Song song với quyền thu thập chứng cứ là quyền đưa ra chứng cứ hay yêu cầu của người bào chữa chính thức được áp dụng trong hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng cho người được bào chữa.
Người bào chữa chính thức tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội, bị can, bị cáo kể từ khi cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền vào sổ đăng ký bào chữa và thông báo về việc đăng ký bào chữa. Kể từ ngày đó, song song với quyền thu thập là quyền đưa ra chứng cứ hay yêu cầu của người bào chữa chính thức được áp dụng trong hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội. Xem quyền đưa ra chứng cứ ở khía cạnh chứng minh việc gỡ tội cho người bị buộc tội thì có lẽ cách giải thích “Nội dung của quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự là thu thập, kiểm tra và đánh giá các thông tin, tư liệu liên quan và có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự (chứng cứ)” vẫn còn thiếu một vế là đưa ra chứng cứ. Những phân tích dưới đây của tác giả, rất hy vọng sẽ làm rõ hơn nữa về quá trình chứng minh trong luật tố tụng hình sự.
Mục lục bài viết
1. Thời điểm thực hiện quyền đưa ra chứng cứ:
Để vụ án được giải quyết nhanh chóng và kịp thời tránh cho những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định tại điều 81 về thu thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa:
Tùy từng giai đoạn tố tụng, khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Như vậy, tại bất kỳ thời điểm nào của một trong các giai đoạn tố tụng nêu trên thì người bào chữa khi thu thập được chứng cứ liên quan đến việc bào chữa gỡ tội hay vô tội phải đưa ra, giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giai đoạn đó và có thể yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, đánh giá chứng cứ. Việc đưa ra chứng cứ kịp thời sẽ giúp bảo vệ người bị buộc tội và cơ quan người tiến hành tố tụng tránh được những sai sót hay những nghi ngờ trong việc buộc tội và hạn chế được những hậu quả vô cùng bất lợi cho người bị buộc tội trong những trường hợp bị buộc tội, kết tội oan sai cho người vô tội (vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang). Và những hậu quả khôn lường đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã phải trả một cái giá vô cùng đắt đỏ mà trong thực tiễn chúng ta đã từng chứng kiến những vụ án đau xót như thế. (Vụ án hai cựu cán bộ là cựu Điều tra viên và kiểm sát viên gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn) .
– Quyền đưa ra chứng cứ trong giai đoạn điều tra
Khi nhận được thông báo về việc đăng ký bào chữa thì người bào chữa chính thức tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội. Giai đoạn điều tra là giai đoạn đầu của quá trình bào chữa mà người bào chữa thực hiện việc bào chữa cho người bị buộc tội nên việc đưa ra chứng cứ do người bào chữa đã thu thập được có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ cho người bị buộc tội. (1) Tùy thuộc vào chứng cứ của người bào chữa đưa ra mà cơ quan điều tra có thể thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế hoặc các quyết định tạm đình chỉ điều tra... hoặc ghi nhận là các tình tiết giảm nhẹ khi kết luận điều tra trong trường hợp đề nghị truy tố, (2) Giảm thiểu được những rủi ro pháp lý liên quan đến trách nhiệm (có thể là trách nhiệm hình sự) của những người tiến hành tố tụng; (3) Tránh được những ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng.
– Quyền đưa ra chứng cứ trong giai đoạn truy tố
Chứng cứ mà người bào chữa thu thập được trong giai đoạn truy tố từ người bị buộc tội, bị can, người làm chứng, người khác biết về vụ án được đưa ra hoặc gửi đến cho Viện kiểm sát có ý nghĩa quan trọng (1) Cho bản thân người bị buộc tội khi chứng cứ (tài liệu, vật chứng) có tính chất quan trọng mà trong quá trình điều tra của Điều tra viên, cán bộ điều tra ở giai đoạn điều tra chưa thu thập hoặc thu thập không đầy đủ. Khi đưa ra chứng cứ kèm theo bản yêu cầu đánh giá chứng cứ của người bào chữa thì Viện kiểm sát bằng chức năng và thẩm quyền của mình có thể sẽ phải ra một trong các quyết định có lợi cho người bị buộc tội, như: (1) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; (2) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, (3) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, hoặc (4) Thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp bắt buộc chữa bệnh hay (5) Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố, và (6) các tình tiết giảm nhẹ ...
– Quyền đưa ra chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa
Có nhiều vụ án khi được đưa ra xét xử đã phát sinh tình tiết mới do những người tham gia tố tụng cung cấp. Đã có không ít trường hợp người tham gia tố tụng bị cáo, người bào chữa cung cấp chứng cứ mới trong khi phiên tòa đã được mở và Hội đồng xét xử tiến hành xét xử. Trường hợp chứng cứ được cung cấp tại phiên tòa Hội đồng xét xử không thể thẩm tra tính hợp pháp của chứng cứ nên đã phải Dừng phiên tòa có thể kể đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bà Trương Hồ Phương Nga, hay phải trả hồ sơ để điều tra bộ sung như vụ án “giao cấu với người từ 13 đến dưới 16 tuổi và dâm ô đối với người dưới 16 tuổi người bào chữa thu thập chứng cứ bị cáo là Đảng viên trong quá trình chuẩn bị xét xử và đưa ra tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử đã phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì tình tiết này không thể làm rõ tại phiên tòa, hoặc có nhiều trường hợp khi người tham gia tố tụng (bị cáo, người bào chữa) cung cấp chứng cứ tại phiên tòa mà chứng cứ này là chứng cứ mới có thể làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án thì Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Các trường hợp đưa ra chứng cứ của người tham gia tố tụng là bị cáo tại phiên tòa diễn ra khá phổ biến do tâm lý của chính bị cáo với mong muốn khi ra tòa mới đưa ra khi xét xử sẽ được Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá một cách công khai sẽ có lợi hơn cho họ.
2. Cách thức đưa ra chứng cứ:
– Đưa ra chứng cứ trực tiếp. người bào chữa trực tiếp đưa ra, giao nộp chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, đánh giá và đưa vào hồ sơ vụ án khi giải quyết vụ án. Khi giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật trực tiếp cho cơ quan tiến hành tố tụng phải được lập biên bản theo quy định của tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
– Đưa ra chứng cứ gián tiếp. Ngoài cách thức người bào chữa trực tiếp đưa ra chứng cứ của vụ án liên quan đến việc bào chữa trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, còn có cách thức đưa ra chứng cứ mà không phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đó là thông qua một hay các bên trung gian là Bưu điện, công ty chuyển phát nhanh. Việc giao chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của cơ quan chuyển phát không được lập thành biên bản nhưng người nhận phải ký nhận vào bên nhận trong hóa đơn báo phát, hóa đơn này xác nhận với người gửi là nơi nhận đã nhận được tài liệu mà bên gửi muốn gửi tới.
Hai cách thức đưa ra chứng cứ ở trên đều có những thuận lợi và những bất cập riêng. Tuy nhiên, cách thức đưa ra chứng cứ gián tiếp có những rủi ro nhất định ảnh hưởng không nhỏ tới việc xem xét kịp thời của chứng cứ, do (1) thời gian dài, (2) thất lạc tài liệu, chứng cứ, (3) không đến tay người có thẩm quyền do nguyên nhân khách quan và chủ quan của người nhận, (4) bị tiêu hủy ...
3. So sánh quyền thu thập, đưa ra chứng cứ của người bào chữa với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng:
Lần đầu tiên, trong lịch sử lập pháp tố tụng hình sự quyền thu thập chứng cứ được trao cho chủ thể không mang tính quyền lực nhà nước. Đây là một bước tiến gần đến hoàn thiện PLtố tụng hình sự trong hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền. Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được ghi nhận một cách chính thức trong pháp luật tố tụng hình sự bằng quy định tại điểm h khoản 1 điều 73 trong BLtố tụng hình sự năm 2015: “Người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Sự ghi nhận quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa trong hoạt động tố tụng hình sự là một sự khẳng định của Nhà nước bảo đảm cho người bào chữa có được sự bình đẳng với bên buộc tội. Bên cạnh đó, sự khẳng định cũng chính là sự bảo đảm cho bị buộc tội được hưởng sự công bằng trong hoạt động tố tụng hình sự.
Tác giả cho rằng người bào chữa và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều có một điểm chung đó là Bảo vệ pháp chế XHCN và bảo vệ quyền của người bị buộc tội.
Nếu so sánh quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa với người tiến hành tố tụng thì có nhiều điểm khác nhau. Khác biệt đầu tiên đó là người bào chữa là chủ thể không mang tính quyền lực nhà nước, trong khi đó người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là chủ thể mang tính quyền lực nhà nước có sức mạnh cưỡng chế rất cao. Thứ hai, đó là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án (khoản 1 điều 88), còn người bào chữa chỉ có quyền đề nghị trong phạm vi hẹp hơn là cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa, mà không có quyền đề nghị họ trình bày những vấn đề liên quan đến vụ án trong đó có những nội dung liên quan đến việc bào chữa. Thứ ba, để thực hiện việc thu thập chứng cứ cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được sử sử dụng sức mạnh của nhà nước để phối hợp với các đơn vị chức năng có diện bao phủ rộng khắp từ Trung ương tới cấp xã/phường, còn người bào chữa và người bị buộc tội hoạt động độc lập không mang tính quyền lực nhà nước nên có đề nghị các cơ quan, tổ chức giúp đỡ cũng là rất khó khăn chứ chưa nói đến việc phối hợp thực hiện.
Xin đơn cử một ví dụ về sự hợp tác của chính quyền địa phương trong quá trình giải quyết: Vụ án Phí Văn Nhi phạm tội “Giết người” ở Hà Nội, quá trình tiếp cận hồ sơ vụ án và bị cáo, người bào chữa phát hiện có người dân sống ở gần địa điểm nơi tội phạm xảy ra đã chứng kiến việc làm của bị hại và những bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Từ thông tin đó người bào chữa liên hệ gặp, nghe họ trình bày về những gì họ biết và được người đó hoàn toàn giúp đỡ để làm chứng. Khi người bào chữa liên hệ với UBND xã nơi người làm chứng cư trú đề nghị tạo điều kiện để chứng kiến và xác nhận những thông tin mà người làm chứng cung cấp cho người bào chữa bằng văn bản (bản trình bày lời khai) nhưng khi người bào chữa và người làm chứng tới UBND thì không được sự giúp đỡ từ phía chính quyền xã và viện nhiều lý do khiến việc thu thập rất khó khăn.
Mặc dù quyền thu thập chứng cứ đã được quy định cho người bào chữa nhưng chỉ trong phạm vi hẹp còn CQtiến hành tố tụng vẫn là chủ thể có quyền chủ động hoàn toàn trong toàn bộ quá trình tố tụng nói chung và trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và hồ sơ vụ án là căn cứ duy nhất và hợp pháp để phán quyết một người có tội hay không có tội . Thật vậy, xét từ phân tích trên cho thấy quyền của người bào chữa so với quyền của bên buộc tội thì mức độ chênh lệch là rất lớn đã dẫn đến không thể đạt được sự bình đẳng như nguyên tắc bình đẳng trong hệ thống tư pháp hình sự trong Nhà nước pháp quyền.