Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định 94/2012/NĐ-CP được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được thực hiện như sau:
1. Trình tự thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp
* Bước 1: Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp lập 02 bộ Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, 01 bộ gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép, 01 bộ lưu tại doanh nghiệp.
* Bước 2: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở sản xuất xem xét và cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.
* Bước 3: Doanh nghiệp đề nghị cấp phép nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Lưu ý: Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có thời hạn 15 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 ngày, doanh nghiệp sản xuất rượu phải có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép để xem xét cấp lại.
2. Hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp
+ Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 39/2012/TT-BCT ngày 20/12/2012 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;
+ Bản sao Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có đăng ký ngành nghề kinh doanh sản xuất rượu hoặc đồ uống có cồn theo quy định và phù hợp với quy trình sản xuất) và Giấy chứng nhận mã số thuế;
+ Bản thuyết minh về quy trình sản xuất, cơ sở vật chất (nhà xưởng), máy móc thiết bị (bảng kê danh mục và công suất máy móc, thiết bị chuyên ngành cho các công đoạn chính như nấu, lên men, chưng cất, pha chế, chiết rót… phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất của cơ sở; thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn…);
+ Bảng kê diện tích, sơ đồ nhà xưởng, kho tàng, văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ;
+ Bản sao bằng cấp, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp và có giá trị,
+ Bản sao Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Liệt kê tên hàng hóa sản phẩm rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu mà doanh nghiệp dự kiến sản xuất;
+ Bản sao Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Cơ quan giải quyết
– Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên.
– Sở Công Thương địa phương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu tại địa phương có quy mô dưới 03 triệu lít/năm.
4. Thời gian giải quyết
– Tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
5. Lệ phí
– 200.000 đồng đối với khu vực thành phố trực thuộc trung ương và khu vực thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (theo điểm d khoản 1 Điều 2 Thông tư 77/2012/TT-BTC ngày 16/05/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh; phí thẩm định kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thương mại; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại và lệ phí cấp Giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hoá).
– 100.000 đồng đối với các khu vực còn lại (theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 77/2012/TT-BTC).