Quy định của pháp luật về thủ tục cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
1. Trình tự thủ tục:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại liên tỉnh (từ hai tỉnh trở lên) nộp 02 bộ hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Tổng cục Môi trường.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường tiếp nhận hồ sơ từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính để thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền. Cán bộ thụ lý kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo để yêu cầu tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ nếu chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
– Tổ chức, cá nhân gửi 02 bản kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo mẫu quy định đến Tổng cục Môi trường (có thể nộp cùng lúc với hồ sơ đăng ký hành nghề).
– Cơ quan cấp phép (Tổng cục Môi trường) gửi công văn tham khảo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có cơ sở xử lý chất thải nguy hại của đối tượng đăng ký hành nghề.
– Cơ quan cấp phép chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại của tổ chức, cá nhân đăng ký.
– Đối tượng đăng ký tạm thời được phép vận chuyển hoặc tiếp nhận chất thải nguy hại và vận hành thử nghiệm. Cơ quan cấp phép có thể đột xuất kiểm tra cơ sở và lấy mẫu giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm; Đối tượng đăng ký lập 02 bản báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo mẫu quy định gửi Tổng cục Môi trường.
– Cơ quan cấp phép tiếp thu ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương và đánh giá điều kiện hành nghề của đối tượng cấp phép.
– Cơ quan cấp phép thành lập Nhóm tư vấn kỹ thuật hoặc lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp không thành lập Nhóm tư vấn kỹ thuật (tùy chọn).
– Cơ quan cấp phép kiểm tra cơ sở xử lý, đại lý vận chuyển chất thải nguy hại của tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề và họp Nhóm tư vấn kỹ thuật (nếu có).
– Tổ chức, cá nhân đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại nộp 02 bộ hồ sơ đã chỉnh sửa, bổ sung cho cơ quan cấp phép sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu của Nhóm tư vấn kỹ thuật hoặc ý kiến tham vấn của các cá nhân, tổ chức, cơ quan cấp phép và cơ quan liên quan khác.
Bước 4: Ban hành quyết định cấp giấy phép
Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường trình lãnh đạo Tổng cục Môi trường ký ban hành Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại và mã số quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện
Bước 5: Trả kết quả theo giấy hẹn
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính chịu trách nhiệm trao bộ hồ sơ và Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (cấp lần đầu) cho tổ chức, cá nhân đăng ký.
2. Hồ sơ gồm có
– Hồ sơ kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị chuyên dụng đã đầu tư cho việc vận chuyển, xử lý và lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại;
– Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố;
– Bản mô tả các cơ sở xử lý và đại lý vận chuyển chất thải nguy hại đã đầu tư;
– Chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại;
– Hồ sơ kỹ thuật của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã đầu tư;
– Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường (tại cơ sở xử lý và các đại lý vận chuyển chất thải nguy hại;
– Kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, công nhân viên;
– Kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm cho cán bộ, công nhân viên;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ tương đương (đối với cơ sở xử lý và các đại lý vận chuyển chất thải nguy hại);
– Bản sao hồ sơ, giấy tờ đối với cơ sở xử lý và các đại lý vận chuyển chất thải nguy hại;
– Bản sao văn bản quy hoạch đã được phê duyệt hoặc văn bản của UBND cấp tỉnh chấp thuận về địa điểm cho hoạt động xử lý chất thải nguy hại đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong trường hợp chưa có quy hoạch;
– Hồ sơ nhân lực;
– Quy trình vận hành an toàn các phương tiện, thiết bị chuyên dụng;
– Kế hoạch xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động (toàn bộ hoặc một số đại lý vận chuyển chất thải nguy hại);
– Báo cáo các vấn đề khác trong việc thực hiện các nội dung của báo cáo ĐTM và yêu cầu của Quyết định phê duyệt hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế tương đương (các nội dung khác nằm ngoài phạm vi hoạt động quản lý chất thải nguy hại trong trường hợp báo cáo ĐTM cho dự án có thêm các hoạt động khác với quản lý chất thải nguy hại; giải trình các điểm thay đổi so với báo cáo ĐTM);
– Đơn đăng ký hành nghề quản lý chất thải nguy hại (cấp lần đầu);
– Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm;
– Mẫu văn bản chấp thuận kế hoạch thử nghiệm;
– Kế hoạch vận hành thử nghiệm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường.
4. Thời hạn giải quyết:
– Thời hạn kiểm tra và trả lời về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ: 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký;
– Thời hạn đánh giá sự đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ sửa đổi và trả lời đối tượng đăng ký: 5 ngày (Số lần thông báo không quá 03 lần, trừ những lần đối tượng đăng ký không tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ yêu cầu);
– Thời hạn xem xét Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại: 10 ngày;
– Thời hạn xem xét Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại sửa đổi: 5 ngày (Số lần thông báo không quá 02 lần, trừ những lần đối tượng đăng ký không tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ yêu cầu);
– Thời hạn ban hành văn bản chấp thuận Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại: 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc xem xét Kế hoạch vận hành thử nghiệm;
– Thời hạn Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn trả lời Tổng cục Môi trường về việc cấp Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho đối tượng đăng ký: 25 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Tổng cục Môi trường;
– Thời hạn đánh giá điều kiện hành nghề và cấp Giấy phép: 25 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đạt yêu cầu;
– Thời hạn đánh giá điều kiện hành nghề và cấp Giấy phép (trong trường hợp đối tượng đăng ký phải hoàn thiện yêu cầu theo thông báo của cơ quan cấp phép): 20 ngày kể từ khi nhận được báo cáo về việc hoàn thiện điều kiện, yêu cầu theo quy định kèm theo hồ sơ hoàn thiện;
– Thời hạn kiểm tra cơ sở xử lý, đại lý vận chuyển chất thải nguy hại (nằm trong thời hạn 25 ngày đánh giá điều kiện hành nghề theo quy định hoặc sớm hơn): không quá 02 ngày đối với một cơ sở xử lý hoặc đại lý vận chuyển.
5. Lệ phí: không có.