Quy định về thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm? Rút kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án hình sự?
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các yêu cầu lý luận và thực tiễn, trong đó có quy định thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị đã ghi nhận việc đề cao tính tự nguyện của chủ thể kháng cáo, kháng nghị và góp phần bảo đảm tính ổn định của bản án, giảm bớt số lượng án mà cấp phúc thẩm phải xét xử đồng thời tiết kiệm nhiều nguồn lực cho người tham gia tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Mục lục bài viết
1. Thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định về bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị tại Điều 238: “Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.” Tuy nhiên quy định này chỉ cho phép các chủ thể kháng cáo, kháng nghị thay đổi, bổ sung trong thời hạn trước khi bắt đầu phiên tòa phúc thẩm. Bên cạnh đó, chưa quy định cụ thể trình tự thủ tục và hậu quả của việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị.
Khắc phục những hạn chế trên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết hơn về thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị tại Điều 324. Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Theo đó, quy định này đã mở rộng thời hạn thay đổi, bổ sung kháng cáo kháng nghị có thể thực hiện trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, trước khi Hội đồng xét xử nghị án” .
Nghị quyết số 05/2005/NQ–HĐTP đã quy định cụ thể về thời hạn thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị tại tiểu mục 7.1, mục 7 phần I như sau: Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo. Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Có thể thấy, Nghị quyết số 05/2005/NQ–HĐTP đã đề cập đến trường hợp thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị làm bất lợi cho bị cáo chỉ được thực hiện khi thời hạn kháng cáo, kháng nghị vẫn còn. Tuy nhiên Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không quy định cụ thể về vấn đề này.
Khoản 1 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa ra điều kiện đối với việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị là không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Theo tác giả Phan Thanh Mai:
“ Làm xấu đi tình trạng của bị cáo là làm cho bị cáo có thể bị bất lợi hơn về mặt hình sự, kể cả những trường hợp việc tăng mức bồi thường dẫn đến bị cáo có thể phải chịu những chế tài hình sự nặng hơn. Những trường hợp tăng mức bồi thường thiệt hại không ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của bị cáo (có thể tách ra để xử theo thủ tục tố tụng dân sự) thì không cần phải tuân theo nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo.”
Tuy nhiên, việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo nhưng vẫn có thể làm xấu hơn tình trạng của những người tham gia tố tụng khác. Vấn đề này đã được đề cập đến trước khi pháp điển hóa Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, theo đó, Tòa án cấp phúc thẩm “không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo và những người tham gia tố tụng” . Mặc dù vậy, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định về vấn đề làm xấu đi tình trạng của những người tham gia tố tụng khác, điều đó đã làm mất đi tính công bằng trong xét xử vụ án hình sự.
So với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành đã bổ sung quy định về thủ tục thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định của khoản 2 Điều 342, trong trường hợp thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị. Còn trường hợp thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa,
sau khi kết thúc thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm, Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung kháng cáo hay không, nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo. Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung kháng nghị hay không, nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung kháng nghị (khoản 2 Điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa.
2. Rút kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bên cạnh quy định quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị thì Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định quyền rút kháng cáo, kháng nghị. Theo Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định số lần được rút kháng cáo, kháng nghị, đồng nghĩa với việc người đã rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút kháng nghị vẫn có thể thực hiện việc kháng cáo, kháng nghị lại trong thời điểm mà thời hạn kháng cáo, kháng nghị vẫn còn.
Tại khoản 2 Điều 238 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về hậu quả của việc rút kháng cáo kháng nghị: “Trong trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ”. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những điểm mới, tiến bộ khi bổ sung hậu quả pháp lý trong trường hợp rút một phần kháng cáo, kháng nghị, cụ thể:
– Trường hợp trước khi mở phiên tòa, người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút (khoản 2 Điều 348).
– Trường hợp tại phiên tòa, người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm (khoản 3 Điều 342).
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trường hợp người đã kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với vụ án. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa là do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, còn tại phiên tòa do Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định. Như vậy, khi rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì căn cứ để Tòa án xét xử phúc thẩm không còn nữa và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Việc rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc rút kháng cáo, kháng nghị. Còn trường hợp rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa (khoản 2 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 41 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cũng quy định: Trường hợp trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới thì phải có văn bản trao đổi với Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới; nếu Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới không nhất trí thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm thì việc rút kháng nghị do Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa quyết định, sau phiên tòa, Kiểm sát viên báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình và thông báo cho Viện kiểm sát đã kháng nghị biết.