Thụ lý đơn khởi kiện, thời hạn thụ lý đơn khởi kiện. Thủ tục thụ lý vụ án dân sự?
Thụ lý đơn khởi kiện, thời hạn thụ lý đơn khởi kiện. Thủ tục thụ lý vụ án dân sự?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Tôi đến nộp đơn kiện trực tiếp tại toà án nhưng không nhận được bất cứ một loại giấy tờ gì để xác nhận việc toà đã nhận đơn. Khi tôi hỏi thì được thư ký trả lời "hồ sơ đã được vào sổ không mất đâu mà sợ". Sau đó tôi lại hỏi về 5 ngày toà thụ lý hồ sơ thì tôi lại nhận được câu trả lời là " đó là luật, còn toà có nhiều đơn của năm 2015 chưa giải quyết xong, khi nào giải quyết hết đơn của năm trước thì mới đến đơn năm 2016". Với trường hợp này có khi nào toà không thụ lý hồ sơ không và nếu hết thời gian khởi kiện thì người khởi kiện sẽ phải làm gì? Cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện dưới một trong các phương thức theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sau:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa;
+ Gửi đến Tòa án theo đường bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có);
Thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện theo Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:
– Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp
– Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
– Kết quả xử lý đơn của Thẩm phán quy định tại khoản 3 Điều này phải được ghi chú vào sổ nhận đơn và thông báo cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Và về nguyên tắc theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, với mọi trường hợp Tòa án phải thụ lý đơn của bạn và không có quyền từ chối. Khi thụ lý đơn, Tòa án phải có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Nếu tòa không cấp giấy xác nhận đã nhận đơn thì thủ tục của Tòa là không đúng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thời hiệu khởi kiện theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật dân sự 2005 là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Nếu hết thời hiệu khởi kiện thì bạn không có quyền khởi kiện nữa. Nếu muốn giải quyết vấn đề của bạn thì bạn có thể khởi kiện về mối quan hệ dân sự khác.