Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Quy định về việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài? Quy định về việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tôi cùng chồng đang có kế hoạch thành lập công ty xuất nhập khẩu để nhập hàng hoá từ Trung Quốc, Thái Lan ( thanh sắt dùng trong xây dựng) về cung cấp tại Việt Nam và các nước khác. Vậy để thành lập công ty tôi cần làm những thủ tục gì: 1. Tôi có thể thành lập công ty hai thành viên cùng chồng tôi? Chồng tôi là người Pháp. Chúng tôi hiện đang làm việc tại Bangkok. Chúng tôi đã kết hôn theo đúng pháp luật và anh hiện có visa 5 năm nhưng không phải là visa làm việc và cư trú. Chồng tôi phải làm những giấy tờ gì ở Việt Nam? 2. Thời gian thành lập là bao lâu? 3. Chi phí thành lập công ty là bao nhiêu? 4. Chúng tôi có cần chứng minh vốn khi thành lập? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Về quyền thành lập doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân có quyền thành lập doanh nghiệp trừ các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Với trường hợp của bạn, bạn là người Việt Nam và chồng bạn là người Pháp. Chồng bạn và bạn không rơi vào trường hợp bị cấm nêu trên thì hai bạn hoàn toàn có quyền thành lập doanh nghiệp.
Với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên thì theo khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp 2014:
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó:
a) Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50;
b) Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trongphạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật doanh nghiệp 2014;
c) Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 52, 53 và 54 của Luật doanh nghiệp 2014.
Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên theo Điều 22 Luật doanh nghiệp 2014 bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
– Điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Hồ sơ được nộp đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xét xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
Hiện nay việc đăng ký doanh nghiệp trực tuyến được miễn lệ phí từ ngày 01/01/2017.
Trường hợp chồng bạn là người nước ngoài thì chồng bạn phải có những giấy tờ sau:
+ Bản sao hộ chiếu nước ngoài;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật đầu tư 2014.
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản, bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Dự án đầu tư bạn đưa ra phải xem xét có thuộc chủ trương đầu tư hay không. Nếu thuộc chủ trương đầu tư thì phải có quyết định chủ trương đầu tư.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư 2014 (thuộc trường hợp không cần có chủ trương đầu tư) bao gồm:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
– Bản sao hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân;
– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;
– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Luật đầu tư 2014 gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính;
Thời hạn giải quyết 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Điều 38 Luật đầu tư 2014 bao gồm:
1. Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật đầu tư 2014.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
b) Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
Ngành nghề của bạn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nên sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn phải đảm bảo điều kiện liên quan đến xuất nhập khẩu thanh sắt thì mới có thể kinh doanh trong ngành nghề này.
Đối với vấn đề vốn thì căn cứ Điều 22 Luật đầu tư 2014 thì điều kiện đầu tư thành lập tổ chức kinh tế như sau:
– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ không giới hạn trừ:
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
– Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp này, chồng bạn là người nước ngoài không nhất thiết phải chứng minh vốn khi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp. Việc thực hiện góp vốn được thực hiện đúng theo Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014.