Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn về thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế bằng phương thức giao dịch điện tử bao gồm:
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/ 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/02/2007; Nghị định số 170/2013/NĐ-CPngày 13/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn về:
a) Thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế bằng phương thức giao dịch điện tử bao gồm: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và tiếp nhận các hồ sơ, văn bản khác của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
b) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử bao gồm: tra cứu thông tin của người nộp thuế, gửi các thông báo của cơ quan thuế đối với người nộp thuế.
c)Tiêu chí lựa chọn, thủ tục, trình tự ký thỏa thuận với tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
2. Thông tư này không điều chỉnh việc thực hiện giao dịch điện tử về thuế đối với hàng hóa ở khâu xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người nộp thuế theo quy định tại Điều 2
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3.Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này.
2. Chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương thức điện tử để thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và tra cứu thông tin của người nộp thuế, thông báo của cơ quan thuế đối với người nộp thuế. Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như chứng từ giấy.
3. Mã giao dịch điện tử là một dãy các ký tự được tạo theo một nguyên tắc thống nhất để ghi nhận chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.Mã giao dịch điện tử là duy nhất để nhận biết, xác định, tra cứu theo từng chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế,được Tổng cục Thuế quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
4. Tài khoản giao dịch thuế điện tử là tên và mật khẩu được cấp cho người nộp thuế để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếkhi thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và tra cứu các hồ sơ, chứng từ, thông báo đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
5. Mã xác thực giao dịch điện tử là mật khẩu dùng một lần được sử dụng khi người nộp thuế là cá nhân (trường hợp chưa được cấp chứng thư số) thực hiện giao dịch điện tử. Mật khẩu này được gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếqua “tin nhắn”đến số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế.
6. Dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi là dịch vụ T-VAN) là dịch vụ truyền, nhận, lưu trữ, phục hồi thông điệp dữ liệu điện tử về thuế giữa người nộp thuế và cơ quan thuế để thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
7. Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN: là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được Tổng cục Thuế ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
8. Ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
9. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: là điểm truy cập tập trung, tích hợp các thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan thuế trên nền tảng Web.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
1. Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.
2. Người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế theo phạm vi quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.
4. Mọi thông báo của cơ quan thuế từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được gửi đến địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế, đồng thời được lưu trữ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Người nộp thuế có thể tra cứu các thông báo qua tài khoản giao dịch thuế điện tử hoặc mã giao dịch điện tử do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.
Điều 5. Điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế
Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, trừ một số trường hợp sau:
a) Người nộp thuế là cá nhân được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử trong trường hợp chưa được cấp chứng thư số.
b) Người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
c) Người nộp thuế khi thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử bằng giao dịch với ngân hàng thông qua các hình thức thanh toán điện tử (Internet, Mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác) mà ngân hàng có quy định khác.
2. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động(đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế (trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử qua hình thức nộp thuế điện tử với ngân hàng mà ngân hàng có quy định khác).
3. Người nộp thuế được đăng ký nhiều chứng thư số cho một hoặc nhiều thủ tục hành chính thuế; đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử; đăng ký một số điện thoại di động để nhận mã xác thực giao dịch điện tử qua “tin nhắn”; đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế. Ngoài ra, với mỗi thủ tục hành chính thuế người nộp thuế được đăng ký thêm một địa chỉ thư điện tử.
Điều 6. Sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử
1. Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Người nộp thuế ký hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế với đại lý thuế thì đại lý thuế sử dụng chứng thư số của đại lý thuế để ký trên các chứng từ điện tử của người nộp thuế khi giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Người nộp thuế là cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do hệ thống của cơ quan thuế hoặc hệ thống của các cơ quan có liên quan đến giao dịch điện tử cấp.
2. Cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng khi thực hiện giao dịch điện tử theo quy định tại Thông tư này phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp,cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
3. Việc sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử trên đây được gọi chung là ký điện tử.
Điều 7. Chứng từ điện tử
1. Chứng từ điện tử gồm:
a) Hồ sơ thuế điện tử: hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ, báo cáo khác về thuế dưới dạng điện tử được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
b) Chứng từ nộp thuế điện tử: giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.
c) Các văn bản, thông báo khác của cơ quan thuế, người nộp thuế dưới dạng điện tử.