Trình tự thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn? Khai sinh muộn bị xử phạt 200.000 đồng đúng hay sai? Thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú? Đăng ký khai sinh cho con ở đâu? Mẹ bỏ đi, bố có thể làm giấy khai sinh cho con không?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về thủ tục, thời hạn làm giấy khai sinh cho con theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật hộ tịch khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Khi mọi đứa trẻ sinh ra thì việc đầu tiên là phải thực hiên việc đăng ký khai sinh theo thời hạn mà luật định vì giấy khai sinh là một trong những giấy tờ rất quan trọng đối với mọi đứa trẻ và nó là cơ sở cho việc thực hiện cấp các giấy tờ có liên quan đến nhân thân của cá nhân như về hôn nhân, về quản lý nhân khẩu và là cơ sở để các giấy tờ khác có liên quan ví dụ bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…để thực hiện các quyền công dân của mình theo quy định của pháp luật. Thế nhưng trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, việc cha mẹ khi sinh con thì việc đi làm giấy khai sinh cho con cái được thực hiện một cách rất chậm chễ do nhiều guyền nhân một phần là do học nhận thức được tầm quan trọng của giấy khai sinh của người dân về vai trò của giấy khai sinh chưa cao và một phần là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chức năng có thẩm quyền chưa hoàn thành nhiệm vụ trong việc vận động các cặp vợ chồng sớm thực hiện việc đi làm giấy khai sinh cho con và chế tài chưa nghiêm chưa nằm ở mức cảnh cáo mức độ răn đe chưa cao.
Giấy khai sinh theo quy định của Nghị định 123/2015/NĐ-CP là một trong những giấy tờ quan trọng nhất của mỗi con người. Nó không chỉ là một giấy tờ hộ tịch gốc mà là bằng chứng chứng minh cho mối quan hệ huyết thống được thể hiện thông qua nội dung của giấy khai sinh hay đó là một bằng chứng chứng minh Quyền Công dân của mỗi con người.
Thời hạn đăng ký khai sinh
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn để thực hiện việc đăng ký giấy khai sinh cho con thông thường là 60 ngày kể từ ngày sinh con thì những người đại diện pháp luật có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trong khoảng thời gian luật định thì nếu hai vợ chồng không thế thực hiện đăng ký khai sinh cho con thì người thân thích khác như là ông bà, anh, chị em, người hiện nay đang nuôi dưỡng đứa trẻ phải có trách nhiệm đăng ký giấy khai sinh cho con. Hiện nay nhà nước đã có chính sách thực hiện việc đăng ký khai sinh lưu động cho trẻ em sinh ra do công chức tư pháp hộ tịch trong phạm vi nhiệm vụ của mình thực hiện việc kiểm tra, đôn đốc cá nhân thực hiện việc khai sinh cho con theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đi khai sinh cho con theo thời hạn pháp luật như hết thời hạn này các bên không thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình phạt cảnh cáo hoặc quá thời hạn quy định thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp theo quy định Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Thủ tục làm giấy khai sinh cho con
Trong trường hợp này để thực hiện việc khai sinh cho con thì những người đi đăng ký khai sinh phải chuẩn bị các hồ sơ đầy đủ hợp pháp tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người mẹ cư trú có thể là nơi có hộ khẩu đăng ký thường trú. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ hoặc người mẹ đang sinh sống và làm việc ngoài nơi đăng ký thường trú thì cũng có thể đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người mẹ đang tạm trú bao gồm những giấy tờ như sau:
+ Người đăng ký khai sinh thực hiện việc điền vào tờ khai mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo mẫu quy định.
+ Cha mẹ hoặc người đi đăng ký khai sinh cho con nộp giấy chứng sinh mà cơ quan y tế nơi đứa trẻ đã sinh mà bệnh viên hoặc tại các cơ sở y tế đã cấp theo quy định. Trong trường hợp nếu cơ sở y tế không cấp Giấy chứng sinh cho con hoặc không có giấy chứng sinh có giá trị thay thế về việc sinh con thì khi tiến hành làm thủ tục khai sinh cho con thì người đi đăng ký khai sinh có thể thay Giấy chứng sinh bằng các văn bản có giá trị thay thế như xác nhận của những người làm chứng hoặc làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực nếu không có người làm chứng và tự chịu trác nhiệm trước pháp luật về lời khai của mình khi đăng ký khai sinh.
+ Người đăng ký khai sinh khi đi đăng ký khai sinh mang theo sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú hoặc các giấy tờ chứng minh về việc cư trú theo quy định.
+ Trong trường hợp công chức tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ vợ chồng của cha mẹ của đứa trẻ thì không cần phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn khi đăng ký khai sinh cho con theo quy đinh. Còn các trường hợp khác nếu cha mẹ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định thì xuất trình thêm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của cha mẹ đã được cơ quan nhà nước cấp khi đăng ký khai sinh cho con.
+ Người đi đăng ký khai sinh ngoài các giấy tờ trên cần mang theo chứng minh nhân dân của mình hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng khi đi thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con.
Sau đó công chức tư pháp hộ tịch kiểm tra hồ sơ và tiến hành việc đăng ký khai sinh cho con. Trong tường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp mà cha mẹ của đứa trẻ đều thừa nhận đứa bé đó là con của hai người thì đương nhiên là trong Giấy khai sinh của người con có ghi tên cả bố mẹ của con. Về phần họ và quê quán của người con sẽ mang họ và quê quán theo sự thỏa thuận của cha mẹ hoặc theo tập quán tại địa phương theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp khi đăng ký khai sinh mà người đăng ký khai sinh không chứng minh được về mối quan hệ cha mẹ con thì phần ghi về cha mẹ có thể bỏ trống. Sau khi hết hạn mà pháp luật quy định phải đăng ký khai sinh thì phải tiến hành thủ tục khai sinh quá hạn theo quy định. Sau khi đã đước cấp giấy khai sinh thì người khai sinh cho con thì có thể tiến hành đăng kí thường trú và làm chứng minh nhân dân theo quy định của pháp luật.
Nếu hồ sơ đăng ký khai sinh hợp lệ thì công chức tư pháp hộ tịch thực hiên cập nhật vào giấy khai sinh, ghi vào sổ hộ tịch theo quy định và cập nhật thông tin của đứa trẻ vào cơ sở dữ liệu về hộ tịch điện tử đồng thời vào cơ sở dữ liệu về dân cư của quốc gia lấy số định danh cho đứa trẻ.
Công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký khai sinh sau đó ký tên vào sổ hộ tịch và yêu cầu người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét việc đăng ký khai sinh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật sẽ cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, Sau khi làm Giấy khai sinh xong các cá nhân sẽ có thể làm các giấy tờ tùy thân khác như Chứng minh thư hoặc Giấy đăng kí thường trú…theo quy định của pháp luật việc đăng ký khai sinh là một sự kiện hộ tịch rất quan trọng đối với các cá nhân, nó à giấy tờ đầu tiên mà mỗi người cần có từ khi sinh ra đến khi chết đi để thực hiện các nghĩa vụ của cá nhân và dùng để phân biệt các cá nhân với nhau trong các mối quan hệ xã hội trong nước cũng như quốc tế về nhân thân của cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Trình tự thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn
Xin chào luật sư. Mong Quý Luật sư tư vấn giúp em việc sau: Em và chồng kết hôn, tháng 6/2014 em sinh em bé. Nhưng chúng em chưa làm giấy khai sinh cho con. Em muốn hỏi là bây giờ đã quá gần 4 tháng rồi em có đi đăng ký khai sinh cho con được không? Hồ sơ gồm những gì ạ? Em xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, thời gian đăng ký khai sinh cho bé thường là không quá 60 ngày. Trường hợp của bạn đã quá 60 ngày, vì vậy bạn cần thực hiện theo thủ tục đăng ký giấy khai sinh quá hạn như sau:
Trình tự thực hiện:
Bước 1. Cá nhân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 2. Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra hồ sơ.
+ Nếu không đúng thẩm quyền thì hướng dẫn đương sự liên hệ cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
+ Nếu hồ sơ đầy đủ thì tiến hành đăng ký jkhai sinh quá hạn. Trường hợp phải đi xác minh thì ra biên nhận và hẹn ngày trả kết quả.
+ Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn đương sự bổ sung hồ sơ.
Bước 3. Cá nhân nhận Giấy khai sinh và bản sao theo yêu cầu tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong ngày hoặc theo biên nhận.
– Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Thành phần hồ sơ:
+ Người đi đăng ký khai sinh quá hạn phải nộp Giấy chứng sinh và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
+ Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
2. Người đi đăng ký khai sinh phải xuất trình:
+ Xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người đi khai sinh.
+ Xuất trình Sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú của cha, mẹ trẻ em.
Luật sư
+ Xuất trình Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng của cha, mẹ trẻ em trường hợp cha, mẹ trẻ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
– Thời hạn giải quyết: Trong ngày làm việc. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 05 ngày.
– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.
– Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn cho trẻ em.
+ Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.
+ Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.
+ Việc đăng ký khai sinh quá hạn cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
+ Trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình thì có thể lựa chọn nơi đăng ký khai sinh quá hạn tương tự như thẩm quyền đã nêu ở trên hoặc tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.
– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy khai sinh bản chính.
– Lệ phí: Không.
– Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không
– Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
+ Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực hợp lệ. Nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản uỷ quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ.
2. Khai sinh muộn bị xử phạt 200.000 đồng đúng hay sai?
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 05/3/2016 tôi đi nhập sinh cho con tại công an huyện thuộc TP Hà Nội. Con tôi sinh ngày 01/01/2015, Đăng ký khai sinh ngày 01/3/2015, tôi bị xử phạt 200.000 đồng về nhập sinh muộn, vậy cơ quan công an xử phạt đúng hay sai? thời hiệu tính xử phạt được tính từ thời gian nào?
Luật sư tư vấn:
Tại Điều 15 Luật hộ tịch 2014 có quy định về đăng ký khai sinh như sau:
“Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
Theo thông tin bạn trình bày con của bạn sinh ngày 01/01/2015. Căn cứ theo quy định trên thì trong thời hạn 60 ngày thì bạn có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con, tuy nhiên ngày 05/03/2016 bạn mới thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho con, do vậy trường hợp của bạn được xác định là vi phạm về trách nhiệm đăng ký khai sinh (khai sinh quá hạn).
Tại Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP có quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh như sau:
Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh
“1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.
2. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm chứng sai sự thật về việc sinh;
b) Cố ý khai không đúng sự thật về nội dung khai sinh;
c) Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Hủy bỏ giấy tờ giả đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 4 Điều này.”
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì hiện nay không còn quy định về việc phạt tiền khi vi phạm trách nhiệm đăng ký khai sinh. Đối với trường hợp vi phạm về trách nhiệm đăng ký khai sinh sẽ cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định. Vì vậy, việc công an xử phạt bạn 200.000 đồng đối với việc khai sinh muộn là không có căn cứ.
3. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại nơi tạm trú?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho e hỏi E là mẹ đơn thân có sổ tạm trú. E muốn đăng kí khai sinh cho con ở nơi tạm trú được không và thủ tục cần những giấy tờ gì ạ? Và sau khi được cấp giấy khai sinh, e lại muốn cho người khác nhận làm con nuôi thì phải làm những thủ tục gì ạ Xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Tại Khoản 1,2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha mẹ như sau :
” 1.Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha,mẹ.
2.Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định :
“1.Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê mượn hoặc ở nhờ của tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.”
Như vậy theo quy định trên, bạn là mẹ đơn thân nhưng hoàn toàn có thể đăng ký khai sinh cho con bạn tại nơi tạm trú. Về thủ tục đăng ký khai sinh tại Điều 16 Luật Hộ Tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký khai sinh như sau :
“1.Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật.
2.Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức từ pháp- hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp- hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3.Chính phủ quy định chi tiết về việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; việc xác định quê quán của trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ.”
Sau khi được cấp giấy khai sinh, nếu bạn muốn cho con bạn cho người khác nhận làm con nuôi cần tiến hành các thủ tục sau:
Thứ nhất, về hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước được quy định tại Điều 18 Luật nuôi con nuôi 2010 :
“Điều 18: Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước.
1. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:
a) Giấy khai sinh;
b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
d) Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
2. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.”
Sau khi nộp hồ sơ bạn nộp tại UBND cấp xã, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp xã tiến hành lấy ý kiến những người quy định tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010.Theo đó :
“Điều 21.Sự đồng ý cho làm con nuôi
1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.”
Theo thông tin bạn cung cấp thì con bạn hiện tại đã được 6 tháng tuổi và không xác định được cha nên trong trường hợp này chỉ cần có sự đồng ý của bạn là đủ.Như vậy, bạn có thể tiến hành theo các thủ tục đã nêu trên để tiến hành cho con bạn cho người khác nhận làm con nuôi phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Đăng ký khai sinh cho con ở đâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 2010 tôi kết hôn với anh A và có 1 đứa con ở xa 1 nhưng chưa làm giấy khai sinh. Đến năm 2015, tôi ly hôn và kết với anh B ở xã 2. Và thực tế đứa con trên là con của anh B và tôi có giấy xét nghiệm ADN. Nay tôi đi làm giấy khai sinh cho con tôi để đi học, khi đến xã 2 làm họ nói qua xã 1 làm theo mẹ, qua xã 1 họ nói làm theo cha hiện nay. Với nội dung trên rất mong quý luật sư tư vấn cho tôi để làm giấy khai sinh cho cháu đi học. Chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân gia đình 2014 về xác định cha, mẹ:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Có thể thấy, quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 trong việc xác định cha, mẹ, con thì theo nguyên tắc suy đoán con được sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc người vợ mang thai trong thời kì hôn nhân sẽ được mặc định là con của nười chồng có hôn nhân hợp pháp với bạn từ thời điểm đó. Về việc bây giờ bạn sinh con và có kết hôn với anh B nhưng vẫn sẽ không được coi là con của anh B, bạn không thể tới cơ quan có thẩm quyền để đăng ký giấy khai sinh cho con bạn đứng tên bố là anh B.
Theo quy định Điều 25 Luật hộ tịch 2014 về thủ tục đăng ký cha,me, con như sau:
Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
…
Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP như sau:
Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.
Muốn đăng ký giấy khai sinh mà anh B là bố của con bạn thì trước hết bạn cần thỏa thuận với anh A yêu cầu Tòa án không nhận đứa bé đó là con của mình theo quy định tại Điều 89 Luật hôn nhân gia đình 2014:
“1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.
2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.”
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Sau khi có quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật về việc xác nhận không phải là con của anh A thì bạn có thể tới ủy ban nhân dân cùng với anh B làm thủ tục xác nhận cha mẹ con tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, sau khi được xác nhận thì bạn có thể đăng ký giấy khai sinh cho con bạn theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch 2014:
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
… “.
5. Mẹ bỏ đi, bố có thể làm giấy khai sinh cho con không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em có 2 bé sinh năm 2015 và 2016, cả 2 bé đều chưa làm khai sinh hiện 2 bé đang sống với ba. Và mẹ hiện không biết ở đâu, em có mang giấy chứng sinh của cháu lên xã để làm khai sinh nhưng UBND xã đòi phải làm xét nghiệm ADN. Vậy có cách nào không cần xét nghiệm mà làm khai sinh được không ạ? Em cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì con của bạn gồm 2 bé sinh năm 2015, sinh năm 2016, tuy nhiên cả hai bé đều chưa được đăng ký khai sinh, Hai bé hiện đang sống với bạn còn mẹ của bé (vợ của bạn) thì không biết bạn đang ở đâu và cũng không liên lạc được. Bạn hiện đang muốn đăng ký khai sinh cho cháu mà không muốn xét nghiệm ADN.
Có thể thấy, trong thông tin bạn không nói rõ, bạn và vợ của bạn đã đăng ký kết hôn chưa, nếu đã đăng ký kết hôn thì đăng ký kết hôn trước thời điểm hai bé sinh hay sau thời điểm hai bé đã sinh ra. Trường hợp này, do thông tin cung cấp không nói rõ nên để giải quyết về vấn đề đăng ký khai sinh cho hai bé, thì sẽ có các trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Vợ chồng bạn đã đăng ký kết hôn trước thời điểm hai bé được sinh ra.
Trường hợp vợ chồng bạn đăng ký kết hôn trước thời điểm hai bé được sinh ra thì căn cứ theo quy định tại Điều 88
Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 13, Điều 15 Luật Hộ tịch năm 2014 thì: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ sẽ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.
Dựa trên những căn cứ được trích dẫn ở trên, xem xét trong trường hợp của bạn, khi vợ của bạn bỏ đi, không liên lạc được thì bạn có thể tự mình đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con của bạn tại nơi bạn đang cư trú. Trường hợp này, khi đi làm thủ tục đăng ký khai sinh thì căn cứ theo quy định tại Điều 16 Luật hộ tịch năm 2014 thì thủ tục đăng ký khai sinh gồm:
“Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”
Đồng thời, theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai sinh còn phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân cho cơ quan có thẩm quyền còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân. Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.
Qua phân tích ở trên, trong trường hợp con của bạn chưa được đăng ký khai sinh, mẹ của các cháu (vợ của bạn) đã bỏ đi không liên lạc được nhưng con của bạn được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của hai bạn nên trường hợp này, bạn có thể tự đi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, và trong hồ sơ đăng ký khai sinh không cần phải có giấy xét nghiệm ADN mà chỉ cần các giấy tờ có liên quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp 2: Vợ chồng bạn đăng ký kết hôn sau thời điểm hai bé được sinh ra hoặc trường hợp vợ chồng bạn chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
- Trong trường hợp con sinh ra trước thời điểm vợ chồng bạn đăng ký kết hôn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
“Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn chỉ được thừa nhận là con chung của vợ chồng khi có sự thừa nhận của cha mẹ. Tuy nhiên trong hoàn cảnh của bạn, vợ bạn đã bỏ đi, không liên lạc được nên sẽ không có căn cứ xác định sự thừa nhận của người mẹ của bé về việc bạn là cha của bé, nên không có căn cứ để xác định đây là con của bạn.
- Trường hợp bạn và vợ bạn chung sống với nhau như vợ chồng, có con nhưng không đăng ký kết hôn, và hiện tại mẹ của bé đã bỏ đi:
Đối với trường hợp này, cũng theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, sẽ không có căn cứ xác định bạn là cha của đứa bé, vì trong giấy chứng sinh của cháu chỉ có tên của người mẹ.
Đối với hai trường hợp này, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn cho con của bạn thì cơ quan có thẩm quyền xác định đây là trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được người cha. Bởi theo thông tin, bạn đang có giấy chứng sinh của cháu và trong giấy chứng sinh của bé có tên của người mẹ của bé (vợ của bạn), chỉ không có tên bạn.
Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ – CP thì khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bé đang cư trú sẽ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, và người mẹ thì không xác định được nơi cư trú. Nội dung đăng ký khai sinh cho con của bạn bao gồm họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con của bạn sẽ được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của người mẹ; phần ghi về cha (ở đây là bạn) trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của bạn để trống.
Trường hợp này, nếu bạn muốn có tên của mình trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của con thì cần phải tiến hành đồng thời thủ tục nhận cha cho con bạn và đăng ký khai sinh cho con bạn. Về thủ tục này căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì hồ sơ cần chuẩn bị gồm.
“Điều 12. Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con
Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:
1. Hồ sơ gồm:
a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;
c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
2. Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.”
Căn cứ theo quy định khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP được trích dẫn ở trên, trong trường hợp con của bạn sinh ra trước thời điểm cha và mẹ đăng ký kết hôn, hoặc con sinh ra khi cha mẹ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì trường hợp này, người cha có thể đi làm Giấy khai sinh cho cháu nhưng phải tiến hành kết hợp thủ tục nhận cha cho con kết hợp đăng ký khai sinh cho con. Khi thực hiện thủ tục này, ngoài Giấy chứng sinh, giấy tờ tùy thân của người đi làm thủ tục thì bạn cần cung cấp chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con theo quy định. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con được xác định cụ thể tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP bao gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau:
– Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
– Trường hợp không có những giấy tờ nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Xem xét trong trường hợp của bạn, hiện tại bạn đang có Giấy chứng sinh của con bạn. Để bạn có thể tự mình đi thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha cho con thì bạn cần cung cấp về một trong các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT – BTP. Trong đó, nếu bạn không muốn tiến hành giám định ADN thì bạn có thể sử dụng thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng chứng minh quan hệ cha con. Tuy nhiên, việc sử dụng thư từ, phim ảnh, băng, đĩa thì khả năng xác thực về quan hệ cha con thấp hơn văn bản giám định ADN; đồng thời khi sử dụng những tài liệu, vật dụng này thì theo Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP phải có thêm văn văn bản cam đoan của cha và mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. Nhưng trong trường hợp của bạn, mẹ của bé đã bỏ đi, không rõ tung tích ở đâu nên không thể có văn bản cam đoan có chữ ký của người mẹ.
Từ những phân tích nêu trên, trường hợp của bạn, để bạn có thể làm thủ tục nhận cha cho con và đăng ký khai sinh cho con thì ngoài Giấy chứng sinh của con buộc phải có thêm chứng cứ chứng minh quan hệ cha con, mà cụ thể là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, cụ thể văn bản giám định ADN.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên, tùy vào từng trường hợp mà khi đăng ký khai sinh cho con bạn thì có thể phải cung cấp văn bản giám định ADN hoặc không cần phải cung cấp. Do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ nên bạn cần xem xét tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể.