Hội thẩm nhân dân được xem là những người đại diện cho quần chúng nhân dân tham gia vào phiên tòa để giám sát quá trình xét xử của tòa án cấp sơ thẩm. Vậy tại sao xét xử phúc thẩm lại không có sự có mặt của hội thẩm nhân dân?
Mục lục bài viết
1. Tại sao xét xử phúc thẩm không có hội thẩm nhân dân?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 64 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Theo đó, hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự sẽ bao gồm 03 thẩm phán, ngoại trừ những trường hợp được quy định tại Điều 65 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tiếp tục đối chiếu với quy định tại Điều 65 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề xét xử vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn. Theo đó, quá trình xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn sẽ do 01 thẩm phán tiến hành theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, so với hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, thành phần xét xử của hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án thực sự không có sự hiện diện của hội thẩm nhân dân. Việc pháp luật không quy định hội thẩm nhân dân được tham gia vào hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự chủ yếu xuất phát từ đặc điểm cơ bản của quá trình xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Theo đó, thành phần của hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm cần phải có những đặc trưng cơ bản sau đây:
– Chủ thể thực hiện thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Trong giai đoạn xét xử nói chung, chủ thể xét xử vụ án tại phiên tòa thuộc về hội đồng xét xử. Do đó, chủ thể trực tiếp tiến hành các thủ tục xét xử phúc thẩm là Hội đồng xét xử phúc thẩm Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm các thẩm phán được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, giữ ngạch thẩm phán trung cấp/cao cấp công tác tại tòa án nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án quân sự cấp quân khu, tòa án quân sự trung ương. Hội đồng xét xử phúc thẩm được thành lập theo sự phân công của Chánh án tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm (thực hiện công tác xét xử đối với từng vụ án cụ thể);
– Cơ sở phát sinh thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử có quyền xem xét, quyết định đối với vụ án mà bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo/kháng nghị (hợp pháp) theo trình tự phúc thẩm trên cơ sở sự phân công của Chánh án tòa án cấp phúc thẩm;
– Đối tượng của thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền xem xét, quyết định đối với bản án sơ thẩm hoặc phần nội dung bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể xem xét các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nếu xét thấy cần thiết. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hoặc có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án mà tòa án không biết được khi ra bản án đó thì bản án sơ thẩm có thể trở thành đối tượng xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo từng trường hợp cụ thể.
Vì vậy có thể nói, hội thẩm nhân dân là một trong những chủ thể bắt buộc phải có trong phiên xét xử sơ thẩm dân sự. Việc hội thẩm nhân dân tham gia vào quá trình xét xử sơ thẩm hướng tới mục đích xét xử vụ án được công bằng, đảm bảo đúng người đúng tội, nhân dân được quyền thể hiện ý kiến và nguyện vọng của mình trong quá trình xét xử. Bởi vì về bản chất, hội thẩm nhân dân là những người thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân theo sự phân công của tránh án tòa án nơi được bầu làm hội thẩm nhân dân, nhìn chung thì hội thẩm nhân dân được xem là người đại diện cho quyền lợi của công chúng, tham gia vào quá trình xét xử để đảm bảo sự công bằng và nói lên tiếng nói của người dân. Trong quá trình tham gia phiên xét xử sơ thẩm, hội thẩm nhân dân được giao ngang quyền với thẩm phán trong quá trình biểu quyết để ra một bản án chính thức theo hình thức đa số. Vì vậy, việc hội thẩm nhân dân chỉ tham gia xét xử sơ thẩm là một chủ trương đúng đắn của đảng trong quá trình nâng cao nền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.
Với sự tham gia của hội thẩm nhân dân tại giai đoạn sơ thẩm, thì tính đúng đắn của bản án đó đã được thể hiện, khi đưa ra quyết định tại phiên tòa sơ thẩm, bản án đó đã có sự đóng góp ý kiến của hội thẩm nhân dân. Vì vậy, khi lên đến phiên tòa phúc thẩm, không cần thiết phải có sự tham gia của hội thẩm nhân dân. Nhìn chung, quá trình kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm đối với bản án của tòa án cấp sơ thẩm chỉ được thực hiện khi có đầy đủ căn cứ cho rằng bản án dân sự sơ thẩm vi phạm quy định của pháp luật, quyền lợi của người dân chưa được đảm bảo (thuộc về vấn đề chuyên môn pháp lý). Quá trình giải quyết phúc thẩm đòi hỏi những chủ thể có chuyên môn cao vì, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay kể từ thời điểm tuyên. Trong khi đó, hội thẩm nhân dân không đáp ứng được yêu cầu đó. Đây được xem là lý do quan trọng nhất để pháp luật không quy định hội thẩm nhân dân tham gia trong phiên tòa xét xử phúc thẩm.
2. Quyền hạn của hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự:
Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự theo quy định của pháp luật sẽ bao gồm các quyền hạn như sau:
– Thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Căn cứ theo quy định tại Điều 112 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự, nếu nhận thấy cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì hội đồng xét xử sẽ có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc thay đổi, hủy bỏ quá trình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Thẩm quyền về việc sửa bản án sơ thẩm. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 hiện nay có quy định hội đồng xét xử phúc thẩm là cơ quan có thẩm quyền sửa đổi một phần/sửa đổi toàn bộ đối với bản án sơ thẩm nếu như tòa án cấp sơ thẩm trước đó đã đưa ra quyết định không phù hợp với quy định của pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
– Thẩm quyền về việc hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm hoặc chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm căn cứ theo quy định tại Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
– Có quyền hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ theo quy định tại Điều 311 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Thẩm quyền này của hội đồng xét xử phúc thẩm nhằm mục đích đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình giải quyết và xét xử vụ án dân sự;
– Có thẩm quyền về việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm căn cứ theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, hội đồng xét xử phúc thẩm hoàn toàn có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm, điều này có nghĩa là hội đồng xét xử phúc thẩm hoàn toàn có quyền quyết định không sửa đổi/hủy bỏ bản án sơ thẩm ban đầu.
3. Quyền hạn của hội thẩm nhân dân trong hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định, việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, ngoại trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn, đồng thời khi tiến hành hoạt động biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, hội thẩm nhân dân sẽ có thẩm quyền ngang quyền với thẩm phán.
Như vậy có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên thì hội thẩm nhân dân và thẩm phán sẽ ngang quyền với nhau trong hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự, vì vậy nếu hai hội thẩm nhân dân có quyết định khác biệt so với thẩm phán thì bản án đó sẽ được quyết định theo đa số. Tuy nhiên trên thực tế, pháp luật cho phép các bên có quyền kháng cáo để được xét xử phúc thẩm trong một khoảng thời gian hợp lý, khi đó thì toàn bộ thành viên của hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ được chuyển đổi thành toàn bộ thẩm phán, khi đó bản án xét được tuyên có giá trị pháp lý cao hơn, đồng thời bảo đảm quyền lợi của các bên.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 264 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề nghị án. Cụ thể như sau:
– Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, quá trình nghị án đòi hỏi cần phải có thời gian dài, thì hội đồng xét xử có thể quyết định cụ thể về thời gian nghị án tuy nhiên không được phép vượt quá 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc phiên tranh luận tại tòa;
– Hội đồng xét xử bắt buộc phải ra thông báo bằng văn bản cho những người có mặt tại phiên tòa và những người tham gia tố tụng nếu như họ vắng mặt tại phiên tòa về ngày, giờ, địa điểm của hoạt động tuyên án. Trong trường hợp, chủ thể có thẩm quyền đó là hội đồng xét xử đã thực hiện hoạt động thông báo bằng văn bản mà có người tham gia tố tụng vẫn vắng mặt vào thời điểm đó thì hội đồng xét xử vẫn sẽ có quyền tiếp tục tiến hành hoạt động tuyên án căn cứ theo quy định tại Điều 267 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo đó thì có thể nói, thời gian nghị án đối với phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được xác định là 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày kết thúc phiên tranh luận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.