Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Vậy tài sản của doanh nghiệp được xử lý thế nào khi phá sản?
Mục lục bài viết
- 1 1. Tài sản của doanh nghiệp được xử lý thế nào khi phá sản?
- 2 2. Quy định về xử lý khoản nợ có bảo đảm sau khi mở thủ tục phá sản doanh nghiệp:
- 3 3. Xác định tiền lãi đối với khoản nợ khi quyết định mở thủ tục phá sản:
- 4 4. Quy định về trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản:
- 5 5. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh:
1. Tài sản của doanh nghiệp được xử lý thế nào khi phá sản?
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Trước khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp phá sản thì doanh nghiệp phải tiến hành xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản, giá trị nghĩa vụ về tài sản được xác định như sau:
– Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thực hiện ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định mở thủ tục phá sản.
– Nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp được xác lập sau khi Tòa án nhân dân thực hiện ra quyết định mở thủ tục phá sản được xác định vào thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.
– Trường hợp nghĩa vụ về tài sản không phải là tiền thì Tòa án nhân dân xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản đó bằng tiền.
Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản sau khi Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản, theo Điều này khi doanh nghiệp phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được xử lý như sau:
– Thứ nhất, phân chia tài sản của doanh nghiệp: Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự sau:
+ Chi phí phá sản;
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với những người lao động của doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản, các quyền lợi khác theo
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích để doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp bị Tòa án tuyên bố phá sản phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; các khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Lưu ý rằng, nếu giá trị tài sản của doanh nghiệp không đủ để thanh toán thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên đã nêu trên sẽ được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ mà doanh nghiệp nợ.
– Thứ hai, trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp bị phá sản sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
+ Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân;
+ Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+ Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
+ Thành viên của Công ty hợp danh.
2. Quy định về xử lý khoản nợ có bảo đảm sau khi mở thủ tục phá sản doanh nghiệp:
Căn cứ Điều 53 Luật Phá sản 2014 quy định về xử lý khoản nợ có bảo đảm sau khi mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, Điều này quy định sau khi mở thủ tục phá sản thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất đến Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau:
– Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với những tài sản bảo đảm đó sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ;
– Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc các tài sản bảo đảm cũng không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì sẽ xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Riêng đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện như sau:
+ Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi mà Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;
+ Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán toàn bộ số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, việc xử lý tài sản bảo đảm được nêu trên cũng được áp dụng trong trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị, khi đó Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm.
3. Xác định tiền lãi đối với khoản nợ khi quyết định mở thủ tục phá sản:
– Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, các khoản nợ được tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận nhưng được tạm dừng việc trả lãi.
– Trường hợp Thẩm phán ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục thực hiện phục hồi hoạt động kinh doanh khi doanh nghiệp, đã thực hiện xong về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh thì việc tạm dừng trả lãi sẽ chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện việc trả lãi theo thỏa thuận.
– Đối với khoản nợ mới phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản đến thời điểm Tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì tiền lãi của khoản nợ đó sẽ được xác định theo thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
– Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi.
4. Quy định về trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản:
Căn cứ Điều 56 Luật Phá sản 2014 quy định về trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, Điều này quy định về việc trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản như sau:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án, chủ sở hữu tài sản cho doanh nghiệp thuê hoặc mượn để dùng vào các hoạt động kinh doanh sẽ phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn với cơ quan thi hành án dân sự để được nhận lại tài sản của mình.
– Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã trả trước tiền thuê nhưng lại chưa hết thời hạn thuê thì người cho thuê sẽ chỉ được nhận lại tài sản sau khi đã thực hiện thanh toán số tiền thuê tương ứng với thời gian thuê còn lại để cho cơ quan thi hành án dân sự nhập vào khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.
– Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện chuyển nhượng tài sản thuê hoặc mượn cho người khác mà lại không đòi lại được thì người cho thuê hoặc cho mượn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường đối với tài sản đó như khoản nợ không có bảo đảm.
5. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh:
5.1. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới:
Trường hợp nhiều doanh nghiệp (hoặc hợp tác xã) có nghĩa vụ liên đới về một khoản nợ mà một hoặc tất cả những doanh nghiệp, hợp tác xã đó đều mất khả năng thanh toán thì chủ nợ hoàn toàn có quyền đòi bất cứ doanh nghiệp, hợp tác xã nào trong số những doanh nghiệp, hợp tác xã đó thực hiện việc trả nợ cho mình theo quy định của pháp luật.
5.2. Nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh:
Trường hợp người bảo lãnh mất khả năng thanh toán thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau:
– Nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trường hợp bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh hoàn toàn có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán phần còn thiếu;
– Nếu nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh thì bên được bảo lãnh sẽ phải thay thế biện pháp bảo đảm khác, trừ trường hợp người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh có thỏa thuận khác.
Trường hợp người được bảo lãnh hoặc cả người bảo lãnh và người được bảo lãnh đều đang mất khả năng thanh toán thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm thay cho người được bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phá sản 2014.