Anh rể làm đơn ly hôn, đóng 200.000 tiền án phí sơ thẩm. Nhưng anh chị không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung nên trong quá trình hòa giải chị gái tôi đã yêu cẩu tòa án chia tài sản chung.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư! Tôi có một trường hợp như sau, mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Tòa án đang thụ lý hồ sơ vụ án ly hôn của chị gái tôi. Anh rể tôi làm đơn ly hôn nên đã phải đóng 200.000 tiền án phí sơ thẩm. Nhưng anh chị không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung nên trong quá trình hòa giải chị gái tôi đã yêu cẩu tòa án chia tài sản chung. Tòa yêu cầu kê khai tài sản : Anh chị tôi có 1.808 m2 đất nông nghiệp trồng lúa. 2.000.000 m2 đất (trong đó 150 m2 đất ở tại nông thôn sử dụng lâu dài + 1850 m2 đất trồng cây lâu năm sử dụng đến năm 2056) và 400 m2 đất trồng cây hàng năm thời hạn đến 2027. Căn nhà 300 m2 mặt sàn, bếp , công trình phụ và đồ đạc trong nhà như tivi tủ lạnh bàn ghế….Theo chị tôi, giá trị tổng tổng giá trị tài sản khoảng 1 tỷ đồng. Nhân viên tòa án yêu cầu chị tôi phải nộp 25 triệu đồng tiền tạm ứng án phí sơ thẩm về việc chia tài sản và cho thời hạn 15 ngày để nộp. Và Tòa án có trả lời sau này tòa mời hội đồng thẩm định đến đo đạc và định giá tổng tài sản. Chị tôi phải trả công và chi phí cho họ khi định giá đó. Vậy xin hỏi luật sư :
1. Nhân viên tòa án làm và yêu cầu như vậy có đúng luật không?
2. Để nhờ tòa chia tài sản chị tôi phải cung cấp cho tòa những giấy tờ gì và thủ tục thế nào ?
3. Nếu chị tôi không đồng ý với kết luận chia tài sản của tòa sơ thẩm thì có kháng cáo được không ? Thời hạn kháng cáo là bao nhiêu ngày ? Án phí kháng cáo sẽ tính như thế nào ?
4. Nếu chị tôi xin kê khai lại tài sản (định giá lại tổng tài sản) là 500 triệu để nộp án phí thì có được không ?
5. Luật quy định cách chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như thế nào? Chia bằng tiền hay bằng hiện vật ? Anh chị tôi có hai con gái, môt 18 tuổi và một 14 tuổi thì các con có được chia tài sản đó không ?
6. Kết luận của tòa án về việc chia tài sản sẽ được thi hành như thế nào ? Có biện pháp cưỡng chế gì không nếu anh rể tôi không tuân thủ bản án có hiệu lực ?
7. Căn nhà của anh chị tôi nếu theo đánh già thì không thể ngăn đôi được. Vậy trường hợp này tòa sẽ căn cứ thế nào để chia căn nhà đó ? Ví dụ một người lấy nhà còn người kia lấy tiền thì người lấy nhà sẽ thay đổi quyền sử dụng như thế nào? Và thủ tục ra sao?
8. Nếu chị tôi không có tiền nộp án phí về việc chia tài sản thì tòa có xét xử cho anh rể tôi ly hôn mà không đề cập đến việc chia tài sản hay không ? Nếu ly hôn rồi mà chưa chia được tài sản thì sau này sẽ như thế nào?
9. Anh rể tôi sống như vợ chồng với người khác và đánh đập chị tôi (còn đầy đủ chứng từ xã giải quyết và giấy viện) thì có là tình tiết như thế nào trong vụ án ly hôn này không?
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Nhân viên tòa án làm và yêu cầu như vậy có đúng luật không?
Tòa án yêu cầu như vậy là có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Vấn đề thứ nhất: Tiền tạm ứng án phí
Trường hợp này là án phí có giá ngạch. Chị của bạn có yêu cầu chia tài sản sẽ có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tóa án năm 2009: Trong vụ án dân sự có giá ngạch phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết. Đối chiếu với trường hợp của chị bạn, nếu Tòa án dự tính giá trị tài sản là 1 tỷ đồng thì số tiền tạm ứng án phí phải nộp là: Giá trị tài sản tranh chấp: Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng là 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng. Như vậy, số tiền phải nộp tạm ứng án phí: 23 triệu đồng
Lưu ý: Phân tích nêu trên là tiền tạm ứng án phí, vấn đề về nghĩa vụ án phí thì anh rể của bạn vẫn sẽ phải chịu nếu sau này được hưởng tải sản từ tài sản mà Tòa án đã chia (Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Pháp lệnh này, còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia – Khoản 9 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tóa án năm 2009)
Vấn đề thứ hai: Tiền tạm ứng chi phí định giá
– Nghĩa vụ nộp tiến tạm ứng chi phí định giá được quy định tại Điều 140 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004:
Điều 140. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí định giá
1. Người yêu cầu định giá phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá, trừ trường hợp các bên đương sự có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Trong trường hợp các bên đương sự không thống nhất được về giá mà yêu cầu Toà án định giá hoặc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 92 của Bộ luật này thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí định giá.
Trường hợp trên, chị gái của bạn có yêu cầu nên sẽ phải nộp tiền tạm ứng chi phí định giá theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ nộp tiền chi phí định giá:
Trong trường hợp định giá để chia tài sản chung thì mỗi người được chia tài sản phải chịu phần chi phí định giá theo tỷ lệ giá trị phần tài sản mà họ được chia. ( khoản 5 Điều 142 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004)
– Xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá đã nộp: ( Điều 141 Bộ luật tố tụng dân sự 2004)
Điều 141. Xử lý tiền tạm ứng chi phí định giá đã nộp
1. Trong trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá không phải nộp chi phí định giá thì người phải nộp chi phí định giá theo quyết định của Toà án phải hoàn trả cho người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá.
2. Trong trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng chi phí định giá phải nộp chi phí định giá, nếu số tiền tạm ứng đã nộp chưa đủ cho chi phí định giá thực tế thì họ phải nộp thêm phần tiền còn thiếu đó; nếu số tiền tạm ứng đã nộp cao hơn chi phí định giá thực tế thì họ được trả lại phần tiền còn thừa đó.
2. Để nhờ tòa chia tài sản chị tôi phải cung cấp cho tòa những giấy tờ gì và thủ tục thế nào ?
Giấy tờ phải cung cấp cho Tòa án:
– Đơn yêu cầu chia tài sản chung;
– Đơn yêu cầu định giá tài sản;
– Giấy tờ xác nhận tài sản chung của vợ chồng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( Nếu tài sản tranh chấp là đất); Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất (Nếu tài sản tranh chấp là nhà ở gắn liền với đất); các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với động sản…
Thủ tục: Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ yêu cầu, chị gái của bạn nộp hồ sơ và nộp tiền tạm ứng án phí có giá ngạch đối với giá trị tài sản tranh chấp. Tiếp đến, nộp tiền tạm ứng định giá tài sản để Tòa án lập Hội đồng định giá tài sản.
3. Nếu chị tôi không đồng ý với kết luận chia tài sản của tòa sơ thẩm thì có kháng cáo được không ? Thời hạn kháng cáo là bao nhiêu ngày ? Án phí kháng cáo sẽ tính như thế nào ?
Nếu chị gái anh không đồng ý với bản án của Tòa án về vấn đề chia tài sản có thể làm thủ tục kháng cáo theo tục quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Thời hạn kháng cáo: Điều 245 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thời hạn kháng cáo như sau:
Điều 245. Thời hạn kháng cáo
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
3. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì.
Nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm:
Điều 28. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm
1. Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm, trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc được miễn nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của Pháp lệnh này.
2. Mức tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bằng mức án phí dân sự phúc thẩm. (Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tóa án năm 2009)
Điều 132. Nghĩa vụ nộp án phí phúc thẩm
1. Đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp án phí phúc thẩm.
2. Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; Toà án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; nghĩa vụ nộp án phí được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án. ( Điều 132 Bộ luật tố tụng dân sự)
Điều 30. Nghĩa vụ chịu án phí dân sự phúc thẩm
1. Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 27 của Pháp lệnh này.
3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
4. Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm. Đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm.
5. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm. Về án phí dân sự sơ thẩm, nếu các đương sự tự thỏa thuận được với nhau thì các đương sự chịu án phí dân sự sơ thẩm theo thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
6. Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.
7. Trong vụ án có người không phải nộp hoặc được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm thì những người khác vẫn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều này. (Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tóa án năm 2009)
Bạn cần đối chiếu với từng trường hợp xem vụ án của chị gái bạn khi tiến hành kháng cáo sẽ thuộc trường hợp nào, khi đó mới xác định được án phí dân sự phúc thẩm cụ thể.
4. Nếu chị tôi xin kê khai lại tài sản (định giá lại tổng tài sản) là 500 triệu để nộp án phí thì có được không ?
Chị gái của bạn không được kê khai lại tài sản là 500 triệu để trốn tránh mức án phí.
Căn cứ pháp lý: Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự: 1. Toà án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
b) Các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.
…
5. Luật quy định cách chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như thế nào? Chia bằng tiền hay bằng hiện vật ? Anh chị tôi có hai con gái, môt 18 tuổi và một 14 tuổi thì các con có được chia tài sản đó không?
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về chia tài sản chung của vợ chồng dựa trên nguyên tắc sau:
Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Như vậy, nếu hai cháu có công sức đóng vào khối tài sản chung của bố mẹ sẽ được chia phần giá trị đóng góp; Nếu không có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của bố mẹ sẽ không được chia tài sản. Tuy nhiên, đối với cháu 14 tuổi là chưa thành niên nên sẽ được pháp luật quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Tiếp đến, tài sản chung của vợ chồng chị gái anh sẽ được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
6. Kết luận của tòa án về việc chia tài sản sẽ được thi hành như thế nào ? Có biện pháp cưỡng chế gì không nếu anh rể tôi không tuân thủ bản án có hiệu lực ?
Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm sẽ được thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, nếu các đương sự có quyền kháng cáo không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 vấn đề thi hành án được xác định:
Điều 9. Tự nguyện và cưỡng chế thi hành án
1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án.
2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này.
Như vậy, nếu anh rể của bạn không tự nguyện thi hành án sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008.
7. Căn nhà của anh chị tôi nếu theo đánh già thì không thể ngăn đôi được. Vậy trường hợp này tòa sẽ căn cứ thế nào để chia căn nhà đó ? Ví dụ một người lấy nhà còn người kia lấy tiền thì người lấy nhà sẽ thay đổi quyền sử dụng như thế nào? Và thủ tục ra sao?
Như trên đã phân tích cho bạn về nguyên tắc chia tài sản đó là:
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Khi đó, dựa trên bản án có hiệu của Tòa án để xác định ai là người được sở hữu căn nhà gắn liền với đất. Nếu chị gái bạn được sở hữu thì sẽ phải trả chi phí phần giá trị tương ứng cho anh rể của bạn. Sau đó chị gái của bạn sẽ phải làm hồ sơ lên Phòng tài nguyên môi trường cấp Quận, Huyện, Thị Trấn, Thị xã, Thành phố trực thuộc tỉnh nơi có tài sản để xác lập lại quyền sở hữu.
8. Nếu chị tôi không có tiền nộp tạm ứng án phí về việc chia tài sản thì tòa có xét xử cho anh rể tôi ly hôn mà không đề cập đến việc chia tài sản hay không ? Nếu ly hôn rồi mà chưa chia được tài sản thì sau này sẽ như thế nào?
Khi đương sự có yêu cầu độc lập là chị gái của bạn cần chia tài sản mà không tiến hành nộp tạm ứng án phí, khi đó tòa án sẽ không thụ lý yêu cầu đó. Tòa án vẫn xét xử vụ án ly hôn theo yêu cầu trong đơn ly hôn mà anh rể bạn là nguyên đơn yêu cầu.
Sau khi ly hôn, anh chị bạn có thể thỏa thuận để phân chia tài sản, nếu không thỏa thuận được vẫn có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản sau ly hôn.
9. Anh rể tôi sống như vợ chồng với người khác và đánh đập chị tôi (còn đầy đủ chứng từ xã giải quyết và giấy viện) thì có là tình tiết như thế nào trong vụ án ly hôn này không?
Tình tiết đó sẽ được coi là quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Mục lục bài viết
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Hiện tại Tòa án chưa xét xử nên anh chị của bạn vẫn là vợ chồng hợp pháp, chị của bạn có thể làm đơn ra cơ quan công an để xử lý hành vi chung sống như vợ chồng bất hợp pháp, xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, hoặc cũng có thể làm đơn khởi kiện một vụ án dân sự mới đòi bổi thường tổn thất về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Cách tính án phí chia tài sản khi ly hôn?
– Án phí chia tài sản sau khi ly hôn
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
– Tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại
– Tư vấn luật miễn phí qua điện thoại
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Thắng