là thiếu thống nhất. Những con số nêu ra về cơ bản là dựa vào kết quả thống kê về người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Số lượng người nước ngoài được cấp giấy phép lao động thấp hơn quá một nửa so với thực tế. Ngoài ra việc các gói thầu tổ chức thi công với nhiều tầng phân cấp: Nhà thầu chính, thầu phụ cấp 1, cấp 2 … cũng dẫn đến khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài.
Việc xử lý lao động nước ngoài “chui” cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ quản lý thị trường lao động, cấp phép cho lao động nước ngoài, còn chuyện thực thi thế nào và phải rà soát ngay từ đầu vào lại thuộc về cơ quan xuất nhập cảnh và ngành Công an. Khi người nước ngoài vào Việt Nam, họ có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu, do đó, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan, sự theo dõi sát sao của các địa phương thì rất khó cho việc quản lý họ. Vì vậy cho đến nay, vì thiếu sự phối hợp nên “quả bóng trách nhiệm” xem ra vẫn còn lơ lửng chưa thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào. Theo ông Đặng Như Lợi – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nếu các cấp xã, cấp huyện làm đầy đủ, chặt chẽ theo đúng pháp luật về cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì khó có thể phát sinh tình trạng lao động nước ngoài làm việc “chui” tràn lan như hiện nay.
Người lao động nước ngoài muốn tạm trú tại Việt Nam thì cần phải có giấy phép lao động vì theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 thì người nước ngoài vào Việt Nam lao động phải có giấy phép lao động mới cấp thị thực. Như vậy những lao động nước ngoài thuộc diện phải có giấy phép lao động khi chưa hoàn thiện các thủ tục sẽ không được cấp thị thực để nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam. Còn đối với các trường hợp nhập cảnh theo các con đường khác thì chỉ cần nâng cao công tác quản lý tạm trú tại địa phương sẽ có thể quản lý được. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền các địa phương đã không làm hết trách nhiệm trong việc quản lý tạm trú của mình dẫn đến lao động nước ngoài “chui” vẫn thản nhiên cư trú quanh nơi làm việc. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khi các cơ quan quản lý có nơi không làm, có nơi không hiểu biết đầy đủ pháp luật về quản lý lao động nước ngoài nên chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn. Đối với một số ban quản lý Khu kinh tế cũng gặp phải khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài bởi số lượng lao động đông, luôn biến động, xuất nhập cảnh liên tục, tạm trú tại nhiều nơi khác nhau nên khó kiểm soát. Trong đó nhiều khu kinh tế đang triển khai nhiều dự án có quy mô lớn, các đơn vị chủ đầu tư chỉ kiểm soát được số lượng nhà thầu chính mà chưa kiểm soát được hết các nhà thầu phụ, vì vậy việc quản lý các nhà thầu còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số nhà thầu đã được các địa phương khác cấp giấy chứng nhận đầu tư, tiến hành các thủ tục về lao động nước ngoài tại tỉnh, thành phố khác, khi thực hiện gói thầu tại một số khu kinh tế lại không khai báo danh sách người nước ngoài nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Việc thanh tra, kiểm tra còn kém, hiệu quả chưa cao, thường thì khi có dư luận phản ánh về tình trạng người lao động nước ngoài làm việc “chui” thì mới thực hiện thanh tra, kiểm tra một cách toàn diện. Do đó cần phải đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất không theo định kỳ.
Hai là, ý thức pháp luật của NSDLĐ chưa cao
Việc tuân theo pháp luật của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hiện nay là chưa nghiêm túc. Chủ đầu tư, ban Quản lý dự án hầu như chỉ quan tâm đến tiến độ dự án và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sử dụng lao động nước ngoài, họ dường như không bận tâm đến việc có bao nhiêu lao động nước ngoài đang làm việc trái phép tại công trình của mình. Quá trình kiểm tra tại nhiều dự án cho thấy, một số chủ đầu tư nắm được số lượng người nước ngoài làm việc tại dự án thông qua báo cáo của nhà thầu nước ngoài, nhưng lại không biết họ làm cụ thể những công việc gì, đây là một hạn chế cần được khắc phục.
Đối với nhà thầu thì nhìn chung việc tuân thủ pháp luật còn kém, nhiều nhà thầu không làm thủ tục cho người nước ngoài trước khi vào Việt Nam làm việc, không chuẩn bị các giấy tờ hợp pháp cho người lao động. Qua thực tế cho thấy rằng nhà thầu và NSDLĐ nước ngoài chỉ quan tâm đến các lợi ích trực tiếp của họ để có thể bố trí đủ nhân lực làm việc. Còn việc hợp tác với cơ quan quản lý thì xem nhẹ, lơ là, tìm cách né tránh, thậm chí phó mặc cho nhà nước Việt Nam. Việc quản lý và cấp phép lao động không được nhà thầu nước ngoài quan tâm (đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc), mặc dù thủ tục cấp phép đã rất thuận lợi.