Hiện nay, khi sử dụng đất trong một thời gian dài, nhiều người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của mình. Vậy, người sử dụng đất có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm không? Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là đất trồng cây hàng năm?
- 2 2. Đất trông cây hàng năm được chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất nào?
- 3 3. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm:
- 3.1 3.1. Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
- 3.2 3.2. Nộp hồ sơ tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
- 3.3 3.3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
- 3.4 3.4. Người yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả:
- 3.5 3.5. Người sử dụng đất làm thủ tục đăng ký biến động đất đai theo đúng mục đích đã chuyển đổi:
1. Thế nào là đất trồng cây hàng năm?
Đất trồng cây hàng năm là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp. Do đó, đất trông cây hàng năm mang đặc điểm chung của đất nông nghiệp và mang những đặc điểm riêng, đặc thù riêng của đất trồng cây hàng năm.
Căn cứ theo quy định ại mục 1.1.1 thuộc Phụ lục 1 được ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT thì đã quy định những loại đất trong những trường hợp sau được xác định là đất trông cây hàng năm:
– Được sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm;
– Đất trồng cây hàng năm bao gồm cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá năm (05) năm;
– Trường hợp trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất trồng cây hàng năm là loại đất nông nghiệp, bao gồm cả đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác. Trong đó:
– Đất trồng lúa được xác định là ruộng và nương rẫy trồng lúa từ một vụ trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính và trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo quy định tại Điều 4 của
– Đất trồng cây hàng năm khác được xác định là những loại đất trồng cây hàng năm không phải là đất dùng để trồng lúa như các loại cây rau, cây màu, mía, đay, đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc,…
2. Đất trông cây hàng năm được chuyển đổi mục đích sử dụng sang loại đất nào?
Pháp luật về đất đai hiện hành không quy định bắt buộc người sử dụng đất từ đất được sử dụng vào mục đích trồng cây hàng năm sang một loại đất cụ thể mà chỉ quy định các trường hợp người có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trường hợp phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
– Trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai:
+ Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
+ Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm.
– Trường hợp người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì người sử dụng đất phải được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ cho phép người sử dụng đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm dựa vào các căn cứ được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể như sau:
– Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Nhu cầu của người sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trên đây là hai căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép người sử dụng đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được dựa theo ý chí chủ quan của người ra quyết định cho phép.
3. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm:
Hiện nay, người sử dụng đất trồng cây hàng năm có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang loại đất khác như đất thổ cư, đất xây dựng chuồng tại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đất nuôi trồng thuỷ sản;… Tuỳ thuộc vào mục đích mà người sử dụng đất muốn chuyển đổi thì người sử dụng đất sẽ phải xin phép và có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không. Tuy nhiên, khi được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì người sử dụng đất sẽ thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm theo trình tự, thủ tục sau:
3.1. Người sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện theo mẫu số 01, được ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 1 Thông tư số 11/2022/TT-BTNMT;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ cũ) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng hiện nay) đã được cấp.
3.2. Nộp hồ sơ tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã nêu trên thì người sử dụng đất sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang mục đích khác mà mình mong muốn đến cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013, bao gồm: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Hiện nay, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đổi có thể thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nêu trên hoặc nộp thông qua đường bưu điện gửi tới địa chỉ của cơ quan Nhà nước đó hoặc có thể nộp hồ sơ thông qua Cổng dịch vụ công.
3.3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Cơ quan tài nguyên và môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã nêu tại mục 3.2 sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ nếu hồ sơ chưa bảo đảm tính hợp lệ và đầy đủ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người yêu cầu.
Khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thì cơ quan tài nguyên và môi trường thuộc cấp có thẩm quyền sẽ thực hiện những công việc sau:
– Xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
– Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
– Trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT;
– Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
3.4. Người yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả:
Người có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo hướng dẫn của cán bộ tài nguyên và môi trường.
Việc trả kết quả sẽ được giải quyết trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày cán bộ tài nguyên và môi trường nhận được hồ sơ hợp lệ. Tuy nhiên đối với các trường hợp thuộc các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hay vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn thì thời hạn giải quyết hồ sơ là không quá 25 ngày. Thời gian này không tính các ngày nghỉ, lễ và thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Kết quả nhận được là quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm gửi đến người sử dụng đất có yêu cầu.
3.5. Người sử dụng đất làm thủ tục đăng ký biến động đất đai theo đúng mục đích đã chuyển đổi:
Để hoàn tất quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo nhu cầu thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi rõ mục đích sử dụng đất theo đúng mục đích đã được cho phép chuyển đổi.
Để thực hiện đăng ký biến động đất đai thì người yêu cầu cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai thực hiện theo mẫu số 09/ĐK được ban hành kèm theo Thông tư số
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp;
– Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì người yêu cầu sẽ nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký biến động đất đai và nhận kết quả là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất đã chuyển đổi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường ban hành ngày 14/12/2018 Quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.