Tử hình được xem là hình phạt đặc biệt áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các nhóm tội: xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Dưới đây là quy định về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành:
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 367 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, thủ tục này được thực hiện như sau:
-
Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật trên thực tế, hồ sơ vụ án bắt buộc phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án cần phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
-
Sau khi đã thực hiện thủ tục xem xét thành phần hồ sơ vụ án hình sự để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao cần phải chuyển thành phần hồ sơ vụ án hình sự đó cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong khoảng thời gian 30 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải có nghĩa vụ trả lại hồ sơ vụ án hình sự cho Tòa án nhân dân tối cao;
-
Trong khoảng thời gian 02 tháng được tính bắt đầu kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải ra quyết định kháng nghị hoặc ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Ngoài ra, trong khoảng thời gian 07 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trên thực tế, người bị kết án sẽ có quyền gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;
-
Bản án tử hình được thi hành trong trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thực hiện hoạt động kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm; và người bị kết án không có đơn xin ân giảm gửi lên Chủ tịch nước. Trong trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm tuy nhiên Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định không chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm/tái thẩm đó và giữ nguyên bản án tử hình đối với người bị kết án thì tòa án nhân dân tối cao cần phải ra văn bản thông báo ngay cho người bị kết án để họ làm đơn xin giảm hình phạt tử hình gửi đến Chủ tịch nước;
-
Trong trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình đó sẽ được thi hành ngay sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm của người bị kết án.
Ngoài ra, khi có căn cứ tại khoản 3 Điều 40 Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự không ra quyết định thi hành bản án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
Như vậy, theo điều luật nêu trên thì sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật trên thực tế, thành phần hồ sơ vụ án cần phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án đó cũng cần phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành sẽ tuân thủ theo quy định tại Điều 367 nêu trên.
2. Ai là người có thẩm quyền quyết định thi hành bản án tử hình?
Căn cứ theo quy định tại Điều 77 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có quy định về quyết định thi hành án hình sự. Theo đó, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Trong quyết định thi hành bản án hình sự cần phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định thi hành án, họ tên và chức vụ của người ra quyết định thi hành án, bản án được thi hành, quyết định được thi hành, họ tên, ngày tháng năm sinh, địa điểm nơi cư trú của người bị kết án. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày ra quyết định thi hành bản án hình sự, tòa án bắt buộc phải gửi quyết định đó cho các cơ quan có liên quan sau:
-
Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp;
-
Trại tạm giam nơi người chấp hành án đang bị giam giữ;
-
Sở Tư pháp nơi Toà án đã ra quyết định thi hành án hình sự đặt trụ sở.
Theo đó, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự sẽ là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thi hành bản án tử hình. Quyết định thi hành bản án tử hình cần phải đảm bảo một số thông tin cơ bản như sau:
-
Ngày, tháng, năm ra quyết định thi hành bản án tử hình;
-
Họ tên và chức vụ của người ra quyết định thi hành án tử hình;
-
Bản án, quyết định được thi hành trên thực tế;
-
Họ tên, ngày tháng năm sinh và địa chỉ của người bị kết án tử hình.
3. Những trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình:
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Văn bản hợp nhất Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về hình phạt tử hình. Theo đó:
-
Tử hình được xem là hình phạt đặc biệt, nặng nhất theo quy định pháp luật hình sự, tử hình chỉ áp dụng đối với cá nhân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các nhóm tội: Các nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhóm tội xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật hình sự;
-
Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với cá nhân là người dưới 18 tuổi phạm tội, người phạm tội là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc trong quá trình xét xử;
-
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Người bị kết án được xác định là phụ nữ đang có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người bị kết án là người từ đủ 75 Tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ tuy nhiên sau khi bị kết án tử hình cá nhân đó đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư (3/4) tài sản tham ô, tài sản nhận hối lộ, có thái độ hợp tác tích cực với lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và lập công chuộc tội;
-
Khi thuộc một trong những trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án hoặc trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm bởi Chủ tịch nước, thì hình phạt tử hình sẽ được chuyển hóa thành hình phạt tù chung thân.
Như vậy, những trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình bao gồm:
-
Cá nhân là người dưới 18 tuổi phạm tội;
-
Người phạm tội là phụ nữ có thai;
-
Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
-
Người từ đủ 75 tuổi trở lên.
Vì vậy, án tử hình không chỉ ảnh hưởng lớn đến bản thân của người bị kết án mà còn ảnh hưởng tới nhân thân của họ, mục đích tối thượng và quan trọng của hình phạt tử hình là hướng tới sự công bằng trong xã hội, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra, hình phạt tử hình hướng tới mục tiêu trừng trị kẻ phạm tội nhằm răn đe các đối tượng khác trong xã hội. Tuy nhiên xuất phát từ sự nhân đạo, nhà nước Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình trong một số trường hợp đặc biệt.
THAM KHẢO THÊM: