Hiện nay, có rất nhiều câu hỏi được gửi đến Luật Dương gia xoay quanh các vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một trong những câu hỏi điển hình như thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục trình báo công an khi bị lừa đảo:
Bước 1: Xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Trước tiên, khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố với cơ quan Công an, chúng ta cần xác định sơ bộ về tính chất, mức độ vụ việc, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền để từ đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh mất thời gian, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, điều tra, khám phá tội phạm.
Việc thực hiện xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được pháp luật quy định tại Điều 9 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Như vậy, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp (cấp quận, huyện, thị xã); cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, Theo quy định tại Khoản 6, Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 thì các cơ quan Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ; Công an xã, phường, thị trấn; đồn Công an, trạm Công an không có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khởi tố.
Bước 2: Lựa chọn các hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Cơ quan, cá nhân, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:
– Bằng miệng (Cơ quan, cá nhân, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1);
– Bằng văn bản (Cơ quan, cá nhân, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1).
Khi thực hiện việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần phải cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.
Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Khi đã hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
+ Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
Đồng thời cũng dựa theo căn cứ tại Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT có quy định về trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:
+ Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
+ Thứ nhất: Cơ quan điều tra;
+ Thứ hai: Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Thứ ba: Viện kiểm sát các cấp;
+ Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền điều tra như sau:
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra đối với những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
Như vậy, khi nhận thấy mình đang bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng ta có thể làm đơn tố giác đến các cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) cấp quận, huyện, thị xã, viện kiểm sát các cấp; Tòa án hoặc các cơ quan khác tại nơi phát hiện tội phạm, xảy ra tội phạm hoặc nơi cư trú của người có hành vi phạm tội.
3. Nội dung đơn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Theo quy định hiện nay thì đơn trình báo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần đảm bảo các nội dung như sau:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập – Tự do – hạnh phúc”
– Ngày, tháng, năm làm đơn trình báo;
– Tên đơn: “Đơn trình báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;
– Cơ quan tiếp nhận và giải quyết đơn trình báo;
– Họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ của người thực hiện quyền tố cáo;
– Nội dung tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
– Yêu cầu của người thực hiện quyền tố cáo đối với nội dung tố cáo;
– Chứng cứ đối với hành vi của người lừa đảo kèm theo nếu có;
– Ký và ghi rõ họ tên của người tố cáo.
4. Thời hạn tối đa để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo pháp luật về tố tụng hình sự là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017 quy định về thời hạn giải quyết tin báo về tội phạm, theo đó thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:
– Thời hạn để giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.
– Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, cấp trưởng, cấp phó cơ quan đang thụ lý, giải quyết có thẩm quyền để kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết.
– Nếu đã sắp hết thời gian sau khi gia hạn lần thứ nhất nhưng chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì chậm nhất 05 ngày trước khi hết thời hạn Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng , cấp trưởng, cấp phó cơ quan đang thụ lý, giải quyết phải có văn bản để gửi lên đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
– Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thì Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phải xem xét, quyết định. Trường hợp đề nghị của cơ quan đang thụ lý, giải quyết là có căn cứ thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát ra Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh và thời hạn gia hạn kiểm tra, xác minh là không quá 02 tháng kể từ ngày hết thời hạn lần thứ nhất.
Như vậy theo quy định hiện nay thì thời gian tối đa giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa không quá 4 tháng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
– Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.