Hiện nay, hộ nghèo, cận nghèo là những đối tượng được nhà nước hỗ trợ về nhiều mặt trong đời sống sinh hoạt, học tập và làm việc, trong đó có hoạt động cho vay vốn. Vậy thủ tục vay và lãi suất cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục vay vốn hộ nghèo, cận nghèo:
Hiện nay, có sự phân biệt giữa hộ nghèo, cận nghèo ở nông thôn và thành thị.
Ở nông thôn, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người là từ 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người là từ 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống, đều đồng thời hộ cũng thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở xuống.
Ở thành thị hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người là từ 2.000.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người là từ 2.000.000 đồng/người/tháng trở xuống, đồng thời hộ cũng thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở xuống.
Để vay vốn dành cho hộ nghèo, cận nghèo thì Ngân hàng chính sách xã hội hướng dẫn phải đáp ứng những điều kiện sau:
– Phải cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay.
– Có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo tại xã, phường, thị trấn do Thủ tướng Chính phủ công bố từng thời kỳ.
– Hộ nghèo, cận nghèo được bình xét, lập thành danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trong đó, vốn vay phải được sử dụng vào các mục đích theo quy định như: mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh và góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hồ sơ để hộ nghèo, cận nghèo vay vốn bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Đơn xin vay vốn hộ nghèo, cận nghèo
– Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn Ngân hàng chính sách do Tổ tiết kiệm và vay vốn lập.
Trong trường hợp hộ nghèo, cận nghèo không trực tiếp thực hiện thủ tục vay vốn thì cần có thêm
Theo quy định, hộ nghèo, cận nghèo vay vốn không phải thế chấp tài sản. Nếu là tổ viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn được tổ bình xét, lập thành danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thì sẽ được miễn lệ phí làm thủ tục vay vốn. Hộ gia đình vay vốn ngân hàng chính sách lần đầu thì phải cử người đại diện trong gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thành viên này đại diện theo ủy quyền để đứng tên người vay và thực hiện các giao dịch với Ngân hàng chính sách nơi cho vay.
Thủ tục vay vốn được thực hiện theo trình tự như sau:
– Khi có nhu cầu vay vốn, hộ nghèo, cận nghèo nộp hồ sơ đề nghị vay vốn như đã nếu ở trên. Người vay có thể xin gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương mà mình đang sinh sống.
– Tiếp đến, tổ tiết kiệm và vay vốn cùng tổ chức hội, đoàn thể tổ chức họp công khai để xem xét và phê duyệt những hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay vốn. Và lập danh sách hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn trình Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đối tượng được vay và cư trú hợp pháp tại xã. Đồng thời, tổ tiết kiệm và vay vốn gửi danh sách kèm theo hồ sơ đề nghị vay vốn tới ngân hàng.
– Ngân hàng kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ cho vay, tiến hành phê duyệt cho vay và thông báo kết quả tới Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho tổ chức hội, đoàn thể cấp xã. Tiếp đến, tổ chức hội, đoàn thể cấp xã thông báo cho Tổ tiết kiệm và vay vốn và cơ quan này tiến hành thông báo cho hộ gia đình hoặc tổ viên vay vốn biết về kết quả vay bao gồm các thông tin như: danh sách hộ được vay, thời gian và địa điểm giải ngân.
Cuối cùng, Ngân hàng tiến hành giải ngân trực tiếp cho người vay theo các hình thức như là:
– Giải ngân tại điểm giao dịch xã đặt tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hộ vay cư trú hoặc
– Giải ngân tại trụ sở Ngân hàng chính sách nơi cho vay.
2. Lãi suất cho vay vốn hộ nghèo, cận nghèo:
Những năm qua, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, có hộ còn vươn lên làm giàu. Vì đây là những đối tượng thuộc chính sách hỗ trợ, vậy nên lãi suất áp dụng khi vay vốn cũng được ưu đãi.
Điều 18 Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng cho người nghèo quy định về lãi suất vay vốn áp dụng đối với hộ nghèo tại Ngân hàng chính sách như sau:
– Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước.
Theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm(0,55%/tháng), lãi suất vay vốn hộ cận nghèo là 7,92%/năm.
– Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.
3. Thời hạn cho vay vốn đối hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Đối với hộ nghèo, căn cứ vào nhu cầu vay vốn, vốn tự có và khả năng hoàn trả nợ của hộ vay mà hộ nghèo, cận nghèo được quy định một mức vay vốn khác nhau, mỗi hộ có thể vay vốn một hay nhiều lần nhưng tổng số vốn vay tối đa không được vượt quá tổng số vốn cho vay đối với một hộ nghèo do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định và công bố, tùy vào từng thời kỳ và tổng số vốn được vay này có thể khác nhau.
Thời hạn cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm những gói vay sau:
– Gói vay ngắn hạn: Thời hạn vay là 12 tháng.
– Gói vay trung hạn: Thời hạn vay là trên 12 tháng đến 60 tháng.
– Gói vay dài hạn: Thời hạn vay là trên 60 tháng đến 120 tháng.
Hiện nay, theo quy định mức cho vay tối đa đối với một hộ nghèo là 100 triệu đồng. Trong đó,số vốn cho vay sẽ được phân bổ cho từng mục đích, mỗi mục đích được quy định các mức tối đa như:
– Sửa chữa nhà ở: Mức vay tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ.
– Điện thắp sáng: Mức vay tối đa không quá 1,5 triệu đồng/hộ.
– Nước sạch: Mức vay tối đa không quá 10 triệu đồng/công trình/hộ.
Ngoài ra còn có các mục đích vay khác như vay để đóng chi phí học tập cho con em hộ nghèo theo học tại các cấp học phổ thông, gồm: Tiền học phí, tiền xây dựng trường, tiền sách giáo khoa và tiền quần áo đồng phục. Còn lại là cho vay để sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Đối với hộ cận nghèo, Thủ tướng quy định mức cho vay đối với hộ cận nghèo do Ngân hàng chính sách xã hội và hộ cận nghèo thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng trong từng thời kỳ, mức vay tối đa đối với một hộ cận nghèo là 100 triệu đồng. Các gói vay cũng được quy định giống như 3 gói vay dành cho hộ nghèo nêu trên.
4. Mẫu đơn xin vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo:
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc | Mẫu số 01/TD |
GIẤY ĐỀ NGHỊ VAY VỐN KIÊM PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG VỐN VAY
Chương trình cho vay:……
Kính gửi: Ngân hàng Chính sách xã hội ……
1. Họ tên người vay:.……… Năm sinh:……
– Số CMND:……, ngày cấp:…/…../…., nơi cấp:……
– Địa chỉ cư trú: thôn……; xã.…….huyện……
– Là thành viên Tổ TK&VV do ông (bà) ……làm tổ trưởng.
– Thuộc tổ chức Hội:..…quản lý.
2. Đề nghị NHCSXH cho vay số tiền:…….đồng
(Bằng chữ……………..)
Để thực hiện phương án:………..
Tổng nhu cầu vốn:………đồng. Trong đó:
+ Vốn tự có tham gia:……..đồng.
+ Vốn vay NHCSXH:……..đồng để dùng vào việc:
Đối tượng ………. ………. ………. | Số lượng ……….. ……….. ………..
| Thành tiền ……….. ……….. ……….. |
– Thời hạn xin vay: ….. tháng; Kỳ hạn trả nợ: ….. tháng/lần.
– Hạn trả nợ cuối cùng: Ngày…./…../…….
Chúng tôi cam kết: sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn. Nếu sai trái, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngày….. tháng …. năm …..
|
| Người vay (Ký, ghi rõ họ tên hoặc điểm chỉ)
|
PHÊ DUYỆT CỦA NGÂN HÀNG
1. Số tiền cho vay: ……đồng (Bằng chữ:………)
2. Lãi suất: ……%/năm. Lãi suất nợ quá hạn:……% lãi suất khi cho vay.
3. Thời hạn cho vay: ……. tháng; Kỳ hạn trả nợ: ………tháng/lần.
4. Số tiền trả nợ: ……. đồng/lần.Hạn trả nợ cuối cùng: Ngày…../……/……….
5. Lãi tiền vay được trả định kỳ hàng tháng, vào ngày ……..
Cán bộ tín dụng (Ký, ghi rõ họ tên) |
Trưởng phòng (Tổ trưởng) TD (Ký, ghi rõ họ tên) | Ngày…..tháng……năm…… Giám đốc (Ký tên, đóng dấu) |
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Quyết định 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo
Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.