Thông tư 40/2014/TT-BTNMT ngày 11 tháng 7 năm 2014 quy định về hành nghề khoan nước dưới đất.
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC HÀNH NGHỀ KHOAN NƯỚC DƯỚI ĐẤT
Căn cứ Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan cấp phép và cơ quan tiếp nhận, thẩm định, quản lý hồ sơ cấp phép; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép; mẫu hồ sơ, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) hành nghề khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất (sau đây gọi chung là hành nghề khoan nước dưới đất) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan cấp phép và cơ quan tiếp nhận, thẩm định, quản lý hồ sơ cấp phép
1. Cơ quan cấp phép có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép theo thẩm quyền quy định tại Điều 11 của Thông tư này;
b) Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của chủ giấy phép quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
2. Cơ quan tiếp nhận, thẩm định, quản lý hồ sơ cấp phép (sau đây gọi chung là cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép) có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
a) Hướng dẫn thủ tục cấp phép; tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép theo quy định tại các Điều 13, 14 và 15 của Thông tư này;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ khi hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ theo quy định;
c) Thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép, nêu rõ lý do trong trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép;
d) Trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định hồ sơ cấp phép;
đ) Tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động khoan nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo, tập huấn;
e) Công bố danh sách các tổ chức, cá nhân hành nghề được cấp phép và tổ chức, cá nhân hành nghề vi phạm các quy định của giấy phép trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này hoặc trên trang thông tin điện tử của địa phương đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này;
g) Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy phép.
Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của chủ giấy phép
1. Chủ giấy phép có các quyền sau đây:
a) Hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất trên phạm vi cả nước theo yêu cầu của khách hàng;
b) Tham gia đấu thầu thi công các công trình khoan điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác nước dưới đất (sau đây gọi chung là công trình khoan nước dưới đất) theo quy định của pháp luật;
c) Được Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp quy định trong giấy phép;
d) Đề nghị cơ quan cấp phép gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại giấy phép theo quy định;
đ) Khiếu nại, khởi kiện các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp trong việc hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật.
2. Chủ giấy phép có các nghĩa vụ sau đây:
a) Hành nghề khoan nước dưới đất theo đúng nội dung được ghi trong giấy phép và các quy định có liên quan của pháp luật về tài nguyên nước;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;
c) Tuân thủ quy trình kỹ thuật khoan và các quy định về bảo vệ nước dưới đất; bảo đảm người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trong thời gian thi công khoan và lắp đặt giếng khoan; trường hợp gây sụt lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình thì phải ngừng ngay việc thi công và xử lý, khắc phục kịp thời, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về người và tài sản do sự cố gây ra, báo cáo ngay tới chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường sở tại và cơ quan cấp phép;
d) Thông báo bằng văn bản về vị trí, quy mô công trình khoan nước dưới đất và thời gian dự kiến thi công cho Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình chậm nhất là bảy (07) ngày làm việc trước khi thi công;
đ) Nộp phí thẩm định hồ sơ và lệ phí cấp phép;
e) Cung cấp đầy đủ và trung thực dữ liệu, thông tin về công trình khoan nước dưới đất đã thi công khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
g) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp phép và cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép đối với trường hợp có sự thay đổi về người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, nội dung đăng ký hoạt động kinh doanh hoặc nhiệm vụ được giao theo quyết định của cấp có thẩm quyền so với hồ sơ đề nghị cấp phép. Thời gian thông báo chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày có sự thay đổi. Trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật thì thông báo phải kèm theo giấy tờ chứng minh năng lực của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này;
h) Trả lại giấy phép cho cơ quan cấp phép trong trường hợp không sử dụng. Chủ giấy phép đã trả lại giấy phép chỉ được xem xét cấp giấy phép mới (nếu có nhu cầu) sau một (01) năm, kể từ ngày trả lại giấy phép;
i) Hằng năm, trước ngày 15 tháng 11, tổng hợp các công trình khoan nước dưới đất (theo Mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này) báo cáo cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất
1. Quy mô hành nghề khoan nước dưới đất được quy định như sau:
a) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 milimét và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm;
b) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm;
c) Hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn gồm các trường hợp không quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.
2. Công trình quy định tại Khoản 1 Điều này là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan nằm trong một khu vực thăm dò, khai thác nước dưới đất và khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1000 mét, thuộc sở hữu của một tổ chức hoặc cá nhân; lưu lượng của một công trình là tổng lưu lượng của các giếng khoan thuộc công trình đó.
3. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất ở quy mô nào thì được phép hành nghề ở quy mô đó và các quy mô nhỏ hơn; được hành nghề khoan, lắp đặt các lỗ khoan, giếng khoan điều tra, khảo sát để phục vụ mục đích nghiên cứu, đánh giá, quan trắc nước dưới đất và các mục đích khác, có đường kính tương đương với quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 6. Điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất
Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có quyết định thành lập tổ chức của cấp có thẩm quyền hoặc một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình do cơ quan có thẩm quyền cấp (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), trong đó có nội dung hoạt động liên quan đến ngành nghề khoan nước dưới đất.
2. Người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề (sau đây gọi chung là người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật) phải am hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ nước dưới đất và đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất hai (02) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên và có ít nhất bốn (04) năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất năm (05) công trình khoan nước dưới đất.
Trường hợp không có một trong các văn bằng quy định nêu trên thì phải có ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề, đã trực tiếp thi công ít nhất mười (10) công trình khoan nước dưới đất và phải có chứng nhận đã qua khóa đào tạo, tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
b) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất năm (05) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm trở lên.
c) Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn:
Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất bảy (07) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất ba (03) công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3000 m3/ngày đêm trở lên.
d) Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề hoặc có
3. Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm có tính năng kỹ thuật phù hợp, đáp ứng yêu cầu đối với quy mô hành nghề và an toàn lao động theo quy định hiện hành.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568