Tố cáo về đất đai? Thẩm quyền giải quyết tố cáo về đất đai? Trình tự giải quyết tố cáo về đất đai?
Giải quyết tố cáo là một hoạt động vô cùng quan trọng nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm và trong lĩnh vực đất đai cũng vậy. Hoạt động giải quyết tố cáo về đất đai phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời khi nhận được tố cáo của người dân. Vậy thẩm quyền và trình tự giải quyết tố cáo về đất đai như thế nào? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo về đất đai.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật Đất đai năm 2013;
1. Tố cáo về đất đai
Theo quy định của Khoản 1, Điều 2
Luật Tố cáo 2018 cũng xác định hành vi vi phạm pháp luật là đối tượng của tố cáo bao gồm:
– Hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ;
– Hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Quản lý đất đai thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Nhà nước – chủ thể thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Hoạt động quản lý về đất đai có thể liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức hoặc của những đối tượng khác được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ mà điển hình nhất là việc ban hành thực hiện các quyết định hành chính hành vi hành chính về đất đai như các quyết định giao đất, cho thuê đất; quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai,…. Hoạt động quản lý về đất đai còn liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý đất đai của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có liên quan trong lĩnh vực này. Trên thực tế, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ trong quản lý về đất đai hoặc bất cứ hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc thực các quyền và nghĩa vụ trong quản lý về đất đai, người phát hiện ra những hành vi vi phạm đó đều có quyền tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Như vậy, cùng với khiếu nại, tố cáo hướng đến mục đích bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp đã được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Khi cá nhân thực hiện hành vi tố cáo theo đúng quy định của pháp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tố cáo đó.
Từ những phân tích nêu trên có hiểu tố cáo về đất đai là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật về đất đai của bất kỳ cơ quan tổ chức, cá nhân nào trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ về quản lý đất đai hoặc thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong quản lý đất đai, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội.
2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo về đất đai
Hiện nay việc giải quyết tố cáo về đất đai được quy định trong Luật Đất đai như sau:
“Điều 205. Giải quyết tố cáo về đất đai
1. Cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.
2. Việc giải quyết tố cáo vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.”
Như vậy, Luật Đất đai không quy định cụ thể về thẩm quyền cũng như trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp về đất đai. Theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo năm 2018 thì:
“1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.”
Từ quy định trên, có thể thấy đối với tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật đất đai trong thực hiện nhiệm vụ của các cán bộ công chức, viên chức thì chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo đó chính là người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo đó giải quyết. Ví dụ cán bộ địa chính xã có hành vi vi phạm pháp luật đất đai thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải quyết tố cáo đó. Trong trường hợp người đứng đầu cơ quan hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan bị tố cáo về những hành vi vi phạm thì thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ thuộc về người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp giải quyết.
3. Trình tự giải quyết tố cáo về đất đai
Trình tự giải quyết tố cáo được quy định tại Luật Tố cáo năm 2018 như sau:
Các cá nhân có thể thực hiện quyền tố cáo của mình bằng cách tố cáo bằng đơn tố cáo hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước khi nhận được tổ cáo của người dân có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo về đất đai của người dân. Trình tự giải quyết tố cáo gồm 4 giai đoạn đó chính là thụ lý tố cáo; xác minh nội dung; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo. Thời hạn giải quyết tố cáo là 30 ngày có thể được gia hạn, thời hạn gia hạn tối đa là 60 ngày, phụ thuộc vào tính chất của vụ việc.
Sau khi tiếp nhận tố cáo, thì cơ quan nhận được tố cáo về đất đai tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo, nội dung tố táp, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thủ lý thì cơ quan ra quyết định thụ lý tố cáo. Nếu không đủ điều kiện thụ lý thì ra thông báo không thụ lý tố cáo. Nếu đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền của cơ quan nhận thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này tiến hành xem xét, quyết định thụ lý. Khi chuyển đơn tố cáo đồng thời phải thông báo cho người tố cáo biết. Trong trường hợp nếu thấy tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát có thẩm quyền để các cơ quan này thực hiện các hoạt động giải quyết tố cáo theo quy định.
Người giải quyết tố cáo tiến hành xác minh hoặc cấp dưới, cá nhân, tổ chức khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo. Trong quá trình xác minh tố cáo, thì các chủ thể phải tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, làm rõ nội dung tố cáo bằng các biện pháp theo luật định. Người giải quyết tố cáo có thể thành lập Đoàn xác minh tố cáo hoặc Tổ xác minh tố cáo. Trong hoạt động xác minh này, người bị tố cáo được giải trình, đưa ra các chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung cần xác minh.
Sau khi tiến hành xác minh nội dung tố cáo đến giai đoạn kết luận nội dung tố cáo. Chủ thể giải quyết tố cáo về đất đai dựa trên nội dung tố cáo về đất đai, giải trình của người bị tố cáo, và kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ,… để đưa ra kết luận nội dung tố cáo. Bản kết luận nội dung tố cáo đáp ứng các nội dung cần có được quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật Tố cáo.
Sau thời hạn 07 ngày kể từ ngày có kết luận nội dung tố cáo, thì người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý kết luận nội dung tố cáo. Nếu người bị tố cáo không vi phạm pháp luật đất đai thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm bên cạnh đó tiến hành xử lý hoặc kiến nghị chủ thể có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật; và khắc phục hậu quả xảy ra.
Còn nếu người bị tố cáo vi phạm pháp luật đúng như theo tố cáo thì người giải quyết tố cáo tiến hành áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền của hình hoặc nếu không có thẩm quyền giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo kiến nghị chủ thể có thẩm quyền xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật và khắc phục hậu quả xảy ra.
Nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì người giải quyết tố cáo cần chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để các cơ quan này xử lý.
Nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng thì họ có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo. Lúc này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo chính là người có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Chủ thể này sẽ tiến hành xem xét về hồ sơ giải quyết vụ việc và tiến hành các hoạt động cần thiết để giải quyết lại vụ việc tố cáo theo quy định tại Điều 37 Luật Tố cáo.