Hoạt động xét xử chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm trong tố tụng hình sự được quy định như sau:
Nguyên tắc thẩm phán và Hội thẩm xét xử chỉ tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự đề cao trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm. Buộc họ nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, chủ động nghiên cứu mọi tình tiết của vụ án, không bị lệ thuộc vào những lý do của những người tham gia tố tụng hay những kết luận của Viện Kiểm sát đưa ra. Nguyên tắc này đòi hỏi các Thẩm phán và Hội thẩm phải luôn luôn đề cao ý thức cá nhân với tư cách là người nhân danh nhà nước thực hiện chức năng xét xử để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các Thẩm phán và Hội thẩm phải thật sự chí công vô tư, kiên quyết bảo vệ pháp luật. Nguyên tắc loại trừ việc can thiệp không cần thiết, thậm chí tiêu cực của các cơ quan, tổ chức khác đến hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm. Hơn nữa, xuất phát từ thực tiễn, chúng ta thấy nguyên tắc còn đảm bảo sự độc lập giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử, hạn chế sự phụ thuộc của Hội thẩm đối với Thẩm phán cũng như sự tác động tiêu cực của Thẩm phán đến Hội thẩm. Như vậy, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ được dựa vào các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án, chứ không được áp đặt ý chí chủ quan của mình và pháp luật là căn cứ duy nhất để giải quyết vụ án. Thẩm phán và hội thẩm cần phát huy quyền năng cao quý của mình để giải quyết vụ án một cách khách quan, chính xác trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật.
Tuân theo pháp luật hình sự: Luật hình sự nói chung bao gồm cả luật thực định và khoa học về luật hình sự. Bộ luật hình sự là căn cứ để xác định tội danh và mức hình phạt cho một hành vi phạm tội. Để có thể áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải năm vững kiến thức pháp luật từ đó xét xử đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Tuân theo pháp luật tố tụng hình sự: Có thể chia hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước ngày mở phiên tòa. Đây là giai đoạn Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nghiên cứu hồ sơ vụ án, từ đó xây dựng kế hoạch xét hỏi và những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, từ đó có kế hoạch ứng phó thích hợp với những diễn biến phát sinh. Giai đoạn thứ hai là tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần nắm chắc quy định của Bộ luật tố tụng hình sự từ thủ tục bắt đầu tại phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, trong đó quan trọng nhất là phần xét hỏi, tranh luận và nghị án. Hội đồng xét xử cần phát huy vai trò là cán cân công lí của mình, xét xử đúng trình từ thủ tục pháp luật quy định, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của người phạm tội,…
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Tuân theo các văn bản pháp luật khác có liên quan:
Pháp luật dân sự: khi giải quyết vụ án hình sự, hội đồng xét xử không chỉ giải quyết vấn đề tội danh, mức hình phạt,… mà còn phải đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến vụ án. Vì vậy, nhiều vụ án, hội đồng xét xử phải giải quyết chủ yếu là giải quyết việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải dựa trên các quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn có liên quan, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với quy định của pháp luật, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận của các bên, không định đoạt một cách chủ quan, dựa vào tình cảm cá nhân để ấn định mức bồi thường.
Pháp luật chuyên ngành khác: Hoạt động định tội danh là một hoạt động khá phức tạp đòi hỏi những người làm công tác xét xử phải có kiến thức tổng hợp về pháp luật chứ không đơn thuần là chỉ hiểu biết các quy định của luật hình sự. Một số tội danh không được mô tả cụ thể chi tiết tại các điều luật của Bộ luật hình sự mà hành vi cụ thể chỉ được quy định đầy đủ tại các văn bản pháp luật chuyên ngành ví dụ như các tội phạm trong lĩnh vực y tế, xây dựng,… Vì vậy, hội đồng xét xử phải nắm rõ và tuần theo các quy định của pháp luật hình sự, cũng như pháp luật chuyên ngành để đảm bảo tính đúng đắn của các vấn đề có liên quan. Ngoài ra, Thẩm phán và Hội thẩm cũng phải tuân thủ các văn bản hướng dẫn của TANDTC, các thông tư, nghị quyết,… để có thể giải quyết chính xác các trường hợp cụ thể.