Có thể thấy Nhà nước ta đã và đang làm rất tốt trong công tác an sinh xã hội, điều đó được thể hiện rõ thông qua những quy định, những chính sách đối với những người dân khó khăn cần được bảo trợ. Vậy thủ tục làm chế độ bảo trợ xã hội và quy trình xét duyệt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thủ tục làm chế độ bảo trợ xã hội và quy trình xét duyệt:
1.1. Chuẩn bị giấy tờ hồ sơ để làm chế độ bảo trợ xã hội:
Bảo trợ xã hội có thể hiểu là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội và cả cộng đồng bằng những biện pháp và những hình thức khác nhau đối với các đối tượng bị lâm vào cảnh rủi ro, bất hạnh, nghèo đói,… vì nhiều các nguyên nhân khác nhau dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cho chính cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình, nhằm giúp họ tránh được các mối đe dọa của cuộc sống thường nhật hoặc giúp họ vượt qua được những khó khăn, ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Chế độ bảo trợ xã hội bao gồm có chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng và chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.
Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội có quy định về hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng. Theo quy định này thì đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hoặc thân nhân của họ cần chuẩn bị tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội. Lưu ý rằng sẽ tùy từng đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội mà đối tượng đó sẽ phải tuân thủ tờ khai theo mẫu số 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ, 2a, 2b, 03 mà nhà nước ban hành tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, người làm hồ sơ cũng cần phải chuẩn bị trước những loại giấy tờ sau để khi đi nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền sẽ cần xuất trình để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong tờ khai, bao gồm:
– Sổ hộ khẩu của đối tượng xin hưởng bảo trợ xã hội hoặc văn bản xác nhận của công an xã, phường, thị trấn (do hiện nay, công tác quản lý nhân khẩu đang được quản lý trên cơ sở dữ liệu quốc gia thế nên người xin hưởng bảo trợ xã hội chỉ cần có căn cước công dân hoặc giấy xác nhận cư trú);
– Chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
– Giấy khai sinh của trẻ em (dành cho trẻ em, người đơn thân nghèo mà đang nuôi con, người khuyết tật đang nuôi con);
– Giấy tờ xác nhận bị nhiễm HIV của cơ sở y tế có thẩm quyền (dành cho người bị nhiễm HIV);
– Giấy tờ xác nhận là đang mang thai của cơ quan y tế (dành cho người khuyết tật đang mang thai);
– Giấy xác nhận khuyết tật (dành cho cho người bị khuyết tật).
1.2. Nộp hồ sơ:
Tại Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội có quy định về nơi nộp hồ sơ để làm chế độ bảo trợ xã hội, theo quy định này thì đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hoặc thân nhân của họ gửi tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người xin hưởng trợ cấp xã hội cư trú. Khi nộp hồ sơ, người nộp hồ sơ cần xuất trình các loại giấy tờ chuẩn bị trước đã nêu ở mục trên để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu các thông tin kê khai trong tờ khai.
1.3. Quy trình xét duyệt:
Tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội quy định về quy trình xét duyệt, theo đó quy trình xét duyệt lần lượt như sau:
Bước 1: Các thủ tục xét duyệt hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội tại Ủy ban nhân dân xã
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người xin hưởng bảo trợ xã hội, công chức phụ trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm rà soát hồ sơ;
– Sau khi rà soát hồ sơ, công chức phụ trách công tác Lao động – Thương binh và Xã hội trình cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tổ chức việc xem xét, quyết định việc xét duyệt, thực hiện việc niêm yết công khai về kết quả xét duyệt tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian là 02 ngày làm việc, trừ các thông tin liên quan đến HIV/AIDS của đối tượng.
– Trường hợp mà có khiếu nại, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tổ chức xem xét, kết luận, công khai nội dung khiếu nại.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ đã được xét duyệt và không có khiếu nại, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bước 2: Các thủ tục xét duyệt hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
– Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được hồ sơ của đối tượng xin hưởng bảo trợ xã hội và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng;
– Trường hợp đối tượng xin bảo trợ xã hội không đủ điều kiện hưởng thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Các thủ tục xét duyệt hồ sơ của đối tượng bảo trợ xã hội tại Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được văn bản trình của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét và ra quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng cho các đối tượng xin bảo trợ xã hội.
2. Thời gian bắt đầu được hưởng trợ cấp xã hội:
– Đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo mà không thuộc diện người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có các nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này lại đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đang sống tại địa bàn ở các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn: đối tượng này được hưởng trợ cấp xã hội bắt đầu kể từ thời điểm đối tượng này đủ 75 tuổi.
– Đối với người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện những người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có các nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này lại đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng: đối tượng này được hưởng trợ cấp xã hội bắt đầu kể từ thời điểm người đó đủ 80 tuổi.
– Đối với người khuyết tật: đối tượng này sẽ được hưởng trợ cấp xã hội bắt đầu kể từ tháng được cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật
– Đối với đối tượng khác: trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng của những đối tượng xin hưởng bảo trợ xã hội khác kể từ tháng mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện ký quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng.
3. Thủ tục chi trả trợ cấp xã hội khi thay đổi nơi cư trú trong cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
Tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục chi trả trợ cấp xã hội khi đối tượng đang hưởng thay đổi nơi cư trú trong cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, theo quy định này thì đối tượng đang được chi trả trợ cấp xã hội cần tuân thủ các thủ tục sau:
– Đối tượng đang hưởng trợ cấp hoặc người giám hộ của đối tượng này có văn bản đề nghị gửi lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú mới;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được văn bản đề nghị thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi lên Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày mà nhận được văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định và thực hiện việc chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng cho các đối tượng theo địa chỉ nơi cư trú mới.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 20/2021/NĐ-CP chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội.