Một số quy định về Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh? Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh?
Hệ thống tòa án nhân dân được tổ chức theo một hệ thống do pháp luật quy định từ Tòa án nhân dân tối cao xuống Tòa án nhân dân cấp huyện nhằm mục đích để thực hiện chức năng chính là xét xử. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hiện là một cơ quan cấp thấp nhất trong hệ thống Tòa án tuy nhiên cũng có những vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Trên thực tế, đối với những người không hoạt động trong ngành tư pháp hay không có hiểu biết nhất định về pháp luật thì không phải ai cũng hiểu rõ về Tòa án và thẩm quyền của cơ quan Tòa án các cấp. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Một số quy định về Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
1.1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là gì?
Hiện nay, hệ thống toà án nhân dân ở Việt Nam bao gồm: Toà án nhân dân tối cao, các toà án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương là cơ quan Tòa án nhân dân cấp thấp nhất trong hệ thống tòa án và có nhiệm vụ thực hiện chức năng xét xử theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật Việt Nam quy định.
Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc tương đương có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Đối với những trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh an Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc. Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó Chánh tòa, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên về thi hành án, công chức khác và người lao động.
Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay chưa được tổ chức thành các đơn vị chuyên môn tuy nhiên pháp luật hiện hành đã cho phép như vậy theo quy định cụ thể tại Điều 38, 39 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 và Khoản 1 Điều 45 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Ngoài các chủ thể cụ thể như là thẩm phán, tòa án nhân dân cấp huyện có bộ máy giúp việc. Đứng đầu tòa án nhân dân cấp huyện là Chánh án, giúp việc có Phó Chánh án theo quy định cụ thể tại Khoản 2, 3 Điều 45 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014.
1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương được quy định cụ thể ở Điều 44 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với nội dung như sau:
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có quyền sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.
– Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có quyền giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, trên thực tiễn, nhằm để hoạt động xét xử của cơ quan Tòa án nhân dân cấp huyện được bảo đảm và những vai trò của hệ thống oà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương được nâng cao, Nhà nước ta cần thực hiện các giải pháp sau: ban hành các chính sách, quy định nhằm đề cao trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nguyên tắc Hiến định về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của các chủ thể trong toàn xã hội; cần đảm bảo áp dụng pháp luật một cách thống nhất; làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm đối với các chủ thể có thẩm quyền trong cơ quan Tòa án các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân các cấp; nhanh chóng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế phục vụ cho hoạt động xét xử của Tòa án.
2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
2.1. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 :
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định, hướng dẫn cụ thể tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể với nội dung như sau:
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp cụ thể sau đây:
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật Tô tụng Dân sự năm 2015, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về dân sự quy định cụ thể tại các khoản 1,2 ,3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 cảu Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về hôn nhân gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
+ Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
– Những tranh chấp, yêu cầu được quy định cụ thể bên trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
– Cơ quan Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha, mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự đã quy định rất cụ thể về thẩm quyền của hệ thống Tòa án nhân dân cấp huyện. Tòa án nhân dân cấp huyên được pháp luật Việt Nam cho phép giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp và yêu cầu cụ thể liên quan đến dân sự, hôn nhân gia đinh, kinh doanh, thương mại và hôn nhân.
2.2. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 :
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện được quy định, hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 268 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể với nội dung như sau:
Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các loại tội phạm sau:
– Tội phạm ít nghiêm trọng: tội phạm ít nghiêm trọng được hiểu là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
– Tội phạm nghiêm trọng: tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.
– Tội phạm rất nghiêm trọng: Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.
Ngoại trừ những tội phạm sau đây:
– Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
– Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
– Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội quy định tại các Điều 123 (tội giết người), Điều 125 (tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), Điều 126 (Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), Điều 227 (tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên) , Điều 277 (tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay), Điều 278 (tội cản trở giao thông đường không), Điều 279 (tội đưa vào sử dụng tàu bay, thiết bị bảo đảm hoạt động bay không đảm bảo an toàn) , Điều 280 (tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay), Điều 282 (tội chiếm đoạt tàu bay, tàu biển), Điều 283 (tội điều khiến tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 284 (tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt đông của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử), Điều 287 (Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử), Điều 288(Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông) , Điều 337 (Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước), Điều 368 (Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội), Điều 369 (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội), Điều 370 (tạo ra bản án trái pháp luật), Điều 371 ( tội ra quyết định trái pháp luật), Điều 399 (tội đầu hàng địch) và Điều 400 (tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh) của Bộ luật hình sự năm 2015.
– Tòa án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Pháp luật tố tụng hình sự cũng đã ban hành các quy định rất cụ thể về thẩm quyền của hệ thống Toà án nhân dân cấp huyện. Việc ban hành các quy định cụ thể nêu trên đã góp phần quan trọng để đảm bảo các vụ án hình sự được giải quyết ở các cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo quyền lợi của các đương sự và tính chính xác của vụ án.