Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án? Tranh chấp hợp đồng được giải quyết ở tòa án hay trọng tài thương mại? Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài? Tranh chấp hợp đồng kinh tế khi một bên chết trước?
Dưới đây là bài phân tích mới nhất của Luật Dương Gia về các loại tranh chấp hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về hợp đồng khác, vui lòng liên hệ: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!
Khi thực hiện giao dịch về các vấn đề trong cuộc sống thì các bên hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức là hợp đồng. Lựa chọn hình thức hợp đồng khiến giao dịch đó được đảm bảo thực hiện trên thực tế cũng như có các tranh chấp phát sinh thì có căn cứ để giải quyết. Vậy hiện nay tranh chấp hợp đồng là như nào và để giải quyết tranh chấp thì ta có thể sử dụng những phương thức giải quyết như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích về vấn đề này.
1. Tranh chấp hợp đồng
Tranh chấp hợp đồng phát sinh khi các bên tham gia giao kết hợp đồng có những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng. Việc mâu thuẫn về nội dung hợp đồng có thể xuất phát từ việc đánh giá hành vi vi phạm, cách hiểu nội dung/ ngôn từ trong hợp đồng, cách thức giải quyết hậu quả phát sinh hoặc có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng ở đây thông thường có liên quan đến những loại hợp đồng chủ yếu như:
Tranh chấp hợp đồng luôn được giải quyết công bằng và công khai với những bên tham gia hợp đồng. Các bên có thể lựa chọn một phương thức phù hợp để giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng, vừa đảm bảo cho trật tự pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng
Khi có tranh chấp về cách hiểu nội dung trong hợp đồng thì các bên có thể lựa chọn một trong những phương thức sau đây để giải quyết.
+ Thứ nhất, phương thức thương lượng, hòa giải:
Đây là cách thức đầu tiên xuất hiện khi có bất kỳ vấn đề xung đột nào xảy ra, trong tất cả lĩnh vực và đương nhiên giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng nên ưu tiên sử dụng đến phương thức này. Việc thương lượng, hòa giải diễn ra giữa các bên tranh chấp, cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến cách hiểu thống nhất nội dung hợp đồng và đưa ra được phương án có lợi nhất, giảm thiểu nhiều thiệt hại nhất cho cả hai bên. Tức là để hai bên đều có lợi và đều tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận hòa giải.
Hai bên tự tổ chức các buổi đàm phán thiện chí để thương lượng, trao đổi với nhau. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp được coi trọng tại Việt Nam. Nếu hai bên không thể đi đến kết luận khi hòa giải thì mới phải lựa chọn những phương thức hòa giải khác. Tại Việt Nam, số lượng các vụ việc kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải tính bình quân phải chiếm khoảng 50% so với tổng số vụ việc được giải quyết tại Tòa án.
Phương thức thương lượng, hòa giải có rất nhiều ưu điểm như: đây là phương thức giải quyết nhanh chóng, đơn giản mà không mất phí; đây cũng là phương thức đầy thiện chí, một khi hai bên đã hòa giải được tức đồng nghĩa không phân định kẻ thắng hay người thua, tránh gây xung đột, đối đầu cho hai bên và có thể sau đó hai bên vẫn có thể hợp tác vui vẻ với nhau; việc giải quyết hòa giải tức chỉ có hai bên xung đột tham gia thương lượng, đàm phán mà không xuất hiện thêm bên thứ ba thì các bên sẽ giữ kín được các bí mật kinh doanh cũng như liên quan đến hóa đơn, chứng từ trong quá trình hợp tác kinh doanh; và đương nhiên việc giải quyết hòa giải êm đẹp cũng không gây mất hình ảnh, uy tín của các bên. Việc hòa giải bao giờ cũng xuất phát từ ý chí tự nguyện của hai bên nên khi đã thỏa thuận được thì hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện, tức tranh chấp được giải quyết triệt để trên cả thực tế.
Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng phương thức hòa giải vẫn còn một số hạn chế: việc hòa giải thành hay không thành phụ thuộc rất lớn về sự thiện chí cũng như sự bình tĩnh, hiểu biết của các bên tranh chấp nên có thể việc giải quyết bị kéo dài, bế tắc và có thể dẫn đến hậu quả hết thời hạn khởi kiện để giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tiếp nữa việc giải quyết bằng phương thức này không được bảo đảm bằng cơ chế pháp lý, mang tính bắt buộc, kết quả hòa giải đương nhiên cũng có thể không được bảo đảm thực hiện.
Phương thức thương lượng, hòa giải nêu trên đang phân tích dưới dạng tự hòa giải, tức các bên tự bàn bạc để đi đến ý kiến thống nhất phương án giải quyết mà không có bất cứ bên thứ ba nào can thiệp vào. Đây là một trong những phương thức chính để giải quyết tranh chấp. Còn thật ra, việc hòa giải còn đóng vai trò là bước đệm cho những phương thức giải quyết khác, như: hòa giải trong thủ tục tố tụng, hòa giải qua trung gian,…
+ Thứ hai, Phương thức giải quyết bởi Trọng tài thương mại
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ áp dụng đối với những hợp đồng có liên quan đến thương mại, nếu chỉ liên quan đến những vấn đề dân sự thông thường thì không thể lựa chọn cách thức này để giải quyết. Các bên có tranh chấp hợp đồng có thể thỏa thuận và ghi nhận bằng văn bản về việc khi phát sinh tranh chấp thì lựa chọn giải quyết bởi Trọng tài thương mại. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp qua Trọng tài viên – bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt mâu thuẫn đưa ra phán quyết yêu cầu các bên phải thi hành theo.
Thực tế, đây là phương thức bắt nguồn từ sự tự nguyện thỏa thuận của các bên và không mang ý chí quyền lực nhà nước. Tại Việt Nam, Trọng tài thương mại là tổ chức phi chính phủ, được hoạt động trên pháp luật và quy chế trọng tài quốc tế. Cơ chế giải quyết bằng trọng tài thì được thể hiện ở cả hai yếu tố là thỏa thuận và tài phán, coi như một cách khác của việc nói “tự do trong khuôn khổ”.
Khi đã lựa chọn cách thức giải quyết trọng tài, các bên có thể lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, luật áp dụng nhưng khi đã có kết quả giải quyết – phán quyết của trọng tài thì các bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Trọng tài giải quyết theo nguyên tắc xét xử một lần và phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm và không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tố tụng dân sự. Phán quyết có giá trị hiệu lực thi hành với các bên và nếu bên nào không thi hành thì bên còn lại có quyền yêu cầu ra Tòa án công nhận phán quyết và yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành.
Khi giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại có những ưu điểm so với các phương thức khác là:
Thủ tục trọng tài tương đối đơn giản và nhanh chóng. Khi giải quyết các bên hoàn toàn có quyền và có khả năng tác động đến quá trình trọng tài, thể hiện bằng quyền chỉ định trọng tài viên (nếu chọn được trọng tài viên nắm bắt chắc kiến thức, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu về vấn đề tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra nhanh chóng và chính xác). Mặc dù có sự can thiệp của một bên thứ ba vào quá trình giải quyết tranh chấp nhưng nguyên tắc của trọng tài là không công khai nên vẫn hạn chế được việc bị lộ những thông tin bí mật kinh doanh, từ đó cũng giữ được uy tín của các bên với các đối tác khác và trên cả thương trường. Ưu điểm cuối cùng của phương thức giải quyết bằng Trọng tài là không có sự can thiệp của quyền lực nhà nước nên rất phù hợp với việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài (ví dụ như đối tác làm ăn là công ty nước ngoài, hay đối tượng giao dịch nằm tại nước ngoài, …).
Có rất nhiều ưu điểm nhưng phương thức Trọng tài cũng không phải không có mặt hạn chế. Cũng như phương thức giải quyết thương lượng, hòa giải trên thì kết quả hòa giải chưa mang tính cưỡng chế thi hành, Trọng tài không phải là một trong những đại diện thực hiện quyền tư pháp của Việt Nam. Do đó, việc thực hiện quyết định trọng tài vẫn là phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên nên có thể không đạt được kết quả thực sự trên thực tế.
+ Thứ ba, Phương thức giải quyết tranh chấp qua Tòa án
Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng qua Tòa án có một số ưu điểm sau đây: Tòa án là một cơ quan tư pháp của nhà nước, mang và đại diện cho quyền lực nhà nước vậy nên khi có kết quả hòa giải của Tòa án, tức quyết định giải quyết của Tòa án sẽ mang tính cưỡng chế thi hành với các bên. Các bên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện quyết định của Tòa án nếu không sẽ bị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án. Với nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử tại Việt Nam hiện nay thì việc giải quyết tranh chấp tránh được những sai sót và có khả năng phát hiện, khắc phục. Một ưu điểm riêng, tại Việt Nam thì chi phí giải quyết qua Tòa án rẻ hơn so qua Trọng tài (án phí thấp hơn lệ phí Trọng tài).
Dĩ nhiên cũng như hai phương thức giải quyết tranh chấp trên, phương thức này cũng không hẳn toàn vẹn, vì nó cũng còn một số bất cập như việc thực hiện thủ tục tố tụng Tòa án tốn khá nhiều thời gian, nhiều vụ việc có thể kéo dài đến vài năm mà chưa giải quyết xong. Trừ việc cung cấp tài liệu, bằng chứng, chứng cứ và biện luận khi tranh tụng thì các bên không thể can thiệp vào quá trình tố tụng và phán quyết của Tòa án. Với nguyên tắc xét xử công khai thì các bên có thể sẽ bị lộ một số thông tin liên quan đến làm ăn, kinh doanh, hóa đơn, chứng từ và có thể bị sụt giảm về uy tín của mình. Với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì việc lựa chọn Tòa án, lựa chọn luật áp dụng còn phụ thuộc vào hợp đồng, các bên và những điều khoản quốc tế, điều khoản song phương giữa các quốc gia đã ký kết nên thủ tục giải quyết còn nhiều vướng mắc.
Trên đây là nội dung về các loại tranh chấp hợp đồng và các phương thức áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng. Nếu có bất kỳ vấn đề vướng mắc gì liên quan đến lĩnh vực pháp luật dân sự – thương mại hãy liên hệ với Luật Dương gia để được giải đáp.
Mục lục bài viết
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án
Tóm tắt câu hỏi:
Cảm ơn công ty đã tư vấn cho tôi, tôi đã ra tòa án huyện để khởi kiện theo hướng dẫn từ phía công ty nhưng được tòa trả lời rằng do nhóm thiết kế website tôi thuê đang ở Quận 9 TP. HCM nên nếu tôi muốn khởi kiện thì phải đến tòa án Quận 9 khời kiện. Hiện tôi đang ở Hà Nội và không thể đến TP. HCM được, vậy phía tòa án từ chối đơn kiện của tôi như vậy có đúng luật không? Giờ tôi cần làm gì tiếp theo để đòi lại quyền lợi của mình. Hiện tôi có đầy đủ hợp đồng và các tài liệu liên quan chứng minh rõ phía thiết kế website đã vi phạm hợp đồng đã ký.
Luật sư tư vấn:
Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Theo Điều 522 của “Bộ luật dân sự 2015” xác nhận nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ như sau:
“1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;
2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ;
3. Bảo quản và phải giao lại cho bên thuê dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;
4. Báo ngay cho bên thuê dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;
5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định;
6. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.”
Trước hết, các bên nên thỏa thuận về quyền lợi của các bên, nếu không thỏa thuận được bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) để yêu cầu giải quyết.
Luật sư
Tòa án có thẩm quyền giải quyết đầu tiên và trước hết là Tòa án theo hợp đồng theo thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng các quy định về thẩm quyền của Tòa án được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể:
Tại Điều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự đã ghi nhận về thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu như sau:
“1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Toà án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi có một trong các bất động sản giải quyết”.
Do bạn không nói rõ cụ thể trường hợp bạn tranh chấp phát sinh như thế nào nên bạn hãy căn cứ vào thẩm quyền của Tòa theo lựa chọn của nguyên đơn tại Điều 46 để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
2. Tranh chấp hợp đồng được giải quyết ở tòa án hay trọng tài thương mại?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư. Em có vay tín chấp của PPF để mua điện thoại trả góp số tiền là 6.100.000 vnd. Do sau khi em mua điện thoại xong em bị mắc nợ nên chưa đóng tiền được 1 tháng nào. Đến nay tính từ lúc em vay là gần 2 năm. Hiện công ty PPF kiện em ra Trung tâm trọng tài thương mại Đông Dương. Em muốn hỏi luật sư tư vấn giúp em là em có nên để giải quyết sự việc tại công ty trọng tài hay là ở toà án vì em đọc thấy luật là bị đơn của vay tín chấp có quyền lựa chọn? Em xin cảm ơn luật sư. Mong luật sư tư vấn cho em để em có sự lựa chọn đúng ạ.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 471 “Bộ luật dân sự 2015”:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Khi giao kết hợp đồng vay tiền với công ty tài chính PPF, bạn đã có các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng; và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó bạn đó có nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 474 “Bộ luật dân sự 2015”:
“- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
………….
– Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
– Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
Khi bạn không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì bạn đó có thể thương lượng, thỏa thuận với công ty tài chính PPF về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn trả nợ… Hai bên có thể tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên.
Theo quy định tại Điều 5
“Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.”
Theo thông tin bạn cung cấp, không rõ giữa bạn và công ty PPF có thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại Đông Dương hay không? Nếu trong hợp đồng vay tín chấp với PPF trước đây, bạn và PPF đã thỏa thuận khi có tranh chấp sẽ giải quyết tại Trọng tài thương mại Đông Dương thì việc PPF kiện bạn ra Trọng tài thương mại Đông Dương là đúng quy định pháp luật và trường hợp này Tòa án không có thẩm quyền giải quyết. Nếu trước đó giữa bạn và công ty PPF không có sự thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại Đông Dương thì Trung tâm trọng tài thương mại Đông Dương không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, và việc mà công ty PPF khởi kiện bạn ra Trung tâm trọng tài thương mại Đông dương là không có căn cứ.
Khi đó, nếu bạn đó không có khả năng trả nợ thì công ty tài chính PPF có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự là 02 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.
Trong trường hợp, công ty PPF khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì bạn của bạn với tư cách là bị đơn, có các quyền, nghĩa vụ theo Điều 58 và Điều 60 Bộ luật Tố tụng dân sự .
Khi tòa án giải quyết vụ tranh chấp dân sự giữa người bạn và công ty tài chính PPF thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
“- Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;
– Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.”
Trong trường hợp, công ty tài chính PPF và bạn tự hòa giải và tự giải quyết được tranh chấp thì tòa án ra Quyết định công nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp, hai bên không tự hòa giải được thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Và đương nhiên, cho dù tự hòa giải hay tòa án giải quyết thì bạn vẫn luôn luôn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ trả nợ đối với công ty tài chính PPF theo hợp đồng đã giao kết và theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) vì đây là trách nhiệm dân sự mà bạn đó phải gánh chịu do vi phạm nghĩa vụ dân sự .
Khi xem xét các quy định trên cùng với những thông tin bạn cung cấp thì có thể nhận thấy rằng, vì bạn đã không thực hiện nghĩa vụ của mình, do đó, bạn nên thỏa thuận trực tiếp với công ty PPF để hoàn thành nghĩa vụ là thanh toán số tiền vay trước khi công ty PPF khởi kiện bạn ra Tòa án.
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài
Tóm tắt câu hỏi:
Một thương nhân Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội đã giao kết hợp đồng mua bán cá hồi với một thương nhân B có trụ sở tại Trung Quốc. Hợp đồng được ký kết tại Pháp .Theo hợp đồng, hàng hóa sẽ được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.Trong quá trình thực hiện hợp đồng đã xảy ra tranh chấp vi vậy công ty Trung Quốc không giao đủ hàng. Công ty Việt Nam khởi kiện tại TAND Thành phố Hà Nội và tòa án đã thụ lý vụ kiện. Hỏi:
1. Toà án Việt Nam thụ lý giải quyết có đúng thẩm quyền không vì sao?
2. Pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về tư cách chủ thể hình thức và nội dung hợp đồng trên?
Luật sư tư vấn:
1. Toà án Việt Nam thụ lý giải quyết có đúng thẩm quyền không vì sao?
Trước tiên, để xác định Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Trung Quốc hay không cần dựa vào thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng quy định một cơ quan giải quyết tranh chấp là một cơ quan giải quyết tranh chấp khác Toà án Việt Nam thì Toà án Việt Nam sẽ không có thẩm quyền đương nhiên giải quyết mà cơ quan giải quyết tranh chấp mà các bên thoả thuận trong hợp đồng sẽ có thẩm quyền đương nhiên khi mà hợp đồng hợp pháp. Nếu Toà án Việt Nam vẫn thụ lý vụ án trong trường hợp này, bản án có thể không được chấp nhận tại Trung Quốc (nơi doanh nghiệp Trung Quốc có trụ sở).
Trong trường hợp hợp đồng không có thoả thuận và theo Tư pháp Quốc tế, mỗi nước có những quy định riêng biệt về thẩm quyền của Toà án nước mình trong việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Tư pháp Quốc tế các nước cũng như Việt Nam công nhận thẩm quyền chung của Toà án nước mình trong việc giải quyết tranh chấp mà một bên trong tranh chấp có trụ sở chính hay quốc tịch nước mình (hệ thuộc luật quốc tịch). Do đó, Toà án Việt Nam có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án.
Căn cứ Điều 410 tại Bộ Luật Tố tụng dân sự 2004 có quy định:
1. Thẩm quyền của Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo quy định tại Chương III của Bộ luật này, trừ trường hợp Chương này có quy định khác.
2. Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cơ quan, tổ chức nước ngoài có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc bị đơn có cơ quan quản lý, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;
b) Bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam hoặc có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
c) Nguyên đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam đối với vụ việc dân sự về yêu cầu đòi tiền cấp dưỡng, xác định cha mẹ;
d) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật Việt Nam hoặc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ít nhất một trong các đương sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
đ) Vụ việc dân sự về quan hệ dân sự mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc xảy ra ở nước ngoài, nhưng các đương sự đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam và nguyên đơn hoặc bị đơn cư trú tại Việt Nam;
e) Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
g) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam.
Trong vụ việc trên, tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện một phần xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam (một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp Việt Nam có nghĩa vụ trả tiền cho hợp đồng), theo đó căn cứ vào Điểm e Khoản 2 Điều 410 Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 thì Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khi doanh nghiệp Việt Nam nộp đơn kiện doanh nghiệp Trung Quốc.
2. Pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về tư cách chủ thể hình thức và nội dung hợp đồng trên?
Trong Tư pháp Quốc tế, việc xác định pháp luật áp dụng thường được xác định dựa trên thoả thuận giữa các bên. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận thì Toà án thụ lý vụ án sẽ có thẩm quyền xác định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ việc trên. Thông thường, Toà án nước nào thụ lý vụ án sẽ áp dụng quy phạm pháp luật nước mình để xem xét pháp luật được áp dụng trong hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 769 và Điều 770 Bộ luật dân sự 2005:
Điều 769: Hợp đồng dân sự
1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác.
Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 770. Hình thức của hợp đồng dân sự
1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam.
2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo các quy định trên, hình thức hợp đồng sẽ tuân theo pháp luật nước nơi giao kết hợp đồng tức là pháp luật Pháp sẽ điều chỉnh về hình thức hợp đồng ( khoản 1 Điều 770 Bộ luật dân sự 2005).
4. Tranh chấp hợp đồng kinh tế khi một bên chết trước
Tóm tắt câu hỏi:
Tháng 1/2016 Ông Thành đến gặp nghệ nhân An tạc 300 bức tượng bằng gỗ mít xuất sang thị trường Nhật. Hiện tai Ông An chỉ còn 100 bức tượng không thể đạt yêu cầu của ông Thành, nên ông Thành đã đề nghị nhân luôn 100 bức tượng đó, số còn lại ông Thành sẽ đến nhận sau 1 tháng đồng thời ông Thành cũng đồng ý trả cho ông An đủ số tiền 100 bức tượng đó và đưa trước cho ông An ½ số tiền của 200 bức tượng còn lại.
10 ngày sau ông Thành bị thiệt mạng do tai nạn, con của ông Thành là anh Lập đã bán 100 bức tượng đã nhận và biên lai của 200 bức tượng còn lai cho anh Long. Lập còn bảo anh Long đến hạn thì cứ đến của hàng của ông An để nhận tượng. Đến hạn Long đến nhận hàng thì Ông An bảo chưa tạc xong do trong mấy tháng qua nguồn gỗ mít khan hiếm nên không có nguyên liệu để làm.
Long đòi ông An bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí cho anh vì anh đã ký hợp đồng vận chuyển lô hàng này ra nước ngoài. Ông AN không chiu bồi thương vì cho rằng ông ký hợp đồng với ông Thành chứ không phải với Long và cũng không được ông Thành báo trước là đã chuyển nhương số hàng nay cho người khác. Theo quy định của pháp luật hiện hành. Anh chị hãy cho biết:
1/ Hợp đồng giữa ông Thành và Ông An là hợp đồng gì?
2/ Lập luận của ông Long và Ông An ai dụng? Ai sai?
3/ Tranh chấp trên giải quyết như thế nào ? Vì sao giải quyết như thế?
Luật sư tư vấn:
1. Xác định loại hợp đồng giữa ông Thành và ông An.
Theo quy định Điều 428 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”.
Theo bạn trình bày tháng 1/ 2016 ông Thành đến gặp nghệ nhân An tạc 300 bức tượng bằng gỗ mít xuất sang thị trường Nhật. Vì ông An chỉ còn 100 bức tượng, không thể đạt yêu cầu của ông Thành, nên ông Thành đã đề nghị nhận luôn 100 bức tượng đó, số còn lại ông Thành sẽ đến nhận sau 1 tháng đồng thời ông Thành cũng đồng ý trả cho ông An đủ số tiền 100 bức tượng đó và đưa trước cho ông An ½ số tiền của 200 bức tượng còn lại.
Như vậy hợp đồng giữa ông Thành và ông An là hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể là hợp đồng mua bán 300 bức tượng gỗ mít. Việc ông Thành đưa trước cho ông An 1/2 số tiền cho 200 bức tượng còn lại được xem là khoản tiền ông Thành trả trước rồi nhận hàng hóa sau.
2. Lập luận của ông Long và ông An ai đúng ai sai?
Do xác định giữa ông Thành và ông An đã giao kết một hợp đồng dân sự, cụ thể là hợp đồng mua bán tài sản mà trong đó, ông An có nghĩ vụ giao tài sản – 200 bức tượng cho ông Thành trong thời hạn 1 tháng và ông Thành có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền tương ứng còn lại sau khi trả trước. Nghĩa vụ dân sự phát sinh khi hợp đồng được giao kết và chủ thể giao kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tương ứng đã thỏa thuận.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 424 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”
Như vậy, theo khoản 3 nêu trên thì khi cá nhân giao kết hợp đồng chết thì hợp đồng dân sự bị chấm dứt. Tuy nhiên chỉ những hợp đồng nào mà do tính chất của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó hoặc do các bên đã thoả thuận trước là người có nghĩa vụ phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ hay chỉ người có quyền mới được hưởng lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì khi họ chết, hợp đồng mới chấm dứt.
Vì vậy, trong trường hợp khi ông Thành bị tai nạn rồi chết và trong thỏa thuận hợp đồng không có điều khoản quy định bắt buộc ông Thành phải là người trực tiếp thanh toán tiền khi nhận tài sản đến hạn thì không đồng nghĩa với việc giao dịch dân sự này chấm dứt. Có nghĩa sau khi hết hạn hợp đồng, ông An có trách nhiệm giao 200 bức tượng và nhận tiền theo đúng thảo thuận.
Trong trường hợp ông Thành chết sẽ làm phát sinh quan hệ thừa kế giữa những người có quyền hưởng thừa kế. Do đó, trong trường hợp anh Lập – con trai ông Thành được thừa kế phần tài sản liên quan là 100 bức tượng đã thanh toán ban đầu và 200 bức tượng chưa đến hạn thì lúc này, Lập sẽ là người chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản tiền còn lại thay ông Thành.
Việc anh Lập bán lại 100 bức tượng đã nhận và biên lai của 200 bức tượng còn lai cho anh Long đã thực hiện việc chuyển giao quyền yêu cầu cho anh Long. Đồng thời Điều 309 “Bộ luật dân sự 2015” quy định như sau:
“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, khi anh Lập chuyển giao quyền yêu cầu của mình cho anh Long thì phải có thông báo bằng văn bản cho ông An biết về việc này nhưng không cần phải nhận được sự đồng ý của ông An.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin đưa ra thì ông An đưa ra việc không nhận được thông báo từ ông Thành về việc chuyển giao số hàng này cho người khác nhưng trên thực tế, do tai nạn bát ngờ nên người gửi thông báo sẽ là người được hưởng thừa kế từ ông Thành – anh lập. Nhưng do anh Lập không có thông báo về việc chuyển giao quyền nên căn cứ vào “Bộ luật dân sự 2015” như sau:
“Điều 314: Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ
1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.’
Do đó, trong trường hợp này, ông An có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với anh Long. Tuy không thực hiện nghĩa vụ với anh Long nhưng ông An vẫn không đảm bảo số hàng đúng số lượng để giao cho anh Lập.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 435 “Bộ luật dân sự 2015” quy định như sau:
“1. Trong trường hợp bên bán giao vật với số lượng nhiều hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì việc thanh toán được thực hiện theo thoả thuận đối với phần dôi ra.
2. Trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
a) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;
b) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;
c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, ông An vì không giao được hàng đúng hẹn nên trong trường hợp này, ông An có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại lại cho phía anh Lập nếu có yêu cầu bồi thường hoặc các bên có thỏa thuận về thời hạn bàn giao phần còn thiếu.