Sổ tiết kiệm cũng được xem là di sản thừa kế. Vậy, thủ tục sang tên sổ tiết kiệm ngân hàng từ người đã mất như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Sổ tiết kiệm có được thừa kế không?
1.1 Quy định của pháp luật về thừa kế:
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì ta có thể hiểu rằng thừa kế là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại gọi là di sản.
Thừa kế được chia thành 02 hình thức là thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống và thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Đối tượng của quyền thừa kế được hiểu là tài sản thuộc sở hữu của người chết hoặc quyền tài sản của người chết mà người chết là người sử dụng hợp pháp để lại cho người còn sống.
1.2. Sổ tiết kiệm là gì?
Mặc dù không có bất kỳ văn bản nào định nghĩa sổ tiết kiệm là gì, tuy nhiên thì ta có thể hiểu sổ tiết kiệm chính là một chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng. Hay nói một cách dễ hiếu hơn đó là khi bạn đồng ý gửi tiền tiết kiệm hàng tháng vào ngân hàng, bạn sẽ được nhân viên ngân hàng cấp cho một cuốn sổ và cuốn sổ này được gọi sổ tiết kiệm. Sổ này sẽ chứng minh số tiền mà bạn đã gửi vào ngân hàng, mức lãi suất được áp dụng với khoản tiền tiết kiệm đó cùng mức tiền lãi mà bạn sẽ được hưởng.
1.3. Sổ tiết kiệm có được thừa kế không?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 quy định thì di sản thừa kế là những tài sản riêng của người chết; phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Trong đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Bên cạnh đó thì ta cũng cần tìm hiểu về khái niệm tài sản theo quy định của pháp luật. Tại điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì ta có thể xác định được rằng quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Còn về khái niệm tài sản thì ta căn cứ theo quy định tại điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì xác định tài sản là vật, là tiền, là giấy tờ có giá và là quyền tài sản. Tài sản được nhắc tới ở đây bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện đã có và tài sản hiện chưa có sẽ được hình thành trong tương lai.
Mà sổ tiết kiệm ngân hàng cũng là một loại giấy tờ có giá được pháp luật dân sự công nhận. Đây là giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu của người đứng tên trên sổ với số tiền được gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Do vậy, số tiền ghi trong sổ tiết kiệm là tài sản của người đứng tên trên sổ tiết kiệm.Khi đó thì nếu chủ sở hữu của sổ tiết kiệm chết; số tiền trong sổ tiết kiệm được coi là di sản thừa kế và sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Mà như đã phân tích ở phần mực trên thì việc chia di sản thừa kế được thực hiện thông qua 02 hình thức là chia di sản thừa kế theo di chúc và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Cụ thể là nếu người sở hữu sổ tiết kiệm có để lại di chúc thì sẽ ưu tiên phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Còn nếu không có di chúc, di chúc không hợp pháp thì sổ tiết kiệm sẽ được phân chia theo pháp luật.
2. Thủ tục sang tên sổ tiết kiệm ngân hàng từ người đã mất:
Mặc dù sổ tiết kiệm cũng được xem là di sản thừa kế và được chia thừa kế. Tuy nhiên sổ tiết kiệm lại không giống sổ đỏ hay còn gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,… Sổ tiết kiệm không thể làm thủ tục sang tên giống sổ đỏ, mà người được hưởng di sản thừa kế là sổ tiết kiệm thì chỉ có thể thực hiện các thủ tục để rút số tiền trong sổ tiết kiệm đấy mà thôi. Theo đó thì việc rút tiền trong sổ tiết kiệm khi được hưởng thừa kế sẽ thực hiện như sau:
Bước 1: Người thừa kế chia thừa kế sổ tiết kiệm
Tại bước thì thì người thừa kế sổ tiết kiệm cần xấc định được hình thức chia di sản thừa kế là theo di chúc hay theo pháp luật. Theo đó, nếu người chết để lại di chúc thì sẽ thực hiện nhận tiền theo di chúc nếu di chúc đó hợp pháp và lúc này cần xác định đúng số tiền đó là tài sản chung hay tài sản riêng của người chết, về hình thức, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật. Còn đối với trường hợp nếu người chết không để lại di chúc thì sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật, căn cứ vào hàng thừa kế.
Dù là chia thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật thì để được chia thừa kế sổ tiết kiệm thì người thừa kế thực hiện theo thủ tục khai nhận di sản hoặc phân chia di sản thừa kế tại các tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, cần chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây để thực hiện thủ tục khai nhận di sản, phân chia di sản thừa kế:
Một là, Phiếu yêu cầu công chứng
Hai là, Sổ tiết kiệm.
Ba là, Di chúc (nếu có di chúc).
Bốn là, Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu của người lập và người nhận;
Năm là, Sổ hộ khẩu;
Sáu là, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký kết hôn…
Bảy là, Giấy chứng tử của người chết.
Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ như đã nêu thì lúc này công chứng viên có trách nhiệm giải thích quyền, nghĩa vụ của các người thừa kế và niêm yết thông báo khai nhận di sản thừa kế,
Bước 2: Đến ngân hàng rút tiền trong sổ tiết kiệm
Khi đã có được văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế,văn bản khai nhận di sản thừa kế, những người thừa kế mang theo sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân cùng văn bản thừa kế được công chứng đến ngân hàng nơi người chết gửi sổ tiết kiệm.
Nếu sổ tiết kiệm là di sản của người chết thì các đồng thừa kế có thể cùng nhau đến ngân hàng hoặc ủy quyền cử một người thừa kế đại diện đến nhận tiền. Còn nếu sổ tiết kiệm chỉ có một phần tài sản của người chết thì khi đến ngân hàng, người thừa kế phải mang theo chứng cứ chứng minh đây là tài sản chung của người chết với người khác. Và người sở hữu chung với người này cũng phải có mặt để cùng rút số tiền trong sổ tiết kiệm.
Các thủ tục rút tiền tiết kiệm của người đã chết sẽ được ngân hàng hướng dẫn chi tiết đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề rút tiền trong sổ tiết kiệm thì có rất nhiều người thắc mắc sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng và cấc rút tiền trong những trường hợp đó như thế nào.
Theo quy định thì sổ tiết kiệm có thể là tiền gửi tiết kiệm của một hoặc nhiều người. Để xác định đây là tài sản chung hay riêng thì phải căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
Thứ nhất là về thời điểm gửi tiết kiệm: theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung vợ, chồng là tài sản do hai người tạo ra, thu nhập từ lao động trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, nếu không có căn cứ chứng minh sổ tiết kiệm là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản này được coi là tài sản chung.
Như vậy, nếu trong thời kỳ hôn nhân, một trong hai vợ, chồng gửi tiền tiết kiệm mà không chứng minh được đó là tài sản riêng thì sổ tiết kiệm sẽ là tài sản chung.
Thứ hai, nếu chứng minh được đây là tài sản tặng cho riêng, thừa kế riêng thì sẽ là tài sản riêng của mỗi người hoặc nếu có chứng cứ chứng minh có sự thỏa thuận vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân về số tiền gửi tiết kiệm là tài sản riêng thì sổ tiết kiệm này sẽ là tài sản riêng của một bên.
Như vậy, căn cứ vào nhiều yếu tố để xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng vợ, chồng.