Thay đổi mục tiêu gói thầu có được phép hủy thầu không? Thủ tục hủy thầu? Trách nhiệm khi hủy thầu? Hủy thầu trong các trường hợp thực tiễn?
Đấu thầu được hiểu là quá trình lựa chọn nhà thầu trong 1 dự án để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lý do dẫn tới việc bên mời thầu hoặc cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định hủy thầu. Hủy thầu có lẽ là trường hợp mà bất cứ đơn vị tổ chức đấu thầu một cách nghiêm túc nào đều không mong muốn xảy ra, bởi nếu thực sự vì hiệu quả công trình và dự án thì chủ đầu tư đương nhiên mong muốn nhanh chóng lựa chọn được nhà thầu cho dự án của mình. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều trường hợp hủy thầu do bên mời thầu sau khi phát hành hồ sơ, nhà thầu mua hồ sơ và nộp lại hồ sơ dự thầu nhưng lại có những thay đổi về gói thầu hay vì lý do nhất định bắt buộc phải hủy thầu. Vậy trong trường hợp thay đổi mục tiêu gói thầu có được phép hủy thầu không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
1. Thay đổi mục tiêu gói thầu có được phép hủy thầu không?
Theo quy định của Luật đấu thầu 2013, các trường hợp được phép hủy thầu theo quy định của pháp luật bao gồm:
– Trường hợp tất cả hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay hồ sơ yêu cầu.
– Trường hợp thay đổi mục tiêu gói thầu hoặc phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
– Trường hợp hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu hoặc trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
– Trường hợp có bằng chứng chứng minh về việc nhà thầu hoặc bên mời thầu đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Như vậy, đối với trường hợp thay đổi mục tiêu gói thầu khi mà trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã nêu rõ công việc, mục tiêu và phạm vi đầu tư của gói thầu thì bên mời thầu không được phép thay đổi mục tiêu, phạm vi đó, nếu bên mời thầu có thay đổi về mục tiêu, phạm vi gói thầu thì bắt buộc phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại từ đầu.
2. Thủ tục hủy thầu
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể nào về thủ tục hủy thầu. Tuy nhiên, để thực hiện việc hủy thầu thì bên mời thầu hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện dựa theo căn cứ tại Điều 123 Nghị định 63/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có quy định về thủ tục hủy thầu thì:
Hủy thầu được hiểu là biện pháp của người có thẩm quyền, chủ đầu tư và bên mời thầu để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu hoặc vì các lý do bắt buộc khác và các quy định khác của pháp luật liên quan của tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu bằng cách ban hành quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Khoản 10 Điều 74 và Điểm e Khoản 2 Điều 75 của Luật Đấu thầu.
Như vậy, việc hủy thầu có thể thực hiện theo các bước như sau:
– Bước 1: Xác định nguyên nhân hủy thầu
Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để xem bên mời thầu thực hiện việc hủy thầu có đúng với quy định của pháp luật hay không, và ai sẽ là người có thẩm quyền để giải quyết việc hủy thầu. Có 4 trường hợp bắt buộc bên mời thầu hoặc cơ quan có thẩm quyền phải hủy thầu theo quy định tại Điều 17 Luật đấu thầu 2013. Nếu hủy thầu thì bên mời thầu sẽ phải đưa ra một trong các lý do theo như quy định tại điều 17 luật đấu thầu 2013, còn nếu như trong trường hợp bên mời thầu muốn hủy thầu nhưng không có một trong các lý do theo quy định tại điều 17 luật đấu thầu 2013 thì quyết định hủy thầu đó là trái với quy định của pháp luật và có thể phải đối mặt với các khiếu nại của các bên tham dự thầu.
– Bước 2: Sau khi xác định được nguyên nhân dẫn đến việc hủy thầu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định hủy thầu.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 73 Luật đấu thâu 2013 thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định hủy thầu đối với các trường hợp sau:
+ Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư của gói thầu đã ghi trong hồ sơ mời thầu;
+ Hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được ccas yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án;
+ Có bằng chứng chứng minh về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái với quy định của pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
+ Căn cứ theo Khoản 10 Điều 74 Luật đấu thâu 2013 thì Chủ đầu tư có quyền hủy thầu trong trường hợp tất cả hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
– Bước 3: Thông báo về việc hủy thầu
Chủ đầu tư cần thực hiện việc thông báo hủy thầu tới các nhà đầu tư tham gia dự thầu và nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện việc đăng tải thông tin về việc hủy thầu và nêu rõ lý do trên phương tiện thông tin đại chúng bao gồm hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc ít nhất 1 kỳ đăng tải trên Báo đầu thầu. Việc hủy thầu phải được thông báo lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia căn cứ theo Điều 8 Luật đấu thầu 2013, để tất cả các nhà thầu điều biết thông tin về việc hủy gói thầu, nguyên nhân hủy thầu và chủ thể thực hiện việc hủy thầu là ai, có đúng theo quy định pháp luật hay không.
Cụ thể, để thực hiện việc hủy thầu thì chủ đầu tư có thể thực hiện thông qua những việc gửi thông báo hủy thầu đến tất cả các bên dự thầu, trong đó nêu rõ lý do hủy thầu; tiếp theo chủ đầu tư thực hiện đăng tin thông báo hủy thầu và nêu rõ lý do hủy thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên 03 số báo liên tiếp của một tờ báo, 03 tin liên tiếp trên một phương tiện thông tin đại chúng khác.
3. Trách nhiệm khi hủy thầu
Theo quy định tại Điều 18 Luật đấu thầu 2013 quy định về trách nhiệm khi hủy thầu thì trong trường hợp hủy thầu do Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến việc hủy thầu như: hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu không tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng được các yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; hoặc do có bằng chứng chứng minh về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu sẽ phải đền bù chi phí chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Hủy thầu trong các trường hợp thực tiễn
– Trường hợp hủy thầu do “Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu” là trường hợp phổ biến hay gặp trong thực tiễn hiện nay. Trường hợp hủy thầu này có thể một phần do nguyên nhân khách quan như không có nhà thầu nào tham dự hoặc các nhà thầu tham dự nhưng vì lý do nào đó không đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là từ phía bên mời thầu đã đưa ra các yêu cầu khó khiến các nhà thầu tham dự không đáp ứng được.
Trước tình huống hủy thầu do tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì bên mời thầu cần thực hiện xem xét lại hồ sơ mời thầu và dự toán gói thầu để đảm bảo đưa ra các yêu cầu với một dự toán phù hợp với gói thầu nhất. Các nhà thầu trong trường hợp phát hiện ra vấn đề khi tham dự đấu thầu cũng cần phải sử dụng quyền kiến nghị và làm rõ hồ sơ mời thầu của mình để tránh cuộc đấu thầu đổ bể.
– Trường hợp hủy thầu do “Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu” thường ít gặp hơn nhưng không phải là không có, đây là trường hợp hủy thầu bất khả kháng mà bên mời thầu không lường trước được. Trong trường hợp hủy thầu này, các nhà thầu không được đền bù các chi phí đã bỏ ra để tham dự đấu thầu. Thực tiễn áp dụng thì có rất ít bên mời thầu/ chủ đầu tư nào có thể tùy tiện sử dụng được lý do này vì nếu thay đổi mục tiêu, phạm vi gói thầu thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thủ tục phải thực hiện thay đổi, thậm chí có thể cả dự án đầu tư đã được duyệt.
– Trường hợp thứ ba là hủy thầu do trách nhiệm của đơn vị phát hành hồ sơ mời thầu, đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu thì trong trường hợp phải hủy thầu này, các bên có liên quan phải thực hiện đền bù các thiệt hại (nếu có) khi nhà thầu yêu cầu với điều kiện nhà thầu chứng minh được các thiệt hại đó.
– Trường hợp cuối cùng là hủy thầu do có bằng chứng chứng minh về việc nhà thầu hoặc bên mời thầu đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trường hợp hủy thầu này khá phức tạp vì ở đây đòi hỏi phải “có bằng chứng” mới có thể tiến hành hủy thầu. Nhưng trên thực tế, có nhiều sự việc chúng ta thấy rõ có “dấu hiệu” thông thầu hoặc gian lận nhưng giữa việc có dấu hiệu và có bằng chứng thì còn cách xa nhau. Việc có bằng chứng chứng minh về việc nhà thầu hoặc bên mời thầu gian lận trong đấu thầu chỉ được xác định khi cơ quan điều tra vào cuộc bởi nhiều yếu tố như bảo mật, hạn chế quyền tiếp cận thông tin về hồ sơ…Tuy nhiên, trong không ít cuộc đấu thầu thì chiêu thức thông thầu hay gian lận của nhà thầu cũng dễ dàng bị bên mời thầu phát hiện thông qua một vài thao tác làm rõ và truy đến cùng các tài liệu mà nhà thầu đã kê khai.