Thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên. Ông bà nội cháu M muốn đăng kí làm giám hộ cho M thì phải tiến hành thủ tục như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Anh A và chị B kết hôn với nhau có đăng kí kết hôn năm 2008 và sinh được cháu M vào năm 2010. Tháng 1 năm 2016 thì trong một lần tai nạn giao thông thì hai anh chị bị chết. Tháng 2 năm 2016, ông bà nội cháu M muốn đăng kí làm giám hộ cho M. Tuy nhiên, trong lúc đó ông bà ngoại của M cũng muốn làm người giám hộ cho M. Vậy trong trường hợp này thì công chức tư pháp – hộ tịch phải giải quyết như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền đăng kí giám hộ, thủ tục ra sao?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 60, Điều 61 “Bộ luật dân sự 2015”: Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
“1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.”
Điều 61. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:
1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.”
Như vậy, căn cứ Khoản 2 Điều 61 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về giám hộ đương nhiên, ông nội, bà nội sẽ được ưu tiên là người giám hộ.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Điều 21 Luật hộ tịch 2014: Đăng ký giám hộ đương nhiên:
* Hồ sơ:
– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu.
– Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
* Trình tự đăng ký giám hộ đương nhiên: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ , nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
* Thẩm quyền đăng ký giám hộ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.