Hợp đồng dự án đầu tư được xem là phương tiện để các chủ thể thuyết phục các tổ chức tài chính trong và ngoài nước thực hiện hoạt động tài trợ, vay vốn. Vậy tạm ứng hợp đồng dự án đầu tư công nào bắt buộc phải có bảo lãnh?
Mục lục bài viết
1. Tạm ứng hợp đồng dự án đầu tư công nào phải có bảo lãnh?
Căn cứ theo quy định tại Điều 292 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, theo đó bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà bộ luật dân sự hiện nay đảng quy định. Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 335 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về bảo lãnh. Theo đó, biện pháp bảo lãnh được quy định như sau:
– Bảo lãnh là việc bên bảo lãnh đưa ra cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc, bên bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc bên được bảo lãnh thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết;
– Các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc, bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Theo đó thì có thể nói, bảo lãnh là việc người thứ ba đứng ra cam kết với bên có quyền rằng họ sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho người có nghĩa vụ, nếu như trong trường hợp khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc bên được bảo lãnh không có khả năng để thực hiện nghĩa vụ đó. Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng được xem là hình thức ràng buộc mang tính chất pháp lý để các nhà thầu không vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng thi công công trình xây dựng, đảm bảo rằng các nhà thầu không vi phạm tiến độ thực hiện hợp đồng và bảo đảm các nhà thầu sử dụng các khoản tiền tạm ứng đúng với mục đích và đúng với thời gian tạm ứng. Việc bảo lãnh tạm ứng hợp đồng chỉ được thực hiện khi hợp đồng xây dựng đó đã phát sinh hiệu lực trên thực tế, đối với hợp đồng thi công công trình xây dựng thì phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng được lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, có quy định như sau:
– Đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng với số lượng lớn hơn 1.000.000.000 đồng thì theo quy định của pháp luật bắt buộc phải có bảo lãnh tạm ứng. Cụ thể như sau:
+ Chủ đầu tư gửi đến các cơ quan kiểm soát, thanh toán bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc các nhà cung cấp với giá trị của từng loại tiền tương đương với khoản tiền tạm ứng trước khi có cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện hoạt động chuyển tiền tạm ứng hợp đồng cho các chủ đầu tư để thực hiện thủ tục tạm ứng vốn cho các nhà đầu tư hoặc cho các nhà cung cấp;
+ Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng trong trường hợp này sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật, tức là sẽ được giảm trừ tương đương với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi thông qua mỗi lần thanh toán được thực hiện giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trên thực tế. Chủ đầu tư cần phải bảo đảm và phải chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng. Tức là giá trị đó phải tương đương với số dư tiền tạm ứng còn lại;
+ Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi các chủ đầu tư đã thu hồi hết toàn bộ số tiền tạm ứng, và đồng thời phải được quy định cụ thể trong hợp đồng thông qua quá trình ký kết giữa các bên và trong văn bản bảo lãnh tạm ứng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn trên thực tế, các đối tượng được xác định là chủ đầu tư sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng, sau đó gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán để làm căn cứ kiểm soát chi tiết theo quy định của pháp luật. Chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm theo dõi về thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng.
Theo như phân tích nêu trên thì có thể thấy, các hợp đồng sử dụng vốn đầu tư công có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 1.000.000.000 đồng thì pháp luật yêu cầu bắt buộc phải có bảo lãnh tạm ứng.
2. Các trường hợp nào không được yêu cầu bảo lãnh tạm ứng?
Pháp luật hiện nay cũng đã quy định những trường hợp không được phép yêu cầu bảo lãnh tạm ứng. Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, có quy định về các trường hợp không được yêu cầu bảo lãnh tạm ứng. Cụ thể như sau:
– Hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn 1.000.000.000 đồng hoặc bằng 1.000.000.000 đồng, các loại hợp đồng đơn giản, hợp đồng có quy mô nhỏ thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận tại hợp đồng sao cho phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu và phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng;
– Hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện, bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia;
– Hợp đồng ủy thác quản lý dự án công trình xây dựng;
– Các công trình thực hiện không thông qua hợp đồng, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (ngoại trừ trường hợp công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bắt buộc phải xây dựng các công trình);
– Các trường hợp tạm ứng chi phí ban quản lý dự án cho các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư.
Theo đó, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì chủ đầu tư dự án sẽ không được các yêu cầu bảo lãnh tạm ứng.
3. Quy định về vấn đề tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, có quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng. Cụ thể như sau:
– Việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng sẽ cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tức là việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể như sau:
+ Trong trường hợp hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại, trong hợp đồng đó có các quy định khác với quy định của pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng, về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng thì sẽ thực hiện theo hợp đồng đã ký kết;
+ Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần phải tạm ứng ở mức độ cao hơn mức quy định của pháp luật, cơ quan kiểm soát và thanh toán sẽ thực hiện tạm ứng theo đề nghị của các cơ quan chủ quản, tuy nhiên không vượt quá vốn kế hoạch được giao trong năm của dự án đó;
+ Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần phải tạm ứng khi chưa có đủ chứng từ tạm ứng theo quy định của Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, thì cơ quan chủ quản sẽ có văn bản gửi tới cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ tài chính để xem xét và xử lý cụ thể.
– Hồ sơ tạm ứng sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau: Văn bản đề nghị tạm ứng vốn cho từng nội dung công việc của cơ quan chủ quản, giấy đề nghị thanh toán vốn theo mẫu do pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.