Thông tư liên tịch 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17 tháng 10 năm 2011 hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự
______________
Căn cứ Luật Nghĩa vụ Quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; đã được sửa đổi, bổ sung ngày 21 tháng 12 năm 1990; sửa đổi, bổ sung ngày 22 tháng 6 năm 1994; sửa đổi, bổ sung ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, bao gồm: Kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe, giám định sức khỏe và quản lý sức khỏe công dân Việt Nam trong độ tuổi được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ; quân nhân dự bị đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội (sau đây gọi tắt là quân nhân dự bị) và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khám sức khoẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe đối với đối tượng là quân nhân dự bị.
2. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với đối tượng là công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.
3. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với các đối tượng là công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự.
4. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận lại sức khỏe đối với đối tượng là chiến sĩ mới nhập ngũ.
5. Giám định sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để khám, kết luận về tình trạng sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.
6. Hồ sơ sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu về tình hình sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ, công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự và quân nhân dự bị, bao gồm phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự và các tài liệu liên quan đến sức khỏe.
7. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự là tài liệu y khoa tổng hợp những thông tin cơ bản về sức khỏe của công dân được gọi làm nghĩa vụ quân sự.
Điều 3. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Kinh phí bảo đảm cho việc khám sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, giám định sức khỏe, làm các xét nghiệm cho công dân thuộc diện thực hiện nghĩa vụ quân sự được sử dụng từ ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác quốc phòng – an ninh theo quy định hiện hành.
Chương II
KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Điều 4. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Nội dung kiểm tra sức khỏe:
a) Kiểm tra về thể lực.
b) Lấy mạch, huyết áp.
c) Phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa.
d) Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
2. Quy trình kiểm tra sức khỏe:
a) Căn cứ vào kế hoạch huấn luyện quân dự bị của Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương, lập danh sách các đối tượng được triệu tập tham gia huấn luyện dự bị động viên trên địa bàn được giao quản lý.
b)
c) Lập phiếu kiểm tra sức khỏe theo quy định tại mẫu 1 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Tổ chức kiểm tra sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra sức khỏe theo quy định tại mẫu 1a, 5a Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Tổ kiểm tra sức khỏe:
a) Tổ kiểm tra sức khỏe do Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) ra quyết định thành lập trên cơ sở lực lượng y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã), khi cần thiết có thể được tăng cường thêm lực lượng của Trung tâm y tế huyện. Tổ kiểm tra sức khỏe gồm ít nhất 3 người: 01 bác sĩ làm tổ trưởng và các nhân viên y tế khác.
b) Tổ kiểm tra sức khỏe có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra sức khỏe, lập phiếu kiểm tra sức khỏe và tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.
Luật sư
Điều 5. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Nội dung sơ tuyển sức khỏe:
a) Phát hiện những trường hợp không đủ sức khoẻ về thể lực, dị tật, dị dạng và những bệnh lý được miễn làm nghĩa vụ quân sự.
b) Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
2. Quy trình sơ tuyển sức khỏe:
a) Căn cứ vào kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương, lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn được giao quản lý.
b) Tổ chức sơ tuyển sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
c) Hoàn chỉnh và xác nhận tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình của công dân được gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Phần I mẫu 2 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
d) Lập danh sách những công dân mắc các bệnh thuộc diện miễn làm nghĩa vụ quân sự, báo cáo Hội đồng nghĩa vụ quân sự xã.
đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả sơ tuyển sức khỏe theo quy định tại mẫu 2, 5b Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Sơ tuyển sức khoẻ do lực lượng y tế xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế huyện.
Điều 6. Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
1. Nội dung khám sức khỏe:
a) Khám về thể lực; khám lâm sàng toàn diện các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Phần II, mẫu 2 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bao gồm cả xét nghiệm phát hiện ma túy.
c) Phân loại sức khỏe theo các quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Quy trình khám sức khỏe:
a) Lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện được gọi nhập ngũ đã qua sơ tuyển sức khỏe trên địa bàn được giao quản lý.
b) Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe;
c) Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
d) Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV đối với các trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ hàng năm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Việc xét nghiệm HIV phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.
đ) Hoàn chỉnh phiếu sức khỏe theo quy định tại Phần II mẫu 2 Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
e) Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe theo quy định tại mẫu 3a Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
a) Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hội đồng chuyên môn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định thành lập theo đề nghị của Phòng Y tế huyện; mỗi huyện có thể thành lập từ một đến hai hội đồng tùy theo địa bàn và số công dân cần khám.
b) Thành phần Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
– Thành phần tham gia Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện gồm các cán bộ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện đa khoa huyện, với sự tham gia của cán bộ chuyên môn Phòng Y tế, quân y Ban Chỉ huy quân sự huyện và các đơn vị có liên quan.
– Số lượng ủy viên Hội đồng, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để quyết định, nhưng phải triển khai được đủ số lượng và đảm bảo chất lượng các phòng khám theo các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 7 Điều này; trong đó phải có tối thiểu từ 3 – 5 bác sĩ. Khám về nội khoa, ngoại khoa phải do các bác sĩ nội khoa và ngoại khoa đảm nhiệm; các chuyên khoa khác, có thể bố trí bác sĩ hoặc y sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa đảm nhiệm. Hội đồng gồm:
+ 01 Chủ tịch: do Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện đảm nhiệm;
+ 01 Phó Chủ tịch;
+ 01 Ủy viên Thường trực kiêm Thư ký Hội đồng do cán bộ chuyên môn của Phòng Y tế đảm nhiệm;
+ Các uỷ viên khác.
4. Nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
a) Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự chịu trách nhiệm trước Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện về việc triển khai khám sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe cho từng công dân được gọi nhập ngũ.
b) Sau khi khám sức khỏe, tổng hợp báo cáo kết quả khám lên Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) theo quy định; bàn giao toàn bộ hồ sơ sức khỏe cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện (qua Phòng Y tế huyện).
5. Nguyên tắc làm việc của Hội động khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:
a) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số.
b) Trường hợp trong Hội đồng không thống nhất về phân loại và kết luận sức khỏe thì Chủ tịch Hội đồng ghi vào phiếu sức khỏe kết luận của đa số. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng. Những ý kiến không thống nhất phải được ghi đầy đủ vào biên bản, gửi lên Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện. Biên bản phải có chữ ký của từng ủy viên trong Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.