Trường hợp cha, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
Một cá nhân khi sinh ra sẽ được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ và mẹ đẻ. Trường hợp cha, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.
Vậy nếu muốn thay đổi dân tộc khác với dân tộc đã đăng ký trong giấy khai sinh cần tiến hành những thủ tục pháp lý như thế nào? Bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về việc xác định lại dân tộc.
1. Điều kiện thay đổi dân tộc.
Theo khoản 2 điều 28 “Bộ luật dân sự 2015” thì người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:
a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai.
Theo quy định này, có thể hiểu điều kiện để xác định lại dân tộc cho một người là người đó có cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau và đã từng xác định dân tộc lần đầu theo dân tộc của cha đẻ (hoặc mẹ đẻ) hoặc người đó đã từng xác định dân tộc theo dân tộc của cha mẹ nuôi mà bây giờ tìm lại được cha mẹ đẻ và có nguyện vọng thay đổi dân tộc theo dân tộc của cha mẹ đẻ.
Nếu là người đã thành niên, thì người đó có quyền trực tiếp yêu cầu xác định lại dân tộc. Nếu là người chưa thành niên thì việc xác định lại dân tộc được thực hiện theo yêu cầu thống nhất của cha đẻ và mẹ đẻ hoặc của người giám hộ. Tuy nhiên, nếu đó là người chưa thành niên nhưng đã đủ 15 tuổi trở lên thì việc xác định lại dân tộc còn phải được sự đồng ý của chính người đó.
2. Trình tự thực hiện việc thay đổi dân tộc.
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu xác định lại dân tộc.
Người muốn xác định lại dân tộc tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ yêu cầu xác định lại dân tộc. Thành phần hồ sơ theo quy định tại điều 38 nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, bao gồm:
– Tờ khai xác định lại dân tộc theo mẫu quy định.
– Văn bản thể hiện sự đồng ý của người được xác định lại dân tộc (nếu người đó từ đủ 15 tuổi trở lên).
– Bản chính giấy khai sinh của người cần thay đổi dân tộc.
– Sổ hộ khẩu gia đình.
– Các giấy tờ chứng minh về dân tộc của cha và mẹ của người có yêu cầu thay đổi lại dân tộc (Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng minh thư nhân dân).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Bước 2: Giải quyết yêu cầu thay đổi dân tộc.
Cán bộ Phòng Tư pháp xem xét, kiểm tra hồ sơ, đối chiếu các quy định của pháp luật về việc xác định lại dân tộc và viết phiếu hẹn, hướng dẫn người nộp hồ sơ nộp lệ phí theo quy định. Lệ phí xác định lại dân tộc là 25.000 đồng.
Bước 3: Trả kết quả.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đối với trường hợp cần phải xác minh, thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày), cán bộ Phòng Tư pháp ghi vào Sổ Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và Quyết định cho phép xác định lại dân tộc trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký. Phòng Tư pháp tiến hành trao cho đương sự 01 bản chính Quyết định cho phép xác định lại dân tộc. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi dân tộc.
Thẩm quyền giải quyết việc xác định lại dân tộc thuộc về UBND huyện mà trong địa hạt của huyện người đó đã đăng ký khai sinh trước đây. Cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp thẩm tra hồ sơ và tiến hành giải quyết là Phòng tư pháp huyện. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Phòng tư pháp huyện trong quá trình giải quyết.