Hiện nay, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài không phải là việc hiếm gặp. Theo quy định pháp luật thì việc người nước ngoài và người Việt Nam kết hôn với nhau mỗi bên cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn, vậy tại sao cần phải khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài?
Mục lục bài viết
1. Tại sao phải khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài?
Thực tế hiện nay tại các quốc gia trên thế giới đã có yêu cầu phải khám sức khoẻ khi xét cấp visa kết hôn, như Đài Loan (Trung Quốc) yêu cầu phải khám sức khoẻ tại các cơ sở y tế có trong danh sách mà Phòng kinh tế Văn hoá Đài Bắc công bố và danh mục yêu cầu khám sức khoẻ là khám các bệnh truyền nhiễm. Tương tự Hàn Quốc cũng có các yêu cầu người xin cấp visa kết hôn phải có chứng nhận sức khoẻ để chứng minh không mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, Viên gan B (HbsAg), bệnh Giang mai (TBHA)…
Tại Việt Nam căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, một trong các điều kiện khi nam, nữ muốn kết hôn đó là “không bị mất năng lực hành vi dân sự”. Điều này có nghĩa là nam, nữ muốn kết hôn phải có tinh thần bình thường và đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi dân sự của bản thân.
Bên cạnh đó căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật hộ tịch năm 2014, công dân Việt Nam, người nước ngoài khi đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam thì hai bên nam, nữ phải nộp giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 20 tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hướng dẫn trường hợp kết hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm có: ngoài Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu theo quy định và các giấy tờ khác có liên quan thì trong hồ sơ cần chuẩn bị Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Vì vậy, trong hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại Việt Nam có một giấy tờ bắt buộc phải có là Giấy chứng nhận sức khoẻ để xác nhận để xác nhận tình trạng người kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Yêu cầu việc khám sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài không chỉ là thủ tục bắt buộc theo quy định pháp luật, mà còn giúp cho quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng lành mạnh và tốt đẹp. Mục đích chính của việc khám sức khỏe này là để đảm bảo sức khỏe của cả hai bên, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh liên quan đến khả năng sinh sản, từ đó bảo vệ quyền lợi của cả hai vợ chồng và con cái trong tương lai.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy xác nhận sức khỏe khi kết hôn với người nước ngoài?
Hiện nay theo nhiều báo cáo cho thấy tình hình kiểm tra sức khỏe cho việc kết hôn với người nước ngoài chưa được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Thực tế có rất nhiều người thực hiện việc hối lộ nhằm có được chứng nhận sức khỏe tốt đủ điều kiện để kết hôn với người nước ngoài. Đây là những hành vi gian lận và vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.
Ngoài ra, những cơ sở y tế nhỏ lẻ, cũ kỹ không đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ cho ra kết quả thiếu chính xác. Kèm theo đó là hệ thống máy điện não đồ đã quá cũ, phục vụ cho việc khám các bệnh lý thần kinh tại nhiều cơ sở. Tình hình này khiến nhiều người hoang mang, lo lắng trong việc tìm kiếm cơ sở khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài.
Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn với người nước ngoài không chỉ nhằm tuân thủ pháp luật của nhà nước mà thông qua đó chúng ta còn biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Sẽ có những biện pháp xử lý nếu phát hiện nguy cơ mắc bệnh cần có thời gian. Vậy nên, cần tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng cơ sở y tế chất lượng, uy tín để đảm bảo kết quả khám bệnh chính xác.
Hiện nay, không phải mọi cơ sở y tế đều có chức năng khám sức khoẻ kết hôn với người nước ngoài mà chỉ có các cơ sở y tế được cấp phép thực hiện khám chuyên khoa Tâm thần theo quy định của Bộ Y tế thì mới có đủ thẩm quyền thực hiện việc khám và cấp giấy chứng nhận sức khoẻ khi kết hôn với người nước ngoài.
Vì thế, cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy khám sức khỏe cho người muốn kết hôn có yếu tố nước ngoài là cơ sở y tế có chuyên khoa về tâm thần được cấp phép bởi Sở tư pháp và Sở y tế tại địa phương, trường hợp ở các tỉnh, thành nào không có cơ sở y tế chuyên khoa về tâm thần thì liên hệ với bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, để được khám theo chỉ định của Sở Tư pháp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài tại Bệnh viện tâm thần thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy…, tại Hà Nội có thể khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài tại Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Bệnh viện tâm thần trung ương I, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương…
Bên cạnh đó, Giấy xác nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền phải thể hiện nội dung: “… không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình”.
3. Cần chuẩn bị những gì khi đi khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài:
Khi thực hiện thủ tục khám sức khỏe để lấy giấy khám sức khỏe kết hôn với người nước ngoài, tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền, ngoài phí và lệ phí khám sức khoẻ theo quy định của từng cơ sở khám chữa bệnh, người dân cần phải chuẩn bị những loại giấy tờ như sau:
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền (bản photo), nếu có thể thì cầm theo bản chính để được đối chiếu khi có yêu cầu.
– Giấy tờ tùy thân có thể là chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu bản photo. Bản photo sẽ được xếp vào hồ sơ khám sức khỏe, còn bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xuất trình bản gốc để đối chiếu cho chính xác.
– 04 ảnh chụp với kích thước 3cm x 4cm với thời gian chụp không quá 6 tháng, bởi vì thời gian càng lâu thì ảnh càng khác với thực tế.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, nộp hồ sơ tới cơ sở khám chữa bệnh. Cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tiến hành xem xét và xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật, xác nhận rồi tiến hành khám sức khỏe cho người nộp hồ sơ. Kết quả sẽ được trả trong khoảng thời gian tối đa là 02 ngày, giấy khám sức khỏe trong trường hợp này thông thường sẽ có giá trị kéo dài trong khoảng thời gian 06 tháng được tính kể từ ngày cấp, được sử dụng để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại bất cứ tỉnh, thành phố nào trên lãnh thổ của Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: