Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì? Khiếu nại trong tố tụng hình sự tiếng anh là gì? Điều kiện thụ lý khiếu nại? Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự?
Hiện nay, Khi không đồng ý với quyết định nào đó của cơ quan có thẩm quyền thì cá nhân, tổ chức có thể viết đơn khiếu nại về quyết định đó. Khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết trong tố tụng hình sự thì có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Như vậy Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì? Ai là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự là bao lâu?
1. Khiếu nại trong tố tụng hình sự là gì?
Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là người khiếu nại), theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi tố tụng, quyết định giải quyết khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Khiếu nại trong tố tụng hình sự tiếng anh là gì?
Khiếu nại trong tố tụng hình sự tiếng anh là “complaint in civil proceedings”.
3. Điều kiện thụ lý khiếu nại:
Theo điều 5 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT- VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT về thẩm quyền và thời hạn thụ lý khiếu nại trong tố tụng hình sự
Cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý khiếu nại để giải quyết khi có đủ các điều kiện sau đây:
Nội dung khiếu nại là khiếu nại trong tố tụng hình sự; việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp: Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ; nếu nhiều người khiếu nại bằng đơn về một nội dung thì trong đơn có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn hoặc ghi lại nội dung khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp về một nội dung thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp, hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại và ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản.
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong thời hiệu theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Tố tụng hình sự; trường hợp khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì thời hiệu khiếu nại là 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Người khiếu nại phải có quyền, lợi ích hợp pháp chịu tác động trực tiếp bởi quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình khiếu nại. Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Người khiếu nại có thể tự mình hoặc thông qua người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người đại diện thực hiện quyền khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà không thể tự mình khiếu nại thì việc khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và phải có giấy tờ chứng minh.
Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có đơn rút khiếu nại của người khiếu nại.
Khi người khiếu nại muốn khiếu nại trong tố tụng hình sự thì việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp. trong một số trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định thì người khiếu nại phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
4. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự:
Căn cứ theo Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
4.1.Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
Trong tố tụng hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên thực hiện các nhiệm vụ do Thủ trưởng Cơ quan điều tra giao cho. Thủ trưởng Cơ quan điều tra vừa là thủ trưởng hành chính của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên, vừa là người chỉ huy cao nhất đối với các hoạt động, hành vi tố tụng của cấp dưới. Chính vì thế, khi các quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không do Viện kiểm sát phê chuẩn bị khiếu nại thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra là người cố thẩm quyền giải quyết lần đầu.
Viện kiểm sát cùng cấp không phải là cấp trên của Cơ quan điều tra (Cơ quan điều tra và Viện kiệm sát thuộc hai cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước) nhưng trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát được giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động tố tụng và những hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra cùng cấp trong giai đoạn điều tra.
Trong rất nhiều quyết định của Cơ quan điều tra bắt buộc phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát thì một số quyết định của Cơ quan điều tra không có giá trị pháp lý. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự, điều luật quy định Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết lần một đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn và giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu người có quyền khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
4.2.Thời hạn giải quyết khiếu nại
Thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra là bảy ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Thời hạn giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên và Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp là bảy ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Điều luật không quy định ai là người thuộc Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra và Điều tra viên, vì vậy, có thể hiểu cả Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra khi kết quả giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra bị người khiếu nại tiếp tục khiếu nại.
Kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó Thủ trường Cơ quan điều tra là kết quả cuối cùng có hiệu lực pháp luật và cả người khiếu nại và người bị khiếu nại có nghĩa vụ phải chấp hành.
Thời hạn giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát đối với quyết định và hành vi tố tụng củaThủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn là 07ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Trong trường hợp kết quả giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn không được người khiếu nại đồng ý thì người này có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thì Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng cùa Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát cấp dưới phê chuẩn là quyết định cuối cùng. Người khiếu nại, Thủ trưởng Cơ quan điều tra bị khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành kết quả giải quyết khiếu nại đó.
Khi khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ do cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét và giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, Việc khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem xét và giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trường Viện kiêm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.