Phụ tùng ô tô, linh kiện sửa chữa ô tô là một trong những mặt hàng được rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhiều bởi hầu hết các sản phẩm này khi được nhập khẩu từ nước ngoài sẽ là loại hàng hóa chính hãng, chất lượng tốt hơn. Vậy thủ tục nhập khẩu lốp xe ô tô mới nhất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có phải lốp xe nào cũng được nhập khẩu tại Việt Nam:
Nhu cầu sử dụng phụ tùng ô tô trong nước là rất lớn, trong khi đó khả năng sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Vì vậy mà phần lớn doanh nghiệp chọn nhập khẩu mặt hàng này từ các nước trên thế giới. Tuy nhiên để lô hàng được thông quan thì những mặt hàng này đáp ứng các điều kiện để lưu hành ra thị trường.
Căn cứ Nghị định 69/2018/NĐ-CP có hiệu lực áp dụng trên thực tế ngày 15/5/2018 của Chính phủ thì khi thực hiện việc nhập khẩu phụ tùng ô tô sẽ không bắt buộc phải có giấy phép hay điều kiện nhập khẩu nên Công ty có thể làm thủ tục nhập khẩu phụ tùng ô tô theo quy định nếu thuộc trường hợp được nhập khẩu. Đồng thời, tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP thì lốp xe ô tô cũ, đã qua sử dụng là mặt hàng bị cấm nhập khẩu. Nên cần tìm hiểu kỹ thông tin này để tránh trường hợp mua bán lốp xe đã qua sử dụng nhưng lại không được cho thông quan vì nằm trong danh mục cấm;
Tính đến hiện tại thì lốp xe ô tô mới là mặt hàng mà các cá nhân và doanh nghiệp được nhập khẩu và sẽ tiến hành làm thủ tục nhập khẩu như những loại hàng hoá thông thường khác. Tuy nhiên cần lưu ý về vấn đề sau: Đơn vị nhập khẩu lốp xe ô tô mới phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy cho sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Thủ tục công bố hợp quy lốp xe ô tô mới phải phù hợp với quy chuẩn quốc gia: QCVN 34:2017/BGTVT đối với mặt hàng lốp xe ô tô. Nội dung này đã được quy định tại phụ lục II hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp chuẩn hợp quy (Ban hành kèm Thông tư số 41/2018/TT-BGTVT ngày 30/07/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ giao thông vận tải.
Như vậy, nhập khẩu lốp ô tô có thể được chấp thuận với trường hợp là đưa lốp mới vào thị trường vào Việt Nam, đồng thời cần làm thủ tục công bố hợp quy cho sản phẩm.
2. Thủ tục nhập khẩu lốp xe ô tô mới nhất như thế nào?
2.1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
– Cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ chuẩn bị tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;
Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25
– Cùng với đó phải có thêm hóa đơn thương mại trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
Xét đến trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
Đối với những trường hợp dưới đây thì người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại:
+ Người khai hải quan được xác định là doanh nghiệp ưu tiên;
+ Khi tiến hành nhập khẩu mà hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài, người khai hải quan khai giá tạm tính tại ô “Trị giá hải quan” trên tờ khai hải quan;
+ Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về xác định trị giá hải quan.
– Giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ nhập khẩu lốp ô tô là Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hoá nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hoá mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
– Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính (đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy). Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ): 01 bản chính hoặc chứng từ dưới dạng dữ liệu điện tử trong các trường hợp đã được quy định trong khoản 2 Điều 25 Nghị định này;
2.2. Xác định mã HS lốp xe ô tô nhập khẩu:
Trước khi tìm hiểu về trình tự thủ tục nhập khẩu lốp xe thì việc cá nhân xác định Mã HS cho lốp xe ô tô nhập khẩu là một trong những việc làm bắt buộc phải thực hiện. Trên thực tế, Lốp xe ô tô có rất nhiều loại, tương thích với từng chủng loại ô tô. Vì vậy từng loại lốp ô tô có mã HS và biểu thuế tương ứng. Cụ thể mã HS ứng với từng loại lốp xe ô tô đã được thể hiện dưới đây:
– Lốp xe ô tô con; mã HS 40111000- Thuế ưu đãi 25%;
– Lốp xe ô tô khách hoặc ô tô chở hàng:
+ Chiều rộng không quá 230mm và lắp vành có đường kính không quá 16 inch- Mã HS 40112011- Thuế ưu đãi 25%
+ Chiều rộng không quá 230mm và lắp vành có đường kính trên 16 inch- Mã HS 40112012- Thuế ưu đãi 25%;
+ Chiều rộng trên 230mm và không quá 385mm- Mã HS 40112013- Thuế ưu đãi 25%;
+ Loại khác- Mã HS 40112019- Thuế ưu đãi 25%;
Lưu ý: Xác định đúng mã HS là rất quan trọng khi thực hiện thủ tục nhập khẩu lốp xe ô tô. Khi tiến hành xác định sai mã HS thì đối tượng là thủ tục này có thể bị áp dụng mức xử phạt theo quy định. Hiện nay, mức phạt được thể hiện trong Nghị định 128/2020/NĐ-CP là từ 2,000,000 đồng đến 3 lần số thuế nếu phát sinh thuế nhập khẩu.
2.3. Trình tự thực hiện thủ tục nhập khẩu lốp xe ô tô:
Sau khi đã xác định chính xác loại lốp xe nhập khẩu thì cá nhân cần tuân thủ các bước dưới đây là thủ tục này diễn ra nhanh chóng, hiệu quả:
Bước 1: Tiến hành khai tờ khai hải quan
Sau khi đã xác định chính xác được mã HS và đã đảm bảo có các giấy tờ hồ sơ hợp lệ thì tiến hành khai tờ khai hải quan trên phần mềm hải quan. Những thông tin được sử dụng trong giấy khai báo thì phải có tính chính xác và đảm bảo thông tin trên tờ khai trùng khớp với bộ hồ sơ. bởi nếu các thông tin không có sự thống nhất với nhau thì sẽ mất rất nhiều thời gian để tiến hành khai báo lại từ đầu cho việc thông quan hàng hóa.
Bước 2: Đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa
Như đã trình bày thì căn cứ theo Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT, phụ tùng ô tô nhập khẩu để được thông quan thì phải có chứng nhận hợp chuẩn hợp quy sau thông quan và cũng phải đảm bảo điều kiện này trước khi lưu hành ra thị trường. Vì vậy, trước khi làm thủ tục nhập khẩu cá nhân cần chủ động tiến hành đăng ký kiểm tra chất lượng cho mặt hàng cần nhập khẩu.
Bước 3: Thực hiện mở tờ khai hải quan
Sau khi hệ thống trả về kết quả phân luồng tờ khai và có giấy đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa hợp lệ thì cá nhân đang làm thủ tục nhập khẩu sẽ bổ sung 2 loại chứng từ này vào bộ hồ sơ nhập khẩu để chi cục hải quan tiến hành mở tờ khai và thông quan hàng hóa.
Khi tiếp nhận hồ sơ thì cán bộ hải quan sẽ kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ, nếu đã đảm bảo các yếu tố trên thì sẽ được xác nhận thông quan hàng hóa.
Bước 4: Bảo quản hàng hóa và hoàn tất kiểm tra chất lượng lốp ô tô
Sau khi nộp thuế nhập khẩu, bạn có thể mang hàng về kho bảo quản. Tiếp theo bạn chỉ cần hoàn tất Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng là có thể mang hàng ra thị trường.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành
– Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Thông tư số 12/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải: Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.
THAM KHẢO THÊM: