Thời hạn kháng cáo kháng nghị trong tố tụng dân sự là một vấn đề quan trọng đối với kháng nghị đối với bản án sơ thẩm trên một cấp cap hơn là cấp phúc thẩm. Vậy Kháng nghị là gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thời hạn kháng cáo kháng nghị trong tố tụng dân sự:
- 2 2. Thủ tục, thời hạn kháng cáo quyết định, bản án dân sự:
- 3 3. Thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự ở tòa án phúc thẩm:
- 4 4. Xử lý khi đương sự rút đơn kháng cáo:
- 5 5. Quyết định của tòa phúc thẩm khi người kháng cáo chết:
- 6 6. Bị đơn bị thua kiện có quyền kháng cáo không?
1. Thời hạn kháng cáo kháng nghị trong tố tụng dân sự:
Kháng cáo kháng nghị là quyền đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại bản án hay quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của những người tham gia tố tụng và Viện Kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm được quy định củ thể trong
Điều 273
“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
3. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.“
Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng nghị như sau:
“1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
3. Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do.“
Ngoài ra, Điều 4 Nghị quyết số: 06/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn củ thể như sau:
“1. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm.
2. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án, trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án sơ thẩm trong trường hợp Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm.
Ví dụ: Ngày 01-10-2013, Toà án xét xử sơ thẩm vụ án dân sự và cùng ngày 01-10-2013 Toà án tuyên án, thì ngày được xác định và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị như sau:
– Đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 01-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 02-10-2013.
– Đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm và giả sử ngày 15-10-2013 Toà án cấp sơ thẩm mới giao bản án sơ thẩm cho đương sự, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 16-10-2013; nếu Toà án cấp sơ thẩm không thể giao trực tiếp bản án sơ thẩm cho đương sự mà phải niêm yết công khai và giả sử ngày niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của đương sự là ngày 15-10-2013, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo mười lăm ngày là ngày 16-10-2013.
– Trường hợp đại diện Viện kiểm sát cùng cấp có tham gia phiên toà sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 01-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị mười lăm ngày (đối với Viện kiểm sát cùng cấp), ba mươi ngày (đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là ngày 02-10-2013.
– Trường hợp đại diện Viện kiểm sát cùng cấp không tham gia phiên toà sơ thẩm và giả sử ngày 15-10-2013 Viện kiểm sát cùng cấp mới nhận được bản án của Toà án cấp sơ thẩm, thì ngày được xác định là ngày 15-10-2013 và thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị mười lăm ngày (đối với Viện kiểm sát cùng cấp), ba mươi ngày (đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp) là ngày 16-10-2013.
Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Thời điểm bắt đầu thời hạn kháng cáo, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày người có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.
a) Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành tại phiên toà sơ thẩm và Hội đồng xét xử giao ngay quyết định này cùng ngày cho đương sự có mặt tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà (nếu có), thì ngày được xác định là ngày ban hành quyết định đó. Nếu ngày giao quyết định không cùng với ngày ban hành quyết định, thì ngày được xác định là ngày giao quyết định cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.
b) Trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án được ban hành trước khi mở phiên toà sơ thẩm hoặc tại phiên toà sơ thẩm mà đương sự vắng mặt, thì ngày được xác định đối với đương sự là ngày quyết định đó được giao hoặc được niêm yết; đối với Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp là ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định đó.
Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị
Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.
Ví dụ: Thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày được tính bắt đầu từ ngày 02-10-2013. Theo quy định tại khoản 1 Điều 245 của BLTTDS, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày (đối với đương sự có mặt tại phiên toà) kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 16-10-2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ). Giả sử, ngày 16-10-2013 là ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 17-10-2013 (nếu không đúng vào ngày nghỉ cuối tuần); giả sử sau ngày nghỉ lễ (17-10-2013), ngày 18-10-2013 đúng vào ngày thứ bảy, thì thời hạn kháng cáo mười lăm ngày kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ ngày 20-10-2013.
Trường hợp Tòa án phải tiến hành ủy thác tư pháp để tống đạt bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm cho đương sự đang cư trú ở nước ngoài thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo, kháng nghị là ngày nhận được ủy thác tư pháp, ngày nhận được ủy thác tư pháp được xác định theo quy định của pháp luật về ủy thác tư pháp”.
2. Thủ tục, thời hạn kháng cáo quyết định, bản án dân sự:
Kháng cáo bản án, quyết định là quyền của đương sự, người đại diện theo pháp luật của họ. Ngoài ra, trong một số trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Người có quyền kháng cáo: (Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
– Đương sự, người đại diện hợp pháp của họ
– Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thời hạn kháng cáo: (Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015).
– Đối với bản án:
+ Đương sự có mặt tại phiên tòa: 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
+ Đương sự vắng mặt tại phiên tòa: 15 ngày tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
– Đối với quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án: 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
– Nếu đơn kháng cáo gửi qua đường bưu điện thì ngày kháng cáo được tính từ ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
– Việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận nếu có lý do chính đáng
Đơn kháng cáo: (Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
– Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
+ Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
+ Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
– Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm.
– Nếu đơn kháng cáo gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi kèm hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.
– Kèm theo đơn kháng cáo là tài liệu, chứng cứ bổ sung, nếu có để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
3. Thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự ở tòa án phúc thẩm:
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo của đương sự ở tòa án phúc thẩm được quy định ở đâu và cụ thể ra sao?
Luật sư tư vấn:
Cần phải nói qua, cấp xét xử phúc thẩm là việc xét xử lại bản án chưa có hiệu lực của tòa án cấp dưới sau khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm. Và lúc này, nếu đương sự vẫn tồn tại những nguyện vọng, đòi hỏi về quyền và lợi ích cần phải được thực hiện bởi bên chủ thể còn lại mà theo bản án giải quyết chưa thỏa đáng. Đương sự lúc này có thể kháng cáo, và việc kháng cáo này cũng có thể được thay đổi, bổ sung trong giai đoạn phiên tòa phúc thẩm.
Khoản 1 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo ở tòa án phúc thẩm như sau:
“1. Trường hợp chưa hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 273 của Bộ luật này thì người đã kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu.
Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật này thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.
2. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
3. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.
Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.
Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
4. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị, thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.”
Như vậy, nếu vẫn còn thời hạn kháng cáo thì người kháng cáo (trong đây bao gồm cả đương sự) có quyền thay đổi nội dung kháng cáo đối với phần bản án, hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo. Trường hợp tiếp theo là nếu thời hạn kháng cáo đã hết thì trước khi bắt đầu phiên tòa, tại phiên tòa, người kháng cáo có thể trình bày việc thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo nhưng không sẽ không được vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho Tòa trong thời hạn kháng cáo. Điều này là phù hợp vì ở đây đã loại trừ đi trường hợp không có kháng cáo trong thời hạn kháng cáo. Bởi điểm mấu chốt của xét xử phúc thẩm là có yêu cầu kháng cáo, kháng nghị và bản án chưa có hiệu lực. Như vậy, lúc này, dù đã có kháng cáo, nhưng sau khi hết hạn kháng cáo và sắp đưa ra xét xử phiên tòa phúc thẩm, tuy hết thời gian kháng cáo nhưng lúc này đương sự vẫn có thể thay đổi được nội dung kháng cáo; tuy nhiên, vẫn để đảm bảo tính chất lượng trong làm việc và xét xử, tòa phúc thẩm sẽ chỉ xét xử những kháng cáo bị thay đổi nhưng không vượt quá phạm vi đã được kháng cáo trong thời hạn luật định cho kháng cáo.Như vậy, quyền thay đổi yêu cầu của đương sự trước khi mở phiên tòa sơ thẩm rộng hơn quyền thay đổi kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm.
Cũng trong quy định tại Điều 11 của Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP thì khoản 1 có nêu rõ:
“1. Về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS, thì người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp người kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.
b) Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 245 và Điều 252 của BLTTDS, thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị.”
Như vậy, pháp luật không giới hạn việc thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo của người kháng cáo trong thời hạn kháng cáo, cụ thể là theo khoản 1 Điều 11 nghị quyết này thừa nhận việc kháng cáo có thể rút 1 phần hay toàn bộ sau đó kháng cáo lại, thay đổi nhiều lần vẫn có thể được chấp nhận nếu còn thời gian kháng cáo. Sau khi hết thời hạn này, thì phạm vi thay đổi sẽ chỉ còn trong phạm vi đã kháng cáo.
4. Xử lý khi đương sự rút đơn kháng cáo:
Căn cứ theo Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án:
“1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này;
b) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;
c) Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, sẽ có hai trường hợp rút đơn kháng cáo là trước phiên tòa phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm.
Trường hợp thứ nhất, đương sự rút đơn kháng cáo trước phiên tòa phúc thẩm. Khi đó, nếu người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án sơ thẩm có hiệu lực ngày tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo, kháng nghị đó.
Trường hợp thứ hai, người kháng cáo rút đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Khi đó, nếu người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, và bản án sơ thẩm có hiệu lực từ ngày tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định việc người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.
5. Quyết định của tòa phúc thẩm khi người kháng cáo chết:
Quyết định của tòa phúc thẩm khi người kháng cáo chết:
– Trường hợp: quyền và nghĩa vụ của người kháng cáo không được được thừa kế (đối với tranh chấp về quan hệ nhân thân)
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Trong đó điểm a khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
“a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;”
Như vậy nếu người kháng cáo chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án.
– Trường hợp quyền và nghĩa vụ của người kháng cáo được thừa kế (đối với tranh chấp về quan hệ tài sản)
+ Nếu xác định được người thừa kế thì người thừa kế tham gia vào việc xét xử phúc thẩm.
+ Nếu chưa xác định được người thừa kế thì tạm đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án
+ Trường hợp không có người thừa kế vẫn đưa vụ án ra xét xử bình thường và tài sản của người kháng cáo đã chết đó thuộc về nhà nước theo quy định tại Điều 622
“Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế
Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.”
6. Bị đơn bị thua kiện có quyền kháng cáo không?
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện gia đình tôi đang là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp đất đai tại quận Bình Tân. Nếu gia đình thua kiện thì có xin phúc thẩm được không? Luật sư của tôi nói rằng khi Tòa xử bên nguyên đơn thắng kiện thì sẽ không cho gia đình tôi phúc thẩm lại hoặc đưa lên Tòa án cấp cao hơn. Xin Luật sư tư vấn giúp!
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Điều 270 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: ‘Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.’
Thứ hai, Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định người có quyền kháng cáo gồm: ‘Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.’
Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định đương sự trong vụ việc dân sự gồm:
“1. Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”
Như vậy, trong trường hợp gia đình bạn vẫn chưa có kết quả xét xử sơ thẩm, nếu sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bạn thua kiện, không đồng ý với quyết định giải quyết sơ thẩm, gia đình bạn là bị đơn vẫn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại. Tuy nhiên, nếu kháng cáo phải đảm bảo trong thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm được quy định tại Khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.