Thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại Tòa án cấp phúc thẩm được pháp luật hiện hành quy định như thế nào?
Việc thay đổi, bổ sung của đương sự ở cấp phúc thẩm sẽ được triển khai theo ba nội dung chính: Chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo; Giới hạn của quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo; Hình thức thể hiện của việc thay đổi, bổ sung kháng cáo.
Thứ nhất: Chủ thể có quyền đề nghị thay đổi, bổ sung kháng cáo
Vấn đề thay đổi, bổ sung kháng cáo được quy định trong BLTTDS 2004 và một số văn bản hướng dẫn. Theo đó, Điều 256 BLTTDS quy định như sau: “ Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết” ( khoản 1).
Từ đây có thể rút ra được chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo là: Người kháng cáo
Vậy câu hỏi đặt ra là: Những ai có quyền kháng cáo? Những người có quyền kháng cáo theo quy định của BLTTDS được quy định tại Điều 243:
“ Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.”.
Như vậy những chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo gồm: Đương sự, Người đại diện của đương sự, cơ quan tổ chức khởi kiên.
Thứ hai: Giới hạn quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo của đương sự
Giới hạn của quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo của đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 256 BLTTDS và hướng dẫn chi tiết tại Nghị quyết 06/2012/NQ- HĐTP. Theo đó, khoản 1 Điều 256 BLTTDS quy định về giới hạn xét xử là không vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo đã hết. Để hướng dẫn chi tiết, Nghị quyết 06/2012/NQ- HĐTP quy định:
– Trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo quy định tại Điều 245 của BLTTDS, thì người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo.
Như vậy, nếu trong thời hạn kháng cáo thì người có quyền kháng cáo sẽ được thay đổi, bổ sung nội dung kháng cáo đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo. Quyền này được quy định đã trao quyền rất lớn cho những người kháng cáo được thay đổi, bổ sung nội kháng cáo của mình.
– Trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo theo quy định tại Điều 245 của BLTTDS, thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo.
Bên cạnh trao quyền rất lớn cho người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo trong thời hạn kháng cáo thì theo quy định trên khi hết thời hạn kháng cáo người kháng cáo vẫn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, tuy nhiên quyền này bị hạn chế đó là không vượt quá phạm vi kháng cáo đã gửi cho Toà án trong thời hạn kháng cáo.
>>> Luật sư
Thứ ba: Hình thức thể hiện của yêu cầu thay đổi, bổ sung kháng cáo
Trước khi mở phiên tòa: Việc thay đổi, bổ sung kháng cáo phải được gửi cho Tòa cấp phúc thẩm .
“ Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm.
Toà án cấp phúc thẩm phải
thông báo bằng văn bản về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị đó cho các đương sự biết theo quy định tại khoản 3 Điều 256 của BLTTDS và hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết này, đồng thời tiến hành các công việc theo quy định của BLTTDS để mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án đối với kháng cáo, kháng nghị, phần kháng cáo, kháng nghị còn lại theo thủ tục chung.”
Tại phiên tòa phúc thẩm: Tại khoản 3 Điều 246 BLTTDS quy định việc thay đổi, bổ sung kháng cáo tại phiên tòa phải được ghi vào văn bản. Nghị quyết 06/2012/NQ – HĐTP cũng đá hướng dẫn việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà. Toà án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng cáo đã được thay đổi, bổ sung và phần kháng cáo còn lại.