Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành và quản lý các công ty, tài sản của công ty đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là tất cả nguồn lực thuộc sở hữu của công ty phải do công ty nắm giữ và kiểm soát, có thể chuyển đổi thành tiền mặt. Dưới đây là quy định về thủ tục đưa máy móc vào tài sản của công ty khi thành lập.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục đưa máy móc vào tài sản của công ty khi thành lập:
Để có thể đưa tài sản là máy móc, trang thiết bị và tài sản của công ty, cần phải thực hiện các bước sau:
Bước 1: Định giá tài sản. Định giá tài sản cần phải được tiến hành theo quy định tại Điều 36 của Văn bản hợp nhất
– Tài sản góp vốn không phải là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì bắt buộc phải được các thành viên trong công ty, cổ đông sáng lập hoặc các tổ chức tiến hành thủ tục thẩm định giá tài sản và được thể hiện bằng đơn vị đồng Việt Nam;
– Tài sản góp vốn trong quá trình thành lập công ty phải được các thành viên trong công ty, cổ đông sáng lập định giá dựa trên nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá tiến hành thủ tục định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá tài sản thì giá trị của tài sản góp vốn phải được trên 50% tổng số thành viên và cổ đông sáng lập đồng ý. Trong trường hợp tài sản góp vốn được định giá với mức cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn, thì các thành viên trong công ty hoặc cổ đông sáng lập phải cùng nhau liên đới góp thêm số vốn chênh lệch giữa giá trị được định giá của tài sản và giá trị thực tế của tài sản góp vốn đó tại thời điểm kết thúc thủ tục định giá, đồng thời các thành viên cần phải liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do hành vi cố tình định giá tài sản góp vốn sai giá trị thực tế;
– Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp doanh, do hội đồng quản trị đối với loại hình công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá, hoặc do một tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá. Trong trường hợp tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá thì giá trị của tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị trong công ty chấp nhận. Trong trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của các loại tài sản đó vào thời điểm góp vốn, thì người góp vốn/chủ sở hữu công ty/các thành viên trong Hội đồng thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp doanh, thành viên trong Hội đồng quản trị đối với loại hình công ty cổ phần sẽ cùng nhau liên đới bổ sung thêm số tiền chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm kết thúc thủ tục định giá, và đồng thời cần phải liên đới chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra do hành vi cố tình định giá tài sản cao hơn so với giá trị thực tế.
Bước 2: Soạn hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định, cụ thể trong trường hợp này là máy móc và trang thiết bị. Thành phần hồ sơ góp vốn bằng tài sản cố định cần phải tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Biên bản chứng nhận góp vốn;
– Biên bản giao nhận tài sản;
– Hợp đồng liên kết liên doanh;
– Biên bản định giá tài sản hoặc văn bản định giá tài sản của tổ chức có chức năng định giá;
– Thành phần hồ sơ về nguồn gốc của tài sản.
Bước 3: Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Theo quy định của pháp luật hiện nay, thành viên trong công ty bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn vào công ty theo quy định của pháp luật. Đối với các máy móc trang thiết bị không đăng ký quyền sở hữu thì các bên chỉ cần có biên bản giao nhận tài sản, không bắt buộc cần phải tiến hành thủ tục chuyển quyền sở hữu. Doanh nghiệp có thể yêu cầu bên góp máy móc cung cấp các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với máy móc đó như hợp đồng mua bán máy móc … Đối với các loại tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì người góp vốn bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho công ty theo quy định của pháp luật. Quá trình thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn sẽ không bắt buộc phải kê khai và nộp thuế căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận góp vốn, cổ phần vào công ty.
2. Có thể góp vốn bằng máy móc, trang thiết bị vào doanh nghiệp không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định về tài sản góp vốn. Bao gồm:
– Tài sản góp vốn được xác định là động Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp
– Chỉ các cá nhân và tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với các loại tài sản đó mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật vào công ty, doanh nghiệp.
Theo đó, nếu các loại máy móc và trang thiết bị có thể được định giá bằng đồng Việt Nam thì hoàn toàn có thể sử dụng các loại máy móc trang thiết bị đó làm tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải lưu ý, các loại máy móc trang thiết bị đó bắt buộc phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chính bản thân người góp vốn.
3. Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty có phải đóng lệ phí trước bạ không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 của Văn bản hợp nhất luật doanh nghiệp năm 2022 có quy định về vấn đề chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn. Theo đó, đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản được xác định là quyền sử dụng đất thì người góp vốn bắt buộc phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc chuyển quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Quá trình chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn sẽ không cần phải chịu lệ phí trước bạ;
– Đối với các loại tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn bắt buộc phải thực hiện bằng việc giao nhận tài sản có xác nhận bằng biên bản, ngoại trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản;
– Biên bản giao nhận tài sản góp vốn cần phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, họ và tên cùng với địa chỉ liên lạc và số giấy tờ pháp lý của cá nhân người góp vốn, số giấy tờ pháp lý của tổ chức người góp vốn, loại tài sản góp vốn, đơn vị tài sản góp vốn, tổng giá trị tài sản góp vốn, tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty, ngày giao nhận tài sản góp vốn, chữ ký của người góp vốn hoặc người đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp;
– Việc góp vốn chỉ được coi là hoàn thành khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó đã được chuyển sang công ty.
Theo đó, thủ tục đưa máy móc vào tài sản của công ty khi thành lập sẽ không cần phải chịu lệ phí trước bạ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp;
– Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và
– Thông tư 43/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính).
THAM KHẢO THÊM: