Nhìn chung thì sau nhiều năm thi hành, có thể thấy pháp luật về trách nhiệm bồi thường nói chung và trách nhiệm bồi thường trong thi hành án dân sự nói riêng đã từng bước phát huy được hiệu quả trên thực tế. Dưới đây là quy định của pháp luật về thủ tục chi trả tiền bồi thường trong thi hành án dân sự.
Mục lục bài viết
1. Thủ tục chi trả tiền bồi thường trong thi hành án dân sự:
1.1. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự là trách nhiệm pháp lý mà theo đó chủ thể gây thiệt hại về vật chất và tinh thần phải bù đắp tổn hại khi có hành vi trái pháp luật do bản thân mình gây ra. Nhìn chung thì quan hệ pháp luật xoay quanh vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, trong các quan hệ pháp luật, khách thể là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể pháp luật mong muốn đạt được khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Trong quan hệ pháp luật dân sự thì khách thể là đối tượng mà các chủ thể quan tâm hướng tới nhằm đạt được hoặc tác động vào khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự. Đối với quan hệ bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự thì khách thể chính là những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bao gồm cả những thiệt hại hữu hình và vô hình không thể đo đếm được.
Thứ hai, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm dân sự của người gây thiệt hại, theo những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện: có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại. Đối với hoạt động thi hành án dân sự thì trong một số trường hợp còn đặt ra yêu cầu phải xác định lỗi cố ý của người gây ra thiệt hại thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Thứ ba, phương thức bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự chỉ có hình thức bồi thường bằng tiền, trong khi phương thức bồi thường trong dân sự thông thường thì các bên có thể thỏa thuận về hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc khác tương ứng.
1.2. Thủ tục chi trả tiền bồi thường trong thi hành án dân sự:
Bước 1: Người yêu cầu bồi thường sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ phù hợp với quy định của pháp luật, thông thường sẽ bao gồm những loại giấy tờ cơ bản sau đây: Đơn yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật phù hợp về nội dung và hình thức, bản photo có công chứng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định hành vi trái pháp luật của chủ thể vi phạm.
Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Người bị thiệt hại có thể gửi thông qua nhiều hình thức khác nhau, có thể gửi trực tiếp đến bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi thông qua hệ thống bưu chính viễn thông. Khi nhận được hồ sơ của người yêu cầu bồi thường thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải tiến hành kiểm tra và đánh giá tính hợp lý của hồ sơ đó kèm theo những giấy tờ và tài liệu có liên quan, trường hợp hồ sơ không đủ thì chủ thể có thẩm quyền sẽ phải hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung sao cho hợp lý đáp ứng được quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải thụ lý và giải quyết yêu cầu bồi thường của chủ thể có yêu cầu. Sau khi được thụ lý đó thì người bị thiệt hại cũng sẽ phải cung cấp những chứng cứ cần thiết để chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp lý và chính đáng.
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành xác định thiệt hại trên thực tế của người bị thiệt hại. Đó có thể là thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về tinh thần hoặc thu nhập thực tế bị giảm sút hoặc bị mất. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp cần thiết để xác minh thiệt hại thực tế, nếu đã sử dụng hết các nghiệp vụ nhưng vẫn không thể xác minh được thiệt hại thực tế thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cần phải tiến hành trưng cầu giám định giá theo quy định của pháp luật. Thời điểm để giải quyết bồi thường theo yêu cầu của người bị hại chính là thời điểm người bị hại ký vào biên bản thương lượng lần cuối khi thương lượng việc giải quyết bồi thường.
Bước 4: Sau quá trình thương lượng giải quyết bồi thường thì trong thời hạn 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc thương lượng, chủ thể có thẩm quyền sẽ phải lập bản dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo lên cơ quan cấp trên xem xét về quyết định bồi thường đó. Sau khi xem xét thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ ban hành quyết định giải quyết bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 5: Tiến hành chi trả tiền bồi thường trên thực tế. Trong thời hạn năm ngày làm việc được tính kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường của thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện thủ tục chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Đó có thể là Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp (áp dụng trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp quản lý), Cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Quốc phòng (áp dụng trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan thi hành án dân sự do Bộ Quốc phòng quản lý).
2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại. Trong các văn bản hướng dẫn có liên quan cũng có quy định cụ thể về các trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án dân sự như sau:
– Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Tổng cục thi hành án dân sự thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là Tổng cục thi hành án dân sự;
– Trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại là công chức của Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh, Cục thi hành án Bộ Quốc phòng Thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc Cục thi hành án của Bộ Quốc phòng;
– Đối với trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại là công chức của Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện hoặc Phòng Thi hành án cấp quân khu thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện hoặc Phòng thi hành án cấp quân khu;
– Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự giao cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự mà với điện thoại trong phạm vi trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật hiện nay thì cơ quan thi hành án dân sự đó có trách nhiệm bồi thường;
– Ngoài ra đối với trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách hoặc sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể theo quy định của pháp luật thì cơ quan kế thừa chức năng nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trường hợp không có cơ quan nào kế thừa chức năng nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
– Đối với trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại;
– Đối với trường hợp có sự ủy quyền hoặc ủy thác thực hiện công vụ thì cơ quan hủy quyền hoặc cơ quan ủy thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, Đối với trường hợp cơ quan được ủy quyền hoặc cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền và ủy thác gây ra thiệt hại thì cơ quan này là cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường.
Có thể nhận thấy rằng theo cách tiếp cận của pháp luật về bồi thường thiệt hại hiện nay theo thủ tục thi hành án dân sự thì trách nhiệm bồi thường đã được xác định là trách nhiệm bồi thường của nhà nước nói chung, chứ không còn là trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước riêng lẻ như trước đây. Pháp luật hiện nay quy định mô hình bồi thường là mô hình cơ quan phân tán, theo đó trách nhiệm bồi thường sẽ do cơ quan chuyên trách thực hiện, mô hình này phù hợp với quy định của bộ luật dân sự và bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, bởi theo các văn bản đó thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại, hơn nữa tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý người thi hành công vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm của người thi hành công vụ nói chung.
3. Trách nhiệm hoàn trả trong thi hành án dân sự:
Trách nhiệm hoàn trả là một vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Pháp luật về dân sự hiện nay cũng quy định về nghĩa vụ hoàn trả vô cùng hợp lý, cụ thể là theo quy định của bộ luật dân sự hiện hành thì điều kiện để công chức phải hoàn trả số tiền mà cơ quan công quyền bỏ ra để bồi thường là đã có lỗi đối với việc gây thiệt hại trong khi thi hành công vụ và chức năng nhiệm vụ được giao. Để góp phần thúc đẩy ý thức trách nhiệm công vụ của người thi hành công vụ, bảo đảm lợi ích của nhà nước, thì pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã tiếp tục quy định về trách nhiệm hoàn trả nhưng đầy đủ và toàn diện cũng như chặt chẽ hơn. Mức độ hoàn trả được xác định căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ và mức độ thiệt hại đã gây ra cũng như điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;
– Nghị định 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.