Thỏa thuận rút ngắn thời gian làm việc có được không? Quy định về thời giờ làm việc, thời gian làm việc bình thường của người lao động.
Thỏa thuận rút ngắn thời gian làm việc có được không? Quy định về thời giờ làm việc, thời gian làm việc bình thường của người lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin phép được về sớm 60 phút vào giờ làm việc cuối ngày. Thời gian nghỉ sớm này xin được trừ vào ngày nghỉ phép hằng năm. Lý do về sớm: Hoàn cảnh gia đình rất neo đơn, tôi vừa phải đi làm, vừa phải đưa đón các con đi học đúng giờ (Trường quy định thời gian đón trẻ từ 16h – 16h30”, cơ quan xa trường khoảng 15 km; chồng làm xa, không ở nhà). Như vậy có thể được hay không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
“Bộ luật lao động 2019” quy định về thời giờ làm việc và chế độ nghỉ hàng năm như sau:
Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 111. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
Điều 112. Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc
Cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Như vậy, thời gian làm việc hàng ngày không quá 8 giờ, tức người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận về thời gian làm việc ít hơn 8 giờ một ngày. Và theo quy định được trích dẫn nêu trên, thời gian làm việc không đồng nhất với ngày nghỉ hàng năm, nên theo “Bộ luật lao động 2019” thì không có quy định về việc bù trừ thời gian làm thiếu trong ngày với thời gian nghỉ hàng năm. Trong trường hợp của bạn, bạn cần phải thương lượng, thỏa thuận lại với người sử dụng lao động để điều chỉnh thời gian làm việc của bạn sao cho phù hợp với công việc và nhu cầu, lợi ích của hai bên.