Thay đổi thông tin, đính chính thông tin bị sai trên sổ bảo hiểm xã hội. Thay đổi thông tin chứng minh nhân dân trong sổ bảo hiểm xã hội như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi là em mới đổi chứng minh nhân dân. Trong bảo hiểm xã hội ngày cấp chứng minh nhân dân là ngày 16/6/2010 nhưng em mới đổi chứng minh nhân dân mới là ngày 29/10/2015. Như vậy có ảnh hưởng gì đến việc rút bảo hiểm xã hội không ạ. Xin tư vấn giúp em.
Luật sư tư vấn:
Tại Điều 29 Quyết định 959/2015/QĐ-BHXH ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế có quy định:
“1. Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, thay đổi số sổ, gộp sổ BHXH.
………..
3. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch”.
Ngoài ra tại Công văn số 3835/BHXH-CST ngày 27/9/2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có hướng dẫn:
“….chỉ được cấp lại sổ BHXH trong trường hợp sổ BHXH bị mất, hỏng hoặc thay đổi; cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ BHXH. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia BHXH, BHTN có thay đổi các nội dung khác như: số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH”.
Theo các quy định trên thì cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng hoặc thay đổi, cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội. Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung khác như: số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Quy định này sẽ giúp người lao động không bị phiền hà, phải đi lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời gian hưởng bảo hiểm.
Như vậy, theo thông tin mà bạn cung cấp do bạn mới đổi chứng minh nhân dân mới nên trên chứng minh nhân dân có sự thay đổi về ngày cấp. Căn cứ theo phân tích trên, trường hợp ngày cấp trên chứng minh nhân dân của bạn không khớp với ngày cấp chứng minh nhân dân được ghi trên sổ bảo hiểm xã hội do cấp lại hoặc đổi giấy chứng minh nhân dân thì không ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho bạn. Trong trường hợp này, cơ quan bảo hiểm sẽ căn cứ vào sổ bảo hiểm xã hội của bạn để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với bạn mà không cấp lại sổ bảo hiểm với lý do ngày cấp trên chứng minh nhân dân không trùng khớp với ngày cấp chứng minh nhân dân ghi trên sổ bảo hiểm xã hội.
Nếu bạn muốn điều chỉnh lại ngày cấp chứng minh nhân dân trong sổ bảo hiểm xã hội cho khớp đúng với ngày cấp chứng minh nhân dân trên giấy chứng minh nhân dân hiện tại thì bạn chuẩn bị hồ sơ nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đang đóng bảo hiểm xã hội để được giải quyết.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hỏi về việc sửa đổi thông tin sai lệch trong sổ bảo hiểm xã hội
- 2 2. Thủ tục xin giấy xác nhận số chứng minh thư trên sổ bảo hiểm xã hội
- 3 3. Địa chỉ thường trú trên sổ bảo hiểm không đúng với chứng minh thư
- 4 4. Thông tin ghi trên sổ bảo hiểm có ảnh hưởng tới sơ yêu lý lịch không?
- 5 5. Sai nơi cư trú có bắt buộc đổi sổ bảo hiểm xã hội không?
- 6 6. Sai số chứng minh nhân dân trên sổ bảo hiểm cần phải làm gì?
- 7 7. Thay đổi hồ sơ bảo hiểm khi công ty đổi tên
1. Hỏi về việc sửa đổi thông tin sai lệch trong sổ bảo hiểm xã hội
Tóm tắt câu hỏi:
Em xin cảm ơn anh chị đã giải thích khi em chưa rõ về trường hợp nhận lương hưu trước tuổi của ba em . Hôm nay, sau khi đã kiểm tra sổ bảo hiểm của Ba tại công ty cao su Bình Thuận thì tổng số năm Ba đóng bảo hiểm xã hội là 33 năm. Tính từ năm 1982 đến nay. Tuy nhiên đã có sự sai lệch về thời gian đóng bảo hiểm tương ứng với vị trí công tác. Điều Ba em quan tâm ở đây là số năm công tác ở vị trí khai thác chưa đủ 15 năm. Vì làm công nhân khai thác 15 năm mới được nghỉ hưu ở tuổi 55 và Ba em muốn về hưu vì lý do không đảm bảo sức khỏe vào thời điểm bây giờ. Ba em hiện tại 53 tuổi, là công nhân lao động trực tiếp tại nông trường công ty cao su Bình Thuận. Theo như sổ bảo hiểm từ công ty cao su: Từ 5/1989 – 11/1993: Làm bảo vệ (4 năm), Từ 12/1993 – 12/2000: Làm công nhân chăm sóc (7 năm), Từ 1/2001 – 12/2004: Làm công nhân khai thác (4 năm), Từ 1/2005 – 4/2008: Làm công nhân chăm sóc (3 năm), Từ 5/2008 – đến nay: Làm công nhân khai thác (7 năm). Tuy nhiên, theo như thực tế từ Ba em: Từ 5/1989 – 11/1993: Làm bảo vệ (4 năm), Từ 12/1993 – 12/1996: Làm công nhân chăm sóc(3 năm) , Từ 1/1997 – 12/2004: Làm công nhân khai thác (8 năm), Từ 1/2005 – 12/2006: Làm công nhân chăm sóc(2 năm), Từ 1/2007 – đến nay: Làm công nhân khai thác (8 năm). Theo như người phụ trách bảo hiểm xã hội tại công ty cao su thì Ba em cần đưa ra những quyết định chuyển công tác từ công nhân chăm sóc sang công nhân khai thác để xác minh. Nhưng hiện tại thì Ba em không còn giữ những quyết định này nữa, vì thời gian qua lâu mà lúc đó cứ nghĩ là không cần thiết nên Ba cũng không lưu giữ lại. Như trường hợp của Ba em, em nhờ Anh/Chị tư vấn giúp em 2 vấn đề sau : Cách đưa ra những căn cứ xác minh thông tin Ba em đưa ra là đúng và Cách giải quyết việc sửa đổi thông tin sai lệch này từ phía bảo hiểm xã hội . Rất mong nhận được hồi đáp của Anh/Chị, em và gia đình cảm ơn rất nhiều ! Thân !
Luật sư tư vấn:
Điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:
“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”
Như vậy, hiện tại ba bạn 53 tuổi, đã có 33 năm đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên số năm ba bạn làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do bộ lao động thương binh và xã hội, bộ y tế ban hành lại không đủ 15 năm trở lên, do đó ba bạn sẽ không được hưởng chế độ hưu trí theo Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Trả lời câu hỏi của bạn về việc sửa đổi thông tin sai lệch trong hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, hiện tại chưa có văn bản nào của chính phủ ban hành trực tiếp điều chỉnh vấn đề này, do đó bạn có thể tham khảo tại Công văn 728/BHXH-PThu hướng dẫn quy trình điều chỉnh hồ sơ và thu hồi sổ BHXH ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong công văn này có nôi dung như sau:
“1. Trường hợp hồ sơ BHXH sai lệch với hồ sơ gốc:
Đơn vị sử dụng lao động lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH gồm:
– Công văn của đơn vị giải trình và đề nghị điều chỉnh, kèm theo hồ sơ gốc.
– Danh sách điều chỉnh hồ sơ tham gia BHXH, BHYT (mẫu 3b-TBH).
2. Trường hợp sai từ hồ sơ gốc:
– Công văn của đơn vị giải trình lý do, hoàn cảnh dẫn đến sai lệch; các căn cứ để điều chỉnh; khẳng định đã điều chỉnh lại hồ sơ gốc lưu tại đơn vị và đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh hồ sơ BHXH.
– Các căn cứ pháp lý liên quan đến nội dung cần điều chỉnh như: văn bản tư pháp, giấy khai sinh, văn bằng, chứng chỉ, hộ khẩu thường trú, CMND…
– Trường hợp mượn hồ sơ người khác để đi làm: phải có bản khai của người cho mượn, có xác nhận của UBND xã (phường) nơi người cho mượn hồ sơ cư trú.
– “Danh sách điều chỉnh hồ sơ tham gia BHXH, BHYT” mẫu 3b-TBH.
Khi người lao động không còn làm việc tại đơn vị, nếu vì lý do khách quan, không thể quay về đơn vị cũ xin công văn giải trình thì trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH:
– Đơn đề nghị điều chỉnh, trong đó giải trình lý do, hoàn cảnh dẫn đến sai lệch, có xác nhận của UBND xã (phường) nơi cư trú.
– Các căn cứ pháp lý liên quan đến nội dung điều chỉnh (như trên).”
Theo đó, ba bạn sẽ phải làm việc trước tiên với đơn vị mà ba bạn làm việc từ năm 1989 đến thời điểm hiện tại. Yêu cầu công ty làm hồ sơ để sửa đổi sai sót về thông tin trong sổ bảo hiểm xã hội của ba bạn. Trong trình bày của bạn có nhắc đến việc ba bạn không còn giữ những quyết định chuyển công tác từ công nhân chăm sóc sang công nhân khai thác, do đó ba bạn cần đến gặp phòng tổ chức nhân sự hoặc ban giám đốc của công ty, trực tiếp trình bày hoàn cảnh của mình và yêu cầu họ cho xem hồ sơ của ba bạn, trong hồ sơ của người lao động mà người sử dụng lao động luôn lưu ở kho, trong đó sẽ có những quyết định công tác này. Trường hợp công ty không còn giữ thì việc này thuộc về trách nhiệm ở phía công ty trong việc lưu giữ hồ sơ tài liệu của người lao động, do đó công ty phải có giấy xác nhận ghi rõ nội dung ba bạn đã làm việc trong khoảng thời gian theo đúng trên thực tế.
Về cách sửa đổi thông tin sai lệch này từ phía bảo hiểm xã hội, bạn tham khảo ở mục B Công văn 728/BHXH-PThu:
“1. Quy trình:
– Đơn vị (hoặc NLĐ) nộp hồ sơ cho cán bộ nghiệp vụ.
– Cán bộ nghiệp vụ kiểm tra đối chiếu và đề xuất hướng xử lý.
– Trưởng Phòng Thu hoặc Giám đốc BHXH quận, huyện phê duyệt để điều chỉnh. Riêng đối với những sai sót lớn (như trường hợp mượn hồ sơ lao động; tăng tuổi đời để giải quyết chế độ hưu trí…) thì phải trình Ban giám đốc BHXH thành phố phê duyệt trước khi thực hiện điều chỉnh.
– Cán bộ nghiệp vụ điều chỉnh hồ sơ, dữ liệu liên quan; đổi sổ hoặc điều chỉnh sổ BHXH cho người lao động.
2. Đổi sổ hoặc điều chỉnh nhân thân người lao động ghi tại trang 3 sổ BHXH:
2.1 Đổi sổ mới:
Khi các nội dung về nhân thân người lao động ghi trên trang 3 sổ BHXH bị tẩy xóa; sử dụng mực ghi không đúng quy định hoặc ghi bằng 2 thứ mực; ghi sai cả họ và tên, hoặc ghi sai từ 2 nội dung trở lên; đều phải đổi lại sổ mới.
Việc đổi sổ mới để điều chỉnh lại nội dung nhân thân người lao động thực hiện theo quy định hiện hành.
2.2 Ghi điều chỉnh các nội dung sai lệch tại trang 3 sổ BHXH.
Trường hợp trang 3 có sai sót nhưng chưa đến mức độ như nêu tại mục 2.1 trên đây; các nội dung còn lại trên trang 3 cũng như các trang về quá trình đóng BHXH trong sổ đều được ghi rõ ràng, đúng quy định thì được phép ghi điều chỉnh các nội dung sai lệch tại trang 3 vào trang 46, không cần phải đổi lại sổ mới.”
2. Thủ tục xin giấy xác nhận số chứng minh thư trên sổ bảo hiểm xã hội
Tóm tắt câu hỏi:
Trước kia em có nộp hồ sơ làm vào công ty và được công ty đóng bảo hiểm nhưng đến nay em mới biết là số chứng minh cũ 9 số của em bị sai. Bây giờ em đi làm lại và số chứng minh của em là 12 số. Vậy em muốn hỏi là sau này muốn rút tiền bảo hiểm có bị vướng mắc gì không?
Luật sư tư vấn:
Khoản 3 Điều 38 Luật căn cước công dân 2014 quy định:
“3. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2019.”
Như vậy, dù bạn đã thay đổi chứng minh thư nhân dân 9 số sang chứng minh nhân dân 12 số nhưng các thông tin trên sổ bảo hiểm của bạn mà trước đây bạn sử dụng số chứng minh thư cũ 9 số vẫn còn nguyên hiệu lực pháp luật. Khi bạn muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì bạn chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014 để được hưởng chế độ.
Tuy nhiên để thuận tiện trong quá trình làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội thì bạn nên lên trực tiếp cơ quan công an cấp huyện nơi bạn làm thủ tục cấp chứng minh để xin giấy xác nhận 02 số chứng minh thư nhân dân là một theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BCA để tránh tường hợp khó khăn trong quá trình hưởng về sau này.
3. Địa chỉ thường trú trên sổ bảo hiểm không đúng với chứng minh thư
Tóm tắt câu hỏi:
Sổ bảo hiểm bị sai ngày cấp chứng minh thư và địa chỉ thường trú thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi khi mình sinh đẻ không? Em nghỉ làm ở công ty cũ và giờ đang ở nhà, có sổ rồi nhưng giờ muốn đóng bảo hiểm thì đóng chỗ nào?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Khoản 2 Điều 46 Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định về việc cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội như sau:
“2. Cấp lại sổ BHXH
2.1. Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh.
2.2. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng.
2.3. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng hoặc đã giải quyết chế độ BHXH có điều chỉnh quá trình đóng BHXH.”
Như vậy, trong trường hợp số chứng minh thư nhân dân và địa chỉ thường trú trên sổ BHXH không trùng khớp, có sai sót so với Giấy chứng minh nhân dân của bạn thì bạn vẫn được cơ quan bảo hiểm giải quyết chế độ như bình thường và bạn không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH hoặc xin cấp lại sổ BHXH do sự không trùng khớp, sai sót này.
Về việc tiếp tục nộp BHXH, sau khi được công ty chốt sổ BHXH, bạn có thể tiếp tục nộp sổ bảo hiểm xã hội cho Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi bạn đang cư trú để đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP. Hồ sơ đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội.
4. Thông tin ghi trên sổ bảo hiểm có ảnh hưởng tới sơ yêu lý lịch không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em làm công ty cũ được 1 năm. Em làm công nhân khi chưa tốt nghiệp, vì thế hồ sơ đống BHXH ghi rõ em làm công nhân. Như vậy thì nó như là một điểm đen trong sơ yếu lí lịch, cái gai trong mắt tuyển dụng. Em đang làm công ty mới đúng với chuyên ngành đại học nhưng em không muốn cty mới biết chiện em làm công nhân. Em muốn bỏ luôn kết quả đóng đó cũng được, để hồ sơ sạch chút. Nhờ chuyên gia cho ý kiến ạ?
Luật sư tư vấn:
Trước hết, anh cần lưu ý vấn đề thông tin ghi trên sổ bảo hiểm xã hội hoàn toàn không ảnh hưởng đến sơ yếu lý lịch cá nhân khi tuyển dụng. Tuy nhiên, nếu anh không muốn thấy trên sổ bảo hiểm xã hội ghi nghề nghiệp là công nhân thì anh có thể làm thủ tục hủy sổ bảo hiểm xã hội.
Về thủ tục hủy sổ bảo hiểm xã hội, hiện nay Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo quy định hủy sổ bảo hiểm xã hội trong Công văn 3663/BHXH-THU của Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các quận, huyện trong địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Tại mục I.5 Công văn 3663/BHXH-THU quy định như sau:
“5. Trường hợp NLĐ cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của NLĐ có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy.”
Vậy, để hủy sổ bảo hiểm xã hội ở công ty cũ bạn cần làm đơn cam kết không thừa nhận quá trình tham gia bảo hiểm tại công ty cũ (mẫu D01-TS). Đơn cam kết này bạn gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện để được hủy sổ bảo hiểm xã hội.
Khi hủy sổ bảo hiểm xã hội thì quãng thời gian tham gia bảo hiểm trước đây của bạn sẽ bị hủy và bạn không còn được hưởng chế độ với quãng thời gian đóng bảo hiểm xã hội này nữa.
5. Sai nơi cư trú có bắt buộc đổi sổ bảo hiểm xã hội không?
Tóm tắt câu hỏi:
Sổ bảo hiểm của tôi bị sai số chứng minh thư trong sổ và sai nơi cư trú. Tôi đã nhiều lần đề nghị với trường kế toán và có gặp trực tiếp với phòng BHXH huyện nhưng đến nay sổ của tôi vẫn không được đích chính và thay sổ. Họ nói không ảnh hưởng gì nhưng tôi muốn họ đính chính vào sổ để tôi yên tâm công tác. Vậy kính hỏi luật sư sai trong sổ như vậy có ảnh hưởng đến sau này không? Tôi muốn đính chính lại số chứng minh thư và nơi cư trú ghi trong sổ có được không?
Luật sư tư vấn:
Tại Khoản 2 Điều 46 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế có quy định như sau:
Điều 46. Cấp và quản lý sổ BHXH
2. Cấp lại sổ BHXH
2.1. Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh.
2.2. Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BHTN chưa hưởng.
2.3. Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng hoặc đã giải quyết chế độ BHXH có điều chỉnh quá trình đóng BHXH.
Theo thông tin bạn trình bày sổ bảo hiểm của bạn bị sai số chứng minh thư nhân dân và sai nơi cư trú trong sổ bảo hiểm xã hội. Bạn đã gặp trực tiếp với phòng BHXH huyện để được đề nghị sửa thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội nhưng đến nay sổ của bạn vẫn không được điều chỉnh thông tin. Đối với trường hợp có sai số chứng minh thư nhân dân và nơi cư trú trong sổ bảo hiểm xã hội không bắt buộc phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH hoặc xin cấp lại sổ BHXH do sự không trùng khớp, sai sót này. Căn cứ theo quy định tại Quyết định số 959/QĐ-BHXH thì việc sai số chứng minh và nơi cư trú không ảnh hưởng đến việc bạn hưởng chế độ bảo hiểm sau này. Còn nếu muốn thay đổi thông tin để yên tâm công tác thì bạn có thể liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội.
6. Sai số chứng minh nhân dân trên sổ bảo hiểm cần phải làm gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin cho hỏi, sổ bảo hiểm của tôi sai 1 số chứng minh thư, vậy tôi phải làm thế nào, tôi cần phải làm gì để khi thanh toán tôi không gặp khó khăn. Tôi không am hiểu về bảo hiểm. Xin tư vấn dùm ?
Luật sư tư vấn:
– Căn cứ Điều 98 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
“Điều 98. Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội
1. Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.
2. Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:
a) Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;
b) Sổ bảo hiểm xã hội;
c) Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.”
– Căn cứ Điều 29 Quyết định 959/QĐ-BHXH quy định về cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm y tế như sau:
“Điều 29. Cấp lại sổ BHXH, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT:
1. Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, thay đổi số sổ, gộp sổ BHXH
1.1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Sổ BHXH đã cấp.
1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
2. Điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH
2.1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Sổ BHXH;
c) Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh (Mục I Phụ lục 03).
2.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch
3.1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Sổ BHXH;
c) Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ điều chỉnh (Mục I Phụ lục 03).
3.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
4. Cấp lại, đổi thẻ BHYT
4.1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Thẻ BHYT (trường hợp hỏng hoặc thay đổi thông tin);
c) Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ cấp lại, đổi thẻ BHYT (Mục II, III Phụ lục 03 đối với trường hợp thay đổi thông tin).
4.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”
Như vậy, trong trường hợp sổ bảo hiểm xã hội của bạn bị sai thông tin, bạn làm hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân gửi lên cơ quan bảo hiểm xã hội. Hồ sơ điều chỉnh bao gồm tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân, sổ bảo hiểm xã hội, bản sao chứng minh thư nhân dân.
7. Thay đổi hồ sơ bảo hiểm khi công ty đổi tên
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào! Công ty tôi trước là Phòng khám aXuân Mai (khám bệnh đa khoa) và cũng tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng nay công ty tôi đổi tên khác. Và tôi muốn đến BHXH chuyển tên Công ty. Xin hổi giờ chuyển tên thì thủ tục làm như thế nào ạ?
Luật sư tư vấn:
Khi đơn vị thay đổi tên công ty thì cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin đóng bảo hiểm xã hội căn cứ theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH:
“1.2. Đơn vị:
a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS)
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS)
c) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS)”
Tại khoản 7 Điều 46 Nghị định trên quy định:
“7. Trường hợp đơn vị di chuyển trong địa bàn tỉnh, đơn vị thay đổi tên không thực hiện xác nhận sổ BHXH.”
Luật sư
Theo đó, công ty thay đổi tên không cần làm thủ tục xác nhận sổ bảo hiểm xã hội mà chỉ cần nộp hồ sơ thay đổi, điều chỉnh thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà công ty đang trực tiếp đóng.