Thời gian nâng bậc lương khi chuyển ngạch. Quy định về việc nâng bậc lương thường xuyên.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tôi đang hưởng lương ngạch cán sự, bậc 9/12, hệ số 3.46; Thời gian tính nâng bậc lương lần sau là ngày 01/11/2018. Nay được chuyển ngạch sang Chuyên viên (Quyết định 03/2018). Vậy xin hỏi khi chuyển ngạch chuyên viên thì được hưởng hệ số là bao nhiêu? Thời gian tính nâng bậc lương lần sau được tính từ năm nào? Xin cảm ơn VP luật Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Thông tư 02/2007/TT- BNV ngày 25 tháng 05 năm 2007
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì hiện nay, bạn được chuyển từ ngạch cán sự sang chuyên viên theo Quyết định nâng ngạch từ 03/2018. Trong trường hợp này, bạn đã được nâng ngạch từ cán sự lên chuyên viên. Để xác định xác định bậc lương cũng như thời gian tính nâng bậc lương sau khi được chuyển từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc xác định hệ số lương sau khi được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên chuyên viên.
Trước khi được nâng ngạch lên ngạch chuyên viên, bạn đang hưởng lương với ngạch cán sự, bậc 9/12, hệ số 3,46. Bạn được xác định là công chức loại B, được xếp lương theo Bảng 2 – Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ – CP của Chính phủ.
Khi bạn được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên, thì chuyên viên được xác định là công chức loại A1, là đối tượng áp dụng việc xếp lương theo Bảng 2- Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ- CP.
Về việc chuyển xếp lương, bậc lương khi bạn được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2007/TT- BNV. Cụ thể tại khoản 1 mục II Thông tư 02/2007/TT- BNV có quy định về việc xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức cụ thể như sau:
“II. CÁCH XẾP LƯƠNG
1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức :
a) Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký
quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày kýquyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
b) Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
…
c) Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm c này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới.”
Xem xét trong trường hợp của bạn, như đã phân tích, bạn là công chức, và khi đang ở ngạch cán sự thì bạn được xếp lương ở bậc 9/12, tức là xếp lương ở bậc 9 trong 12 bậc lương quy định tại Bảng 2 – Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 204/2004/NĐ – CP của Chính phủ. Có thể thấy, ở ngạch cán sự, bạn chưa được xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch nên không đáp ứng điều kiện để được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ- CP của Chính phủ.
Do vậy, khi bạn được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên ngạch chuyên viên, tức là được nâng ngạch từ công chức loại B lên công chức loại A1. Trong trường hợp này, khi xếp lương, bậc lương khi nâng ngạch từ ngạch cán sự lên chuyên viên, thì theo quy định tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT- BNV, căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ, bạn sẽ được xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Mà ở ngạch cũ (tức ngạch cán sự – công chức loại B), bạn đang được hưởng lương với hệ số lương là 3,46, nên khi xếp lương sau khi nâng ngạch lên chuyên viên, căn cứ vào thang bảng lương số 2 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ- CP, bạn sẽ được xếp vào hệ số lương là 3,66, tương ứng với bậc 5 ở ngạch mới (ngạch chuyên viên – công chức loại A1). Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên, tức là từ tháng 3 năm 2018.
Thứ hai, về việc xác định thời gian tính nâng bậc lương sau khi được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên chuyên viên.
Về thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới sau khi được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên chuyên viên được xác định theo quy định tại điểm a Khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT – BNV trích dẫn ở trên, theo đó:
Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngạch xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ. Cụ thể:
Xem xét trong trường hợp của bạn, ở ngạch cũ – ngạch cán sự bạn được xếp với hệ số lương 3,46. Sau khi được nâng ngạch lên chuyên viên, thì ở ngạch mới – ngạch chuyên viên, bạn có thể được xếp với hệ số lương 3,66. Chênh lệch hệ số lương khi được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ được xác định bằng 0,2.
Trong khi đó, ở ngạch cũ – ngạch cán sự, chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ được xác định như sau: ví dụ lấy bậc 9 (hệ số lương là 3,46) và bậc 10 (hệ số lương là 3,66) của ngạch cán sự, áp dụng theo Bảng lương số 2 Ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ- CP thì chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ được xác định bằng 0,2.
Qua phân tích, có thể thấy, chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở được xếp ở ngạch mới (ngạch chuyên viên) so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ (ngạch cán sự) bằng chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, nên căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT – BNV thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên, tức là được tính từ tháng 3/2018.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên, sau khi bạn được nâng ngạch từ ngạch cán sự lên chuyên viên thì bạn sẽ được xếp lương ở ngạch mới với hệ số lương 3,66; bậc 5/12. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên, tức là được tính từ tháng 3/2018.