Hình phạt tử hình được xem là loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì vậy nó chỉ có thể áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và không có khả năng khắc phục sai lầm. Vậy thi hành án tử hình đối với người nước ngoài được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thi hành án tử hình đối với người nước ngoài thế nào?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 có quy định về vấn đề thi hành án tử hình. Theo đó, thi hành án tử hình là khái niệm để chỉ hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thi hành án tử hình thực hiện các thủ tục trước bỏ đi tính mạng của người bị kết án tử hình, theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại Điều 82 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 có quy định, thi hành án tử hình hiện nay sẽ được áp dụng bằng hình thức tiêm thuốc độc, quy trình tiêm thuốc độc sẽ được thực hiện theo quyết định cụ thể của Chính phủ. Như vậy có thể nói, Việt Nam hiện nay chỉ có một hình thức thi hành án tử hình thứ nhất đó là tiêm thuốc độc. Vì vậy, người nước ngoài bị áp dụng hình thức thi hành án tử hình khi phạm tội tại Việt Nam cũng sẽ bị thực hiện bằng biện pháp tiêm thuốc độc.
Pháp luật hiện nay chưa có một điều luật cụ thể nào quy định về thủ tục đối với quá trình thi hành án tử hình dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên, có thể áp dụng thủ tục thi hành án tử hình được quy định cụ thể tại Chương IV Luật thi hành án hình sự năm 2019. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, chủ thể có thẩm quyền đó là Chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình đối với người phạm tội. Sau khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cần phải có văn bản yêu cầu viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp, yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự thuộc công an cấp tỉnh hoặc thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cử đại diện lãnh đạo để tham gia vào Hội đồng thi hành án tử hình. Quá trình thi hành án tử hình đối với người nước ngoài cần phải tuân thủ đầy đủ theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc, Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình cần phải ra quyết định thành lập hội đồng thi hành án tử hình để thi hành án đối với người nước ngoài phạm tội và tuyên phạt theo pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, cũng cần phải áp dụng những quy định riêng biệt trong quá trình thi hành án tử hình đối với người nước ngoài. Đối với thủ tục nhận tử thi, tro cốt và hài cốt của người nước ngoài bị thi hành án tử hình, được thực hiện theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Thông tư liên tịch 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo đó:
– Đơn xin nhận tử thi, đơn xin nhận tro cốt, nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình hiện nay đang được thực hiện theo mẫu số 01, mẫu số 02, mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC;
– Trong trường hợp người bị thi hành án tử hình được xác định là người mang quốc tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì việc thông báo làm đơn xin nhận tử thi cần phải được thực hiện theo quy định tại Điều 83 của Luật thi hành án hình sự;
– Trong trường hợp người bị thi hành án tử hình được xác định là công dân mang quốc tịch nước ngoài, thì cơ quan có thẩm quyền đó là Chánh án tòa án ra quyết định thi hành án cần phải thông báo bằng văn bản cho Cục lãnh sự Bộ ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ ngoại giao ủy quyền để có thể đề nghị lên cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch, sau đó cơ quan đại diện của nước người phải thi hành án tử hình mang quốc tịch sẽ trực tiếp liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình trên lãnh thổ của Việt Nam, để thân nhân biết từ đó làm đơn xin nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình. Thông báo nêu rõ nhân thân, nơi quản lý giam giữ của người bị thi hành án tử hình, địa chỉ liên lạc, các tài liệu và giấy tờ có liên quan, ấn định thời gian trả lời. Sau khi chủ thể có thẩm quyền là Chánh án tòa án đã ra thông báo, tuy nhiên không nhận được đơn xin tử thi của thân nhân, người đại diện hợp pháp hoặc văn bản trả lời của cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình đó đã từ chối nhận tử thi của người chết.
2. Thủ tục thi hành án tử hình đối với người nước ngoài:
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 của Luật thi hành án hình sự năm 2019, trình tự và thủ tục thi hành án tử hình được áp dụng như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục áp giải người chấp hành án tử hình. Căn cứ vào quyết định thi hành án tử hình và căn cứ vào yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, các lực lượng cảnh sát thi hành án tử hình và lực lượng hỗ trợ tư pháp sẽ áp giải người phải thi hành án tử hình đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.
Bước 2: Tiến hành thực hiện yêu cầu của hội đồng thi hành án tử hình. Các cán bộ chuyên môn thuộc công an nhân dân và các cán bộ chuyên môn thuộc Quân đội nhân dân sẽ tiến hành hoạt động lăn tay, kiểm tra đối chiếu với hồ sơ tài liệu có liên quan, chụp ảnh và ghi hình quá trình thực hiện thủ tục lăn tay, lập biên bản, báo cáo với Hội đồng thi hành án tử hình về kết quả kiểm tra.
Bước 3: Công bố quyết định thi hành án tử hình. Chủ tịch của hội đồng thi hành án tử hình sẽ thực hiện hoạt động công bố đối với quyết định thi hành án tử hình, quyết định không kháng nghị của tòa án nhân dân tối cao, và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không chấp nhận kháng nghị của tòa án nhân dân tối cao hoặc không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, quyết định của Chủ tịch nước về việc bác đơn xin giảm hình phạt tử hình.
Bước 4: Người chấp hành án tử hình sẽ tự đọc quyết định. Ngay sau khi chủ tịch của hội đồng thi hành án tử hình công bố các quyết định nêu trên, người chấp hành án tử hình sẽ tự đọc quyết định thi hành án tử hình của mình. Trong trường hợp người chấp hành án tử hình không biết chữ, không biết tiếng Việt, không thể tự mình đọc được thì hội đồng thi hành án tử hình sẽ chỉ người đọc và phiên dịch các quyết định đó cho người thi hành án tử hình nghe.
Bước 5: Thi hành án. Sau đó tiến hành hoạt động bảo quản tử thi, tổ chức mai táng cho người bị thi hành án tử hình. Thông báo cho thân nhân của người thi hành án tử hình. Trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự thuộc công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sẽ thông báo bằng văn bản cho thân nhân của người thi hành án biết.
3. Người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam có bị áp dụng hình phạt tử hình không?
Theo quy định của pháp luật, người nước ngoài là những người không mang quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là người mang các loại giấy tờ xác định quốc tịch của nước ngoài hoặc người không có quốc tịch xuất nhập cảnh, quá cảnh hoặc cư trú trên lãnh thổ của Việt Nam.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về hiệu lực của bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể như sau:
– Bộ luật hình sự năm 2015 được áp dụng đối với tất cả hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Quy định này cũng có thể được áp dụng đối với những hành vi phạm tội và hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu biển, tàu bay mang quốc tịch của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Đối với những đối tượng là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc một trong những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc miễn trừ lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ sẽ được giải quyết theo các điều ước quốc tế, giải quyết theo tập quán quốc tế đó. Trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự sẽ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Theo đó thì có thể nói, người nước ngoài là những người mang các loại giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài hoặc người không có quốc tịch cư trú trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không mang quốc tịch Việt Nam. Người phạm tội được xác định là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 trong trường hợp hành vi phạm tội của người nước ngoài xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm phạm đến lợi ích của nước Việt Nam.
Vì vậy, khi người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tử hình, nếu các đối tượng đó không thuộc một trong những trường hợp được miễn trừ hình sự.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thi hành án hình sự 2019;
– Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Thông tư liên tịch 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
THAM KHẢO THÊM: