Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quy định thế nào?
Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quy định thế nào?
1.Tên thủ tục.
Cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
+Lĩnh vực: Di sản văn hóa.
+Cơ quan thục hiện: Cục di sản văn hóa.
+Cấp: Trung ương.
2. Cơ sở pháp lý.
– Luật di sản văn hóa hợp nhất năm 2013;
– Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2012;
– Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013.
3. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Chứng chỉ hành nghề cấp cho cá nhân có đủ điều kiện năng lực tương ứng với hoạt động xin đăng ký hành nghề theo quy định sau:
– Hành nghề lập quy hoạch di tích được cấp cho người đã có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích) do viện nghiên cứu, trường đại học có chức năng đào tạo chuyên ngành xây dựng, kiến trúc hoặc liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tổ chức; đã tham gia tư vấn lập ít nhất 03 (ba) quy hoạch di tích hoặc 05 (năm) dự án tu bổ di tích đã được phê duyệt;
– Hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hoặc người có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã tham gia tư vấn lập quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế – kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích ít nhất 03 (ba) di tích đã được phê duyệt;
– Hành nghề thi công tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng hoặc người có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã tham gia thi công ít nhất 03 (ba) công trình di tích được nghiệm thu và bàn giao;
– Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích được cấp cho người có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình; đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích; đã giám sát thi công ít nhất 03 (ba) công trình di tích được nghiệm thu và bàn giao.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ:
(1) Đơn xin cấp Chứng chỉ hành nghề (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích);
(2) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, hành nghề kỹ sư xây dựng, hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc liên quan đến hoạt động xin cấp Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
(3) Bản sao có công chứng hoặc chứng thực chứng chỉ hoặc chứng nhận tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức tu bổ di tích;
(4) Bản khai kinh nghiệm chuyên môn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích liên quan đến hoạt động xin cấp Chứng chỉ hành nghề (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích). Bản khai phải có xác nhận của tổ chức nơi người đó đã làm việc hoặc đang làm việc; người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận;
(5) 02 (hai) ảnh màu cỡ 3x4cm chụp trong năm đề nghị cấp.
– Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.
5. Trình tự thực hiện:
– Cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (sau đây gọi chung là Chứng chỉ hành nghề) nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa).
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ.
– Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề. Trường hợp không cấp phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
– Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 05 (năm) năm.
* Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa).
Thời hạn giải quyết: 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
* Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.
* Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Cơ quan trực tiếp thực hiện: Cục Di sản văn hóa.
* Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Chứng chỉ hành nghề.
* Lệ phí (nếu có): Thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm cấp Chứng chỉ hành nghề.