Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn người thực hiện hành vi phạm tội khỏi xã hội trong một thời gian nhất định để nhằm phục vụ công tác điều tra tội phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Mục lục bài viết
1. Tạm giam là gì?
Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn có tính chất nghiêm khắc nhất trong các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự. Các biện pháp khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo chỉ ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại hoặc quyền và lợi ích về tài sản mà không ảnh hưởng đến các quyền tự do khác của công dân như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do giao tiếp, quyền hội họp. Còn các biện pháp bắt, tạm giữ cũng là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc, nó cũng hạn chế quyền tự do của công dân nhưng thời gian hạn chế quyền tự do trong bắt và tạm giữ ngắn hơn nhiều so với tạm giam. Trong vòng 24 giờ sau khi bắt người hoặc nhận người bị bắt người hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp bắt khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang.
Thực tiễn cho thấy, biện pháp tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp này phải có căn cứ rõ ràng, xác đáng, không lạm dụng, áp dụng tùy tiện. Bộ luật Tố tụng hình sự qua các thời kỳ cũng có quy định rõ về các trường hợp bắt tạm giam nhằm ngăn chặn tội phạm tiếp tục thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây nguy hại, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội cho xã hội.
Tuy vậy, vẫn có những trường hợp pháp luật hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam đối với những đối tượng như: bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lai lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Việc nhà làm luật quy định như vậy vừa thấu tình, vừa đạt lý vì đây là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và có những diễn biến tâm sinh lý không giống với những người khỏe mạnh bình thường.
2. Thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự:
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 173 của
“1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, thời hạn tạm giam của bị can sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào hành vi, tính chất nguy hiểm cho xã hội của chính bị can đó. Tùy vào từng mức độ của bị can mà thời hạn tạm giam sẽ khác nhau.
3. Thời hạn gia hạn tạm giam:
Cơ quan điều tra chỉ được gia hạn tạm giam đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Như vậy, pháp luật không quy định rõ các trường hợp cụ thể nào cần tiến hành gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra mà chỉ nêu một cách tương đối là xuất phát từ tính chất phức tạp của vụ án mà Cơ quan điều tra có nghĩa vụ đề nghị Viện kiểm sát gia hạn thời hạn tạm giam để điều tra.
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 173
“2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”
Như vậy, việc gia hạn tạm giam đối với từng tội phạm sẽ có thời hạn gia hạn tạm giam khác nhau. Thời hạn gia hạn tạm giam phụ thuộc vào tính chất, hành vi nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm. Việc gia hạn thời hạn tạm giam sẽ thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân.
+) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
+) Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+) Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
+) Trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam quy định tại khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 01 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đặc biệt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
+) Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
+) Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.