Thế nào là đi ngược chiều? Mức xử phạt là bao nhiêu khi đi ngược chiều? Quy định về biển báo cấm đi ngược chiều. Mức xử phạt khi điều khiển phương tiện với lỗi ngược chiều. Trách nhiệm khi điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều gây ra tai nạn giao thông.
Trong quá trình tham gia giao thông việc đi ngược chiều khi tham gia giao thông đường bộ luôn là hành vi vi phạm rất nguy hiểm, không ít các vụ tai nạn dẫn đến chết người từ các hành vi này. Tuy vậy, người tham gia giao thông đi ngược chiều so với quy định trên trong thời gian qua còn phổ biến, bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân và với những người tham gia giao thông.Một trong những lý do dẫn tới hành vi đi ngược chiều càng phổ biến là do ý thức của người dân. Vì mặc dù sự phát triển hạ tầng ngày càng nhanh chóng ở nước ta hiện nay, đường xá đi lại càng ngày càng được nâng cấp và đổi mới. Việc xây dựng càng nhiều tuyến đường một chiều và vạch phân cách giúp cho việc lưu thông phương tiện được ổn định, dù đã cắm nhiều biển báo cấm đi ngược chiều hay biển báo đường 1 chiều nhưng vẫn có rất nhiều người bất chấp vi phạm.
Theo đó, sau mỗi lần đổi mới về căn cứ xử phạt hành chính thì lỗi đi ngược chiều đều sẽ tăng mức phạt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Sau đây Luật Dương Gia xin trình bày về vấn đề đi ngược chiều và các mức xử phạt khi vi phạm.
Mục lục bài viết
1. Quy định về các quy tắc khi tham gia giao thông
Căn cứ vào Điều 9 Luật an toàn giao thông 2008 quy định về các quy tắc chung khi tham gia giao thông cụ thể như sau:
Điều 9. Quy tắc chung
1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Theo đó các phương tiện khi tham gia giao thông cần phải tuân thủ làn đường, tốc độ, phần đường và các hệ thống biển báo đường bộ và đặc biệt là phải tuân thủ theo nguyên tắc chiều đi của mình.
2. Quy định về biển báo cấm đi ngược chiều
Biển cấm đi ngược chiều có hình tròn, nền đỏ và một gạch ngang màu trắng ở giữa. Trong các văn bản pháp luật, biển báo này có số hiệu là P.102. Biển báo cấm đi ngược chiều được đặt ở đầu các tuyến đường một chiều nên còn có thể hiểu là biển báo đường một chiều. Theo đó:
– Tất cả các phương tiện (trừ một số xe ưu tiên theo quy định) đều không được phép lưu thông vào đoạn đường có đặt biển báo này ở đầu.
– Hướng di chuyển cùng với chiều đặt biển báo là hướng bị cấm, hướng di chuyển ngược với chiều đặt biển báo là hướng được phép đi. Có nghĩa là những phương tiện đang di chuyển đúng hướng sẽ không được phép quay đầu xe theo hướng ngược lại.
Nếu các phương tiện cơ giới vi phạm lỗi đi ngược chiều sẽ bị phạt theo quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
3. Mức xử phạt khi điều khiển phương tiện với lỗi ngược chiều
3.1. Mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện xe máy đi ngược chiều
Lỗi xe máy đi ngược chiều là một trường hợp rất hay bắt gặp khi các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Đối với trường hợp này, Khoản 5 Điều 6
Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Như vậy, khi người điều khiển xe máy mắc phải lỗi vi phạm đi ngược chiều thì sẽ bị phạt tiền từ 1000.000 đồng đến 2000.000 đồng. Trường hợp này người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo quy định tại điều b khoản 10 điều 6
10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
3.2. Mức phạt lỗi đi ngược chiều ô tô
Ô tô mắc lỗi đi xe ngược chiều cũng là trường hợp rất thường được bắt gặp. Với trường hợp này, điểm c Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
Ngoài việc phạt tiền, người điều khiển còn bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung được quy định tại điểm b và điểm b, điểm c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đó là:
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
3.3. Mức phạt lỗi đi ngược chiều của người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng: Đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.
3.4. Mức phạt lỗi đi ngược chiều đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện):
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng: Đối với người điều khiển xe đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.
3.5. Điều khiển xe ngược chiều trên vỉa hè:
Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.
Như vậy, vỉa hè không phải là phần đường dành cho ô tô, xe máy. Dù vì bất kỳ lý do gì nếu điều khiển phương tiện xe cơ giới lưu thông trên vỉa hè đều không đúng với quy định của pháp luật. Nếu vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt.
Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng: Đối với xe ô tô không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng: Đối với xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà.
4. Trách nhiệm khi điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều gây ra tai nạn giao thông
Nếu người điều khiển phương tiện đi ngược chiều gây ra tai nạn giao thông gây ra hậu quả ngoài việc xử lý vi phạm hành chính thì còn phải bồi thường căn cứ theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định căn cứ pháp sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
+ Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
+ Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 585
“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”
Như vậy, theo quy định trên thì người điều khiển phương tiện có lỗi – đi ngược chiều gây ra thiệt hại cho chủ xe nên phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do sức khỏe của người đó bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590
– Một, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
– Hai, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của chị đi xe máy; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
– Ba, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị kia trong thời gian điều trị;
– Bốn, người điều khiển phương tiện sẽ phải có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Và hiện tại mức lương cơ sở nhà nước là 1.490.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, nếu như người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra tai nạn thì người điều khiển phương tiện sẽ không phải bồi thường toàn bộ các khoản chi phí trên mà sẽ dựa vào mức độ lỗi để bồi thường đầy đủ. Do đó, các bên có thể dựa trên các khoản chi phí bồi thường tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 để thỏa thuận lại với người bị thiệt hại thống nhất được mức bồi thường phù hợp.